Chú trọng cả hạ tầng và nguồn nhân lực

Thúy Hằng (thực hiện) 25/11/2021 07:19

Trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết xoay quanh nội dung giải pháp đột phá cho địa phương trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, TS Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) khẳng định, không chỉ chú trọng vào hạ tầng, các địa phương cần chuẩn bị nguồn nhân lực tốt để kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư.

PV: Để đón sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tại nhiều địa phương đã triển khai xây dựng những kế hoạch phát triển hạ tầng và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn. Thưa ông để đón được các nhà đầu tư lớn, có chọn lọc, các địa phương cần lưu ý gì, thưa ông?

TS Nguyễn Văn Toàn: Việc thu hút vốn FDI tại các địa phương phụ thuộc nhiều yếu tố. Theo tôi về chính sách chung đã có khung được Chính phủ đưa ra, song đặc thù tại địa phương khác nhau, nên địa phương phải chủ động khai thác tiềm năng của mình. Quan trọng nhất là hạ tầng, chẳng hạn như các tỉnh miền núi Điện Biên, Lai Châu đường sá, hạ tầng cơ sở khó khăn thì chắc chắn kêu gọi đầu tư không thể hiệu quả như TP Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là nguyên nhân mà cơ quan quản lý xác định “không cào bằng trong thu hút FDI mà phải có trọng tâm trọng điểm”.

Ngoài ra, vấn đề nữa là lãnh đạo địa phương có đặt trọng tâm phát triển kinh tế xã hội bằng thu hút vốn FDI hay không. Nếu như trong Nghị quyết tỉnh/ thành phố có nêu trọng tâm về thu hút vốn FDI, có đặt vấn đề thu hút vốn FDI thì hành động khác. Phải có sự chuẩn bị, có sự chủ động trong việc thu hút, tìm kiếm các nhà đầu tư chất lượng cao thì mới có cách đón được “đại bàng”. Các địa phương khi lên kế hoạch, chương trình hành động, họ biết cần phải chuẩn bị mặt bằng đất sạch trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hiện có và xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất mới với đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội ra sao. Tạo thuận lợi về thủ tục để tiếp nhận các nhà máy, xí nghiệp FDI chuyển đến Việt Nam.

Ngoài ra hiện nay, các nhà đầu tư FDI rất quan tâm đến hạ tầng xã hội. Tức là khi triển khai dự án, nhà đầu tư phải đưa chuyên gia sang vì vậy, địa phương cũng phải chuẩn bị chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ nghỉ cho chuyên gia. Ngoài việc phát triển hạ tầng giao thông, địa phương cũng cần lưu ý đến hạ tầng xã hội.

Thưa ông, tại một số địa phương dù khá tương đồng về điều kiện nhưng việc thực hiện vốn FDI lại khá lệch pha. Chẳng hạn thực hiện vốn FDI trong 10 tháng tại Thái Nguyên hơn 8 tỷ USD, tại Phú Thọ là hơn 2 tỷ USD trong khi đó Hòa Bình, con số này chỉ hơn 700 triệu USD. Ông có thể lý giải điều này?

- Chúng ta phải xác định, thu hút FDI không phải bằng mọi giá, mà phải là hàm lượng công nghệ, hàm lượng giá trị gia tăng. Có một số tỉnh, sau một thời gian thu hút vốn FDI thấy không hiệu quả, dòng tiền về sau thu không nhiều, chỉ một lượng ít lao động có công ăn việc làm, hiệu quả lan tỏa để phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh/ thành phố đó không cao, thì họ không mặn mà thu hút và thực hiện FDI.

Để đón “đại bàng”, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đã được thành lập; các cơ chế ưu đãi đặc biệt đã được ban hành, nhưng điều quan trọng là cần sớm khơi thông những “điểm nghẽn”. Ông có cho rằng, một trong những “điểm nghẽn” đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?

- Đúng như vậy! Thực ra Việt Nam trong quá thu hút và thực hiện các dự án công nghệ cao, chúng ta nhận thấy nguồn nhân lực của Việt Nam không những yếu mà còn quá thiếu, lao động mình chỉ làm phần lắp ráp. Trong khi đó quan trọng hơn là thu hút dự án công nghệ cao, lao động phải làm được phần giá trị cao, phải có người tham gia vào khâu thiết kế, khâu vận hành. Trách nhiệm cung cấp nguồn nhân lực kỹ sư tay nghề cao thuộc về bên đào tạo nghề, giáo dục, các địa phương phải chuẩn bị rất kỹ, bài bản. Vừa rồi có điều rất mừng là Sam Sung đã có một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ngay tại Hà Nội với 2000 – 3000 kỹ sư Việt Nam. Tôi tin rằng, sau một thời gian, các kỹ sư của chúng ta sẽ có kinh nghiệm. Khi có nhân lực cao rồi chúng ta mới có thêm điều kiện để mời gọi đầu tư, nâng chất cho lao động Việt Nam. Phát triển nguồn nhân lực vừa là động lực vừa là mục tiêu cần phải thực hiện.

Thưa ông, Chính phủ vừa ký duyệt 127 dự án để mời gọi đầu tư. Ông đánh giá thế nào về tính khả quan của các dự án này?

- Chắc chắn rằng khi chúng ta đi mời gọi đầu tư thì cái gì càng cụ thể càng tốt. Chúng ta đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, chúng ta phải có được hồ sơ dự án, mặt bằng đất đã chuẩn bị ra sao, mục tiêu phát triển dự án thế nào để cho nhà đầu tư dễ hình dung. Kinh nghiệm một số lần tôi dẫn các đoàn về địa phương cho thấy, địa phương có đưa ra dự án mời đầu tư nhưng khi hỏi thì không có tài liệu gì, cũng không có phân tích đánh giá, không có chính sách cụ thể. Theo tôi, khi đi mời gọi đầu tư, mời gọi rót kinh phí thì cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng những nội dung, thông tin để thu hút đầu tư.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chú trọng cả hạ tầng và nguồn nhân lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO