Chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới: Chú trọng đời sống giáo viên

Thu Hương 03/11/2017 10:05

Để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (SGK) mới, vấn đề bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên hiện hành được nhấn mạnh không chỉ một lần trong các hội nghị, hội thảo của ngành giáo dục. Trong đó, vai trò của các trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) là không thể thay thế.


Sinh viên Trường ĐH Sư phạm- ĐH Thái Nguyên.

Quy hoạch các trường sư phạm

Ngày 24/1/2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 cũng đã được phê duyệt.

Trên cơ sở Đề án này, ngày 6-2-2017, Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã ký kết Hiệp định số 5857-VN tài trợ cho “Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”(Chương trình ETEP). Với tổng mức đầu tư của Dự án là 100 triệu USD, 7 trường ĐHSP gồm ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP TPHCM, ĐHSP - ĐH Thái Nguyên, ĐHSP Huế, ĐHSP - ĐH Đà Nẵng, ĐH Vinh cùng Học viện Quản lý Giáo dục được lựa chọn để nâng cao năng lực nhằm thực hiện trực tiếp nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ người giáo viên và các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo chuẩn nghề nghiệp.

Bộ GD&ĐT khẳng định trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn thành việc ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, tiêu chuẩn lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán; khung năng lực giáo viên phổ thông các môn học đặc thù.

Cùng với đó, rà soát toàn bộ đội ngũ giáo viên hiện có ở các địa phương, xác định số giáo viên thừa, thiếu trong từng cấp học, theo từng môn học ở địa phương để làm căn cứ đào tạo, bồi dưỡng bổ sung, thay thế đội ngũ giáo viên, cùng với việc hoàn thiện tính toán định mức kinh tế - kỹ thuật để từ đó giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng.

Từ phía các trường sư phạm, TS Nguyễn Văn Minh- hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, việc sớm quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, đào tạo theo đơn đặt hàng là cần thiết. Tuy nhiên, việc giải thể hay hợp nhất các trường sư phạm không thể làm ngay mà cần tính toán thận trọng và có lộ trình phù hợp vì điều này ảnh hưởng cả hệ thống xã hội về nhân văn.

Nâng cao đời sống giáo viên

Vấn đề lương thưởng, chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên là một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với ngành giáo dục hiện nay để thu hút người giỏi vào sư phạm cũng như cải thiện đời sống cho giáo viên đang công tác, thậm chí những người đã về hưu. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đang làm việc với Bộ Nội vụ, Tài chính để làm sao đưa vào Luật Giáo dục vấn đề thang, bảng lương của các thầy cô giáo. Đồng thời rà soát các chế độ, chính sách để giải quyết một số vấn đề còn vướng mắc, bất cập hiện nay như tuyển dụng, sử dụng giáo viên; lương, phụ cấp và thu nhập của giáo viên,… Nghiên cứu các nội dung cần thiết để đề xuất sửa đổi các nội dung cốt lõi về nhà giáo trong quá trình xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Tại tờ trình của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cho biết, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm trong thời gian học và sau khi ra trường; chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm, đồng thời chọn lọc và đào tạo những sinh viên sư phạm giỏi, yêu nghề nhằm bổ sung cho đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông.

Bày tỏ tán thành với những động thái quyết liệt của ngành giáo dục để nâng cao vị thế của người giáo viên hiện nay, TS Lê Viết Khuyến- nguyên vụ phó Vụ ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trên thực tế đây là câu chuyện không chỉ của riêng ngành giáo dục mà cần sự chung tay của tất cả các cấp, bộ, ngành.

Ông Khuyến lấy ví dụ trường hợp lương hưu chỉ 1,3 triệu đồng/tháng của cô giáo có 37 năm công tác trong ngành sư phạm được bên BHXH phân tích về quy trình tính lương là đúng. Muốn thay đổi bất cập này, không chỉ một mình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nỗ lực được.

Ở một góc nhìn khác, GS.TS Đinh Quang Báo- nguyên cán bộ nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu sư phạm (ĐHSP Hà Nội) cho rằng việc nâng đãi ngộ cho sinh viên sư phạm nói riêng và nhà giáo hiện đang công tác nói chung là đúng. Tuy nhiên, nên tiến hành đầu tư có chọn lọc. Cụ thể, nếu vẫn duy trì việc cào bằng đầu tư miễn học phí cho tất cả sinh viên sẽ không hút được người giỏi, cũng không tạo động lực nâng chất lượng đào tạo của các trường sư phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới: Chú trọng đời sống giáo viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO