Chuẩn bị để 'bình thường mới'

Hoàng Mai 01/10/2021 09:00

“Bình thường mới” giờ đã trở thành niềm mong mỏi của cả người dân và doanh nghiệp. “Bình thường mới”, chúng ta đã nhắc nhiều trong bối cảnh cả nước gồng mình chống đại dịch Covid-19 suốt gần 2 năm qua.

“Bình thường mới” giờ đã trở thành niềm mong mỏi của cả người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Thạch Thế Vinh.

1. Qua 4 đợt dịch, Việt Nam đã có hơn 718 nghìn người mắc bệnh; số hồi phục là hơn 487 nghìn người; số tử vong là hơn 17 nghìn người. Dịch đến với nhiều biến chủng khác nhau, đã khiến chúng ta hối hả dập dịch với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; rồi cả biết bao nguồn lực của nhà nước, của tư nhân cùng đổ vào.

Trong phiên họp Thường vụ Quốc hội tháng 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 là 14,62 nghìn tỷ đồng. Nhu cầu kinh phí trung ương chi phòng, chống dịch Covid-19, theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm phòng Covid-19 cho khoảng 80 triệu dân số trong năm 2021 dự kiến cần mua khoảng 170 triệu liều vaccine, với tổng nhu cầu kinh phí khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng. Sau khi trừ số đã chi 8.887 tỷ đồng để mua vaccine nêu trên và nguồn ngân sách địa phương dự kiến bố trí để mua vaccine 3,54 nghìn tỷ đồng, nhu cầu còn lại trung ương phải chi trong thời gian tới khoảng 16,07 nghìn tỷ đồng. Trường hợp dịch kéo dài và phải tiêm vaccine nhắc lại hàng năm, thì nhu cầu kinh phí mua vaccine sẽ lớn hơn.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo phương án của Bộ Y tế đảm bảo công tác y tế đối với tình huống khi có 300 nghìn người nhiễm Covid-19 trong khoảng thời gian 28 ngày cần chăm sóc y tế, dự kiến nhu cầu kinh phí chi từ ngân sách nhà nước khoảng 60,57 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chi khoảng 23,44 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương chi khoảng 37,13 nghìn tỷ đồng. Đó là dự kiến chi cho chống dịch, còn tình hình phát triển kinh tế thì sao?

2. Kinh tế, ngân sách quốc gia vốn đã eo hẹp, nay lại phải dồn sức chống dịch; rồi giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp cả ở khối nhà nước và tư nhân phải ngừng sản xuất, kinh tế tư nhân ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2021, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 68.000 tỷ đồng, giảm 34,1% về số doanh nghiệp và giảm 44,6% về vốn đăng ký so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 57%; số vốn đăng ký tăng 54,9%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước và giảm 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng, Tổng cục Thống kế cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 24,2% so với năm ngoái, tương đương 10.000 doanh nghiệp dừng hoạt động/tháng.

Cũng trong 8 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được khoảng 428 dự án đầu tư mới và 517 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 8,1 tỷ USD. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trong 8 tháng qua đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 96,5 nghìn tỷ đồng; đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp (bao gồm 456 nghìn lao động nước ngoài), tăng khoảng 90 nghìn lao động so với cuối năm 2020.

Những con số biết nói đã phần nào vẽ được bức tranh kinh tế đất nước 8 tháng quan với những gam màu sáng-tối đan xen. Có chút khởi sắc ở đâu đó, nhưng chủ đạo vẫn là sự lo lắng cho kinh tế nước nhà và đặc biệt là cho các doanh nghiệp Việt.

Dịch bệnh Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4 đã có dấu hiệu tạm lắng, nói như Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thì, “tới thời điểm này, chúng ta đã bắt đầu thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống”. Dịch bệnh tạm lắng cũng là lúc chúng ta cần cấp tập bàn thảo, đưa ra đường hướng cho phát triển kinh tế, cứu các doanh nghiệp thoát cơ bĩ cực này.

3. Trong một cuộc họp bàn giải pháp phục hồi sản xuất qua đó từng bước lấy lại đà phục hồi kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đề nghị: “Bây giờ chúng ta bàn kỹ cách thức làm sao để bảo đảm phục hồi sản xuất, điều mà các doanh nghiệp và cả các địa phương đều mong muốn. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm an toàn cho công nhân, không để hình thành ổ dịch trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đây là vấn đề khó trong bối cảnh chưa khống chế hoàn toàn dịch bệnh”.

Nói thế là bởi, Chính phủ hơn ai hết mong muốn doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI sớm phục hồi sản xuất, từ đó đảm bảo đời sống cho người lao động thì mới giúp kéo giảm tỉ lệ mất việc do dịch bệnh. Giúp doanh nghiệp phục hồi, giúp người lao động quay trở lại làm việc càng sớm càng tốt mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng dịch là ưu tiên cao nhất của Chính phủ lúc này. Nhiều doanh nghiệp FDI đã bày tỏ băn khoăn khi chúng ta đưa ra yêu cầu “tuyệt đối an toàn” khi phục hồi sản xuất.

Giải đáp ngay kiến nghị này của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nêu rõ, cụm từ “tuyệt đối an toàn” mà doanh nghiệp băn khoăn ở đây nghĩa là tuyệt đối không để xảy ra ổ dịch lớn trong doanh nghiệp; tránh tình trạng sản xuất trở lại mà không có kiểm soát, tới một thời điểm nhất định, khi bệnh lây lan âm thần trong công nhânlực lượng lao động rồi bùng phát thành ổ dịch lớn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe công nhân lao động. “Nếu một khu công nghiệp có tới 20.000 công nhân mà đến lúc trở thành ổ dịch thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cũng không cứng nhắc khi có F0 thì đóng cửa nhà máy với hàng ngàn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động”, Phó Thủ tướng nói.

4. Cũng tại cuộc họp trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nêu lại quan điểm của Chính phủ: Xác định việc khôi phục kinh tế nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Nhưng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng hành lâu dài, chặt chẽ cùng với các bộ ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất.

Quả có vậy, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao, cụ thể và quyết liệt phòng chống dịch; đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách chỉ đạo các ngành địa phương vừa tập trung dập dịch, vừa sản xuất kinh doanh. Dù là vấn đề khó, bởi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường còn gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh trong điều kiện phòng chống dịch và an toàn cho công nhân còn khó khăn hơn nhiều lần”.

“Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, điều quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện. Nếu không phối hợp tốt thì khó có thể thành công”, Phó Thủ tướng khẳng định. Mà muốn đạt được mục tiêu này, không thể bỏ qua vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh. Vai trò trung tâm, đầu mối để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là các tỉnh, thành phố, chính quyền cơ sở. Chỉ có phối hợp chặt chẽ, đi cùng nhau, song hành cùng nhau, chúng ta mới vượt qua được khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuẩn bị để 'bình thường mới'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO