Chưa hoàn tất giảm cước, đã dọa tăng giá xăng

Thúy Hằng 04/03/2016 09:24

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải chưa hoàn tất quá trình giảm cước vận tải thì doanh nghiệp đầu mối buôn bán xăng dầu đã thông báo đang lỗ. Xăng dầu đứng trước nguy cơ tăng ngược giá trở lại?

Xăng dầu đứng trước nguy cơ tăng giá trở lại. Ảnh: Hoàng Long.

Kinh doanh xăng dầu lỗ 300 đồng/lít xăng

Thông tin đăng tải trên website của Bộ Công thương cho thấy, giá xăng Ron 92 trong những ngày qua đã đảo chiều tăng cao trên 40USD/thùng. Ngày 1-3, giá chốt phiên còn lên tới 44,87 USD/thùng. Giá bình quân theo đó cũng đã tăng theo và cao hơn mức bình quân của 15 ngày trước đó. Như vậy, với diễn biến giá xăng dầu thành phẩm xu hướng tăng, giá xăng trong nước liệu có tăng theo? Cũng trong ngày hôm nay, ngày 4-3 là thời điểm mà liên bộ Công thương – Tài chính có quyết định mới về điều hành giá xăng dầu nội địa.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nói, giá cơ sở của mặt hàng xăng, dầu hiện cao hơn giá bán lẻ từ 320 đồng/lít- 420 đồng/lít. Trong lần điều hành này, nếu không xả quỹ bình ổn giá giá bán lẻ sẽ phải điều chỉnh tăng để phù hợp với giá cơ sở mới khi giá nhập khẩu tăng, còn nếu muốn giữ nguyên giá bán lẻ thì cơ quan chức năng phải cho phép xả quỹ bình ổn giá để bù đắp. Hiện nay, quỹ bình ổn xăng dầu đặt tại doanh nghiệp đang khá nhiều, chỉ riêng tại tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex, thời điểm ngày 18-2 quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) của doanh nghiệp này còn 2.670 tỷ đồng.

Phía Bộ Tài chính khẳng định, sẽ theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới để phối hợp với các Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải điều hành giá xăng dầu, điều chỉnh giá cước vận tải theo đúng quy định.

Chưa hoàn tất việc giảm cước

Hiện xăng Ron A92 đang được bán với giá 13.750 đồng/USD, là mức giá thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Nhưng dường như tác động của việc giảm giá xăng trong 15 ngày qua chưa hoàn tất để người tiêu dùng hưởng lợi thì mặt hàng xăng cũng đã “hù” tăng giá. Tại Hà Nội chỉ có 94 DN vận tải trên địa bàn đăng ký giảm cước. Trong đó, có 78/86 doanh nghiệp taxi và 24/54 DN vận tải kinh doanh tuyến cố định đăng ký giảm giá cước.

Dù UBND thành phố Hà Nội ra công văn yêu cầu các doanh nghiệp vận tải rà soát lại chi phí đầu vào, thực hiện kê khai giá điều chỉnh phù hợp với biến động của giá xăng nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ không giảm giá cước vận tải, hoặc giảm cước lấy lệ. Cụ thể, công ty thành viên của Tập đoàn Mai Linh, gồm Công ty CP Mai Linh Đông Đô và Công ty CP Mai Linh miền Bắc đã không tính đúng giá cước theo hướng dẫn tại Thông tư 25/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Trong khi đó, Ông Nguyễn Đăng Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết: “Hiện bến xe đang có 200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với 1400 đầu xe chạy trên 150 tuyến nhưng tính từ tháng 1 đến nay Ban quản lý bến cũng chỉ mới nhận được hơn 40 doanh nghiệp đăng ký niêm yết giảm giá vé với mức giảm nhiều nhất 10% giá cước là tuyến Lai Châu từ 300 nghìn đồng xuống 270.000 đồng, còn lại đều dao động ở mức 3% - 8%”.

Rõ ràng, người tiêu dùng luôn chịu thiệt. Người dân chưa được hưởng lợi từ tác động của việc giảm giá xăng dầu thì giá xăng lại có nguy cơ tăng, điều này cho thấy doanh nghiệp vận tải tìm cách hoãn binh để giảm giá.

Cần Thơ: Vận tải, taxi giảm cước

Theo thông tin từ Phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái thuộc Sở GTVT Cần Thơ, đến ngày 3/3, có 4/6 đơn vị vận tải taxi và 7/9 đơn vị vận tải tuyến cố định chiếm hơn 80% số doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn thực hiện kê khai giảm giá cước theo chỉ đạo của Sở GTVT TP.Cần Thơ. Các hãng taxi giảm trung bình từ 500 đồng đến 2.000 đồng tức giảm từ 2,2% đến 3,13%. Giảm cao nhất là hãng taxi Hoàng Long từ 4,55% đến 6,25%. Các xe khách tuyến cố định như hãng xe Phương Trang giảm giá vé từ Cần Thơ đến TP.Hồ Chí Minh cao nhất là 8,3% và thấp nhất là 4,3%.

Lê Quốc Khánh

Petrolimex trần tình về số lãi khủng

Chiều ngày 3/3, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chính thức phát đi thông tin phân tích về con số lãi khủng trước thuế 3.766 tỷ đồng trong năm 2015. Cụ thể, với lĩnh vực xăng dầu: Lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn Tập đoàn là: 1.989tỷ đồng, tương đương 52,8% tổng lợi nhuận hợp nhất. Với sản lượng xuất bán nội địa và tái xuất 8.963 ngàn m3,tấn bằng 108% so với cùng kỳ năm 2014 (riêng đối với dầu mazút đơn vị tính là: tấn); Lợi nhuận trước thuế đạt 222 đồng/lít,kg trong năm 2015.
Petrolimex tái khẳng định, lợi nhuận mặt hàng xăng dầu của tập đoàn trong năm 2015 có sự tăng trưởng trên các yếu tố chính:Thay đổi phương thức tính giá mua hàng nhập khẩu phù hợp với diễn biến thị trường; Hợp lý hóa đường vận động hàng hóa và cơ cấu tồn kho xăng dầu; Giảm chi phí tài chính và Sản lượng gia tăng, đặc biệt trong khâu bán lẻ…

H. H.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa hoàn tất giảm cước, đã dọa tăng giá xăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO