Chuẩn mực người làm báo

Minh Quang 22/12/2016 11:10

Hội Nhà báo Việt Nam vừa công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Theo đó, từ ngày 1/1/2017, Luật Báo chí 2016 sẽ bắt đầu có hiệu lực và Quy định đạo đức người làm báo đã bổ sung, sửa đổi sẽ được thực thi cùng lúc với Luật Báo chí 2016.

Các phóng viên khai thác thông tin quốc tế của Việt Nam hiện nay
đều có tài khoản trên các mạng xã hội. (Ảnh: Võ Việt).

Trong số 10 quy định, Điều số 5- yêu cầu người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác; Điều số 9 - Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đang được giới làm nghề và cộng đồng quan tâm nhiều hơn cả.

Trong xu thế phát triển, mạng xã hội đang dần trở thành một “thế lực” thách thức báo chí hiện đại. Và nhằm tìm ra quy tắc ứng xử và tác nghiệp cho người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã từng tổ chức một hội thảo chuyên đề về “Báo chí và mạng xã hội”.

Tại đây PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) đã chia sẻ: ở Việt Nam hiện có hơn 35 triệu người dành thời gian trung bình hơn 5 tiếng mỗi ngày lên mạng Internet, mạng xã hội, nhất là Facebook. Các phóng viên khai thác thông tin quốc tế của Việt Nam hiện nay đều có tài khoản trên các mạng xã hội lớn như Twitter kết nối với các cơ quan báo chí quốc tế vì đây là nguồn tin rất nhanh. Song do các đặc điểm như tính mở, thông tin nhanh nhạy nhưng “ảo”, khó sàng lọc khiến mạng xã hội tiếp tay cho nhiều loại hình tội phạm mới. Đặc biệt là việc xuất hiện một số phóng viên không kiểm chứng nguồn tin đã chính thống hóa thông tin trên mạng xã hội thành tin, bài trên báo, dẫn đến những hậu quả khó lường, nhất là trên các báo điện tử thiên về giải trí. Mạng Internet, trong đó có mạng xã hội đã làm thay đổi cách thức làm báo từ việc tìm hiểu thông tin, tiếp cận nguồn, khai thác thông tin đến truyển tải thông tin.

Đặc biệt, trong vài năm gần đây, số lượng phát hành của các tờ báo in ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Xu hướng đọc báo của công chúng hiện nay là tìm thông tin trên báo điện tử và các trang mạng. Thực tế cũng cho thấy, nhiều tờ báo bỏ qua khâu thẩm định để đăng tải ngay thông tin từ mạng xã hội, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Điều này thực sự đáng lo ngại, khi Việt Nam hiện có gần 35 triệu người sử dụng internet, trong đó có khoảng 30 triệu người sử dụng các trang mạng xã hội, phổ biến nhất là facebook. Mạng xã hội đang dần trở thành một “thế lực” thách thức báo chí hiện đại.

Cùng với đó, giờ đây tiếng Việt trên phương tiện thông tin đại chúng đang có xu hướng lệch chuẩn. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ- Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, những năm gần đây có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí được dư luận quan tâm, lo lắng. Đó là cách dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả; cách đặt tiêu đề, rút “tít” thiếu cân nhắc, sai thực tế, thậm chí giật gân câu khách; thiếu sự đổi mới trong sự thể hiện văn phong báo chí; sử dụng tiếng nước ngoài thiếu chọn lọc, thiếu nhất quán (khi nào thì dịch nghĩa, phiên âm, chuyển tự hay để nguyên dạng), tâm lý chuộng ngoại, sính ngữ còn khá phổ biến; ngôn ngữ và cách trình bày của phát thanh viên (trên truyền hình, phát thanh...) chưa có sự trau dồi, chưa hướng tới sự chuẩn mực cần thiết; thiếu tinh thần cầu thị, chưa chú ý tiếp thu phê bình, mở các diễn đàn tranh luận cởi mở, thẳng thắn... Những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí, truyền thông sẽ tác động tiêu cực, nhanh chóng, rộng khắp đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ, nhiều khi trở thành hiệu ứng lan truyền.

Trong một hội thảo được tổ chức gần đây với chủ đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”, nhiều đại biểu, nhà nghiên cứu đã chỉ ra những lệch chuẩn trong sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, đồng thời cũng đề xuất cần thiết phải có Luật ngôn ngữ để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Như vậy có thể hiểu, đối với người làm báo hôm nay yêu cầu về chuẩn mực nghề nghiệp và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội đã là một tiêu chuẩn đạo đức. Và để làm tròn đạo đức, trách nhiệm của mỗi người cầm bút cũng đi kèm với hai chữ lương tâm.

10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam

1, Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

2, Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

3, Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

4, Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

5, Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

6, Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.

7, Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

8, Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.

9, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

10, Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuẩn mực người làm báo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO