Chưa thay đổi lộ trình thi cử

Nguyên Khánh 02/08/2018 08:00

Đã có nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng ngày 1/8 như các giải pháp về quản lý các hồ đập, các tuyến đê, rút kinh nghiệm từ sự cố vỡ đập thủy điện của Lào; các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp và xuất khẩu...

Về vấn đề thi cử, “Thường trực Chính phủ và Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo về thay đổi lộ trình cải cách thi cử”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin các nội dung này tại buổi họp báo diễn ra chiều cùng ngày.

Chưa thay đổi lộ trình thi cử

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018.

Nhận trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong thi cử

Tại họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải trình tại phiên họp có liên quan đến vấn đề gian lận, tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, khiến dư luận bức xúc”. Ngay trong phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá là những sai phạm rất nghiêm trọng. “Ông đã nhận trách nhiệm trước Chính phủ và Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Công an để xử lý nghiêm các vi phạm, nhưng không vì sai phạm mà phủ nhận toàn bộ kết quả thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi như một số ý kiến” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Bộ GD&ĐT sẽ khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Cụ thể là đề thi chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của thi THPT quốc gia. Trong đề thi có những câu hỏi quá khó. Vấn đề cần khắc phục thứ hai là phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật, có thể dẫn đến việc làm sai kết quả thi. Vấn đề công tác thanh tra, giám sát của Bộ đối với các địa phương trong khâu coi thi đã được tăng cường, nhưng vẫn còn sơ hở.

Do đó, Bộ sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Cùng với đó là hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi. Cải tiến công tác tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính khách quan. Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, cán bộ làm công tác thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh kiểm tra của Bộ GD&ĐT đối với các hội đồng thi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, việc bỏ thi THPT quốc gia, Bộ sẽ nghiên cứu thấu đáo, nhưng tại thời điểm này là không nên.

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với tư cách là tư lệnh ngành đã nhận trách nhiệm về sai phạm, tiêu cực của kỳ thi. Thường trực Chính phủ và Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo nào thay đổi lộ trình cải cách thi cử đã đặt ra. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu để tổ chức kỳ thi THPT chặt chẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới” - ông Mai Tiến Dũng thông tin.

Chấm theo cụm, chấm chéo để chống gian lận

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, phát sinh tiêu cực trong thi cử, Thủ tướng có thái độ rất cương quyết và yêu cầu Bộ Công an, các bộ ngành địa phương điều tra đúng người, đúng tội, xử lý triệt để, lấy lại niềm tin của nhân dân. Dù có một số bất cập trong thi cử nhưng ông Mai Tiến Dũng cũng cho biết, hiện Chính phủ chưa bàn thi hình thức nào, quan điểm có học có thi, nhưng thi sao cho thực chất, đảm bảo yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc có thể trả lại điểm thi gốc cho các thí sinh ở Sơn La được hay không? Nếu không đưa về điểm thi gốc thì sẽ xử lý thế nào? Ông Nguyễn Hữu Độ -Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, các cơ quan điều tra đang vào cuộc quyết liệt. Ông Độ bày tỏ tin tưởng sẽ khôi phục được dữ liệu gốc điểm thi của các thí sinh ở Sơn La. “Căn cứ vào kết quả điều tra của Bộ Công an thì chúng tôi sẽ có giải pháp phù hợp đảm bảo công bằng cho các thí sinh”.

Chưa thay đổi lộ trình thi cử - 1

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người Phát ngôn Chính phủ chủ trì họp báo.

Trả lời câu hỏi, Bộ GD&ĐT vừa qua yêu cầu 63 tỉnh, thành tự rà soát kết quả thi nhưng nhiều tỉnh báo cáo không có gì bất thường; nếu tới đây tiếp tục lộ diện địa phương có dấu hiệu bất thường thì Bộ xử lý thế nào?Ông Độ nói kết quả chấm thẩm định các địa phương được coi là kết quả cuối cùng. “Nếu phát hiện sai phạm tiếp thì Bộ sẽ yêu cầu địa phương chủ động làm việc với công an địa phương đó để xử lý đúng người, đúng tội và đảm bảo khách quan, công bằng cho thí sinh. Quan điểm là không có vùng cấm” - ông Độ khẳng định. Theo ông Độ, với các cán bộ vi phạm ở cấp Sở, theo phân cấp quản lý thì UBND tỉnh, thành sẽ xử lý, kỷ luật. “Năm tới, chúng tôi sẽ rà soát quy trình, khâu coi thi, chấm thi, nâng cao nghiệp vụ, năng lực, đạo đức của các bộ chấm thi, coi thi. Quy trình đúng nhưng con người mà cố tình làm sai thì khó khăn” - ông Độ nhấn mạnh. Đồng thời, ông cũng cho biết Bộ đang hoàn thiện phần mềm để đối tượng có ý đồ làm xấu cũng khó làm được. Hướng tới, chấm trắc nghiệm thì có thể chấm theo cụm thi, tỉnh này chấm bài thi của tỉnh khác.

Không có vùng cấm trong xử lý kỷ luật

Trả lời câu hỏi vừa qua Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật Trung tướng Bùi Văn Thành -Thứ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Trần Việt Tân - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với các cán bộ này bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương xứng với kỷ luật của Đảng theo quy định. Vậy quy trình kỷ luật hành chính đã được tiến hành như thế nào? Ông Bùi Văn Nam – Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, từ 24/7, lãnh đạo Bộ đã kiểm điểm nghiêm túc, đề xuất hình thức kỷ luật về Đảng, chính quyền lên Bộ Chính trị, Chính phủ. Sau đó Bộ Chính trị quyết định hình thức kỷ luật với các cán bộ trên. “Được biết Ban cán sự Đảng Chính phủ đã họp bàn, đưa ra hình thức kỷ luật nghiêm minh” - ông Nam nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin thêm, với Thượng tướng Trần Việt Tân, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 - 2016, “khi đã cách chức này thì tức là sẽ không còn nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; còn việc giáng cấp bậc hàm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng sẽ trình Chủ tịch nước việc này theo đúng quy định của Luật Công an Nhân dân”.

Trường hợp Trung tướng Bùi Văn Thành, Bộ Chính trị đã cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng (Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021; Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an nhiệm kỳ 2010 - 2015), “như vậy đương nhiên Trung tướng Bùi Văn Thành sẽ không còn là Thứ trưởng Công an; còn việc giáng cấp bậc hàm thì Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng sẽ trình Chủ tịch nước”. “Như vậy công việc này đang được tiến hành theo đúng quy trình và sẽ sớm công bố để nhân dân biết” - ông Mai Tiến Dũng nói.

Tại buổi họp báo, trả lời về vấn đề tiền ảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc phá giá đồng Nhân dân tệ có ảnh hưởng nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong điều hành tỷ giá cần nhìn vào diễn biến của nhiều đồng tiền. Từ 1/1/2016 Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá dựa trên diễn biến thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của các nước hay giao dịch với Việt Nam, đảm bảo cân đối vĩ mô, thị trường tiền tệ. Theo đó, tỉ giá trung tâm của Việt Nam ngày 1/8 tăng 1,1% so năm ngoái, đối với biên độ cho phép, tỉ giá liên ngân hàng tăng 2,5%, diễn biến này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa thay đổi lộ trình thi cử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO