Chứng khoán rủi ro trong dịch bệnh

Hồ Hương 25/07/2021 06:20

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán tuần qua có thời điểm đỏ rực, có thời điểm hồi sinh sắc xanh. Nếu như đo đếm được thì có lẽ nỗi buồn lớn hơn niềm vui. Giới chuyên gia khuyến cáo, thời điểm này dù ở vai trò là bên mua hay bên bán cũng phải rất thận trọng.

Cổ phiếu bị bán tháo

Trong phiên giao dịch ngày 19/7 thị trường chứng khoán chứng kiến áp lực bán tăng mạnh. Nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã quyết bán cổ phiếu bằng mọi giá, khiến hầu hết các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí, bất động sản… đều giảm điểm mạnh.

Chính trong ngày giao dịchh 19/7, VN-Index giảm 55,8 điểm (-4,29%) xuống 1.243,51 điểm. Toàn sàn chỉ có 50 mã tăng, trong khi 346 mã giảm và 21 mã đứng giá. HNX-Index giảm 15,7 điểm (-5,1%) xuống 292,06 điểm với 41 mã tăng, 186 mã giảm và 142 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,79 điểm (-3,27%) xuống 82,55 điểm.

Chơi chứng khoán nhiều người nói hên – xui nhưng có lẽ thị trường đang thử độ “trì” của nhà đầu tư. Chị Nguyễn Minh Phương (Thái Hà, Hà Nội) nói với tâm trạng không vui vẻ: “ Từ ngày chơi chứng khoán thấy nghèo hẳn. Lãi chưa kịp bán thì cổ phiếu lại xuống mạnh. Vì cũng không vội nên không xả hàng nhưng, càng ôm càng thấy xa bờ”.

Chị Phương cũng chia sẻ, chị đầu tư 300 triệu vào chứng khoán, nhưng nay tài sản tính theo giá thị trường của chị không còn 1/3 của khoản đầu tư trên nữa.

Nhìn thị trường chứng khoán chao đảo, tâm trạng chung của nhiều nhà đầu tư chứng khoán trong tuần qua là chán nản, muốn bỏ cuộc. Nhưng không phải ai cũng có thể “trì” như chị Phương, nhiều nhà đầu tư thấy giá cổ phiếu xuống thì gấp gáp thoát lỗ.

Áp lực cung vẫn không ngừng tăng mạnh trên toàn thị trường. Trong đó cổ phiếu mã ngành ngân hàng được tung ra nhiều. Một thống kê sơ bộ cho thấy nếu tính trong 2 tuần gần đây, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm tới 20-30%.

Cần thận trọng và bình tĩnh

Giới chuyên gia phân tích rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian này không có gì thay đổi đáng chú ý. Vì vậy, thị trường chứng khoán cần chờ để có sóng mới.

Trong bản tin thị trường của Công ty chứng khoán SSI nói, để thực sự quay trở lại xu hướng tăng, chỉ số VNIndex cần vượt qua kháng cự 1.340 điểm đi kèm khối lượng giao dịch tăng lên. Ngược lại, nếu chỉ số VNIndex không phá được mức kháng cự nói trên thì chỉ số này vẫn có khả năng xuất hiện một đợt giảm mạnh nữa trước khi kết thúc giai đoạn điều chỉnh.

Còn Quỹ đầu tư VinaCapital đã khuyên nhà đầu tư nên tiếp tục giữ khoản đầu tư của mình trên thị trường vì khi ợt dịch Covid hiện tại sẽ kết thúc – và khi dịch bệnh kết thúc, thị trường chứng khoán gần như chắc chắn sẽ phục hồi.

VinaCapital khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán bất ổn lúc này và suy xét kỹ các dự định rút tiền ra khỏi thị trường. Một khi dịch Covid-19 hiện tại được kiểm soát, thị trường có khả năng phục hồi rất nhanh và những nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường có thể sẽ phải hối hận về quyết định của mình.

Nhờ những trấn an, thị trường cũng đã nhanh chóng khởi sắc với sắc xanh lan tỏa và bao phủ trên diện rộng. Ngày 22/7, chỉ số VNIndex và VN30 đóng cửa tại 1.293,67 điểm và 1.428,48 điểm, tăng tương ứng 22.88 điểm (+1.85) và 21.94 điểm (+1.56%). Rổ VN30 có đến 29 mã tăng với mức tăng cao nhất thuộc về KDH và FPT, trên Hose số mã tăng cũng áp đảo với 308 mã.

Nhóm Bất động sản giao dịch nổi bật. VHM tăng 2.8% và VIC tăng 2.1%, bên cạnh đó là VRE tăng 2.9%, NVL tăng 1.7% và KDH dư mua trần cuối phiên. Nhóm Bất động sản Khu công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng với các mã tăng trên 4% như IDC, IDV... BCM và SZC tăng trần.

Nhóm Ngân hàng cũng khởi sắc trở lại, tuy nhiên bước tăng mạnh chỉ ghi nhận ở SSB +5.1%, EIB +4.9%, OCB +2.7%, TPB +2.3%. Ở nhóm Chứng khoán, mức tăng khá tốt cũng đã ghi nhận trở lại ở VND, SSI, HCM và VCI.

Giới chuyên gia cùng kỳ vọng chỉ số VNIndex khả năng sẽ tiếp tục tăng theo quán tính để vượt qua thử thách tiến tới tăng bền vững. Lời khuyên đưa ra trong bối cảnh chưa có gì gọi là chắc chắn, các công ty chứng khoán với nhà đầu tư rằng, dù ở vai trò là bên mua hay bên bán cũng phải rất thận trọng.

Ông Nguyễn Chí Trung, Phó Giám đốc khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng cá nhân – Công ty chứng khoán SSI cho rằng, nhà đầu tư cần có chiến lược giao dịch phù hợp với mỗi diễn biến của thị trường.

Trái với nỗi buồn nhà đầu tư, tuần vừa rồi các công ty chứng khoán liên tiếp báo lãi. Chẳng hạn Công ty chứng khoán VNDirect trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 2.154 tỷ đồng doanh thu và 904 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 148% và 368% so với cùng kỳ năm 2020. Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội trong nửa đầu năm cũng lãi ròng 581 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với nửa đầu năm 2020.

Công ty chứng khoán SSI, lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 703,5 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với quý 2/2020; lũy kế 6 tháng, lãi trước thuế đạt 1.232 tỷ đồng, tăng trưởng 84% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều công ty chứng khoán khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng rất cao như Chứng khoán Rồng Việt ghi nhận lợi nhuận sau thuế 149 tỷ đồng trong quý 2/2021, tăng trưởng 47%; lũy kế 6 tháng lãi ròng đạt 247 tỷ đồng, gấp 19 lần cùng kỳ năm trước.

Thống kê 32 CTCK chiếm khoảng 95% thị phần thị trường cho biết tổng lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 10.061 tỷ đồng, tăng 159% so với cùng kỳ năm trước. Với số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam hiện chỉ khoảng 3,4 triệu, tương đương 3,4% dân số, cơ hội tăng trưởng của ngành chứng khoán trong những năm tới là rất lớn.

Toàn bộ cổ phiếu sẽ chuyển giao dịch sang HoSE

Ở một diễn biến khác, Tại Thông tư số 57 vừa được ban hành, Bộ Tài chính quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác.

Theo đó, chậm nhất đến hết ngày 30/6/2025, HoSE sẽ thống nhất tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết, thị trường giao dịch cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch theo quy định.

Các mốc về thời gian để HoSE thực hiện tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết, thị trường giao dịch cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch được thông tư hướng dẫn rất rõ.Cụ thể, HoSE tiếp tục tổ chức thị trường giao dịch đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm đã niêm yết tại HoSE trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành; đồng thời, tổ chức giao dịch đối với chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm đăng ký niêm yết mới.

Trước ngày 1/7/2023, HoSE tiếp nhận, xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết, tổ chức giao dịch cổ phiếu mới của tổ chức đáp ứng điều kiện niêm yết quy định tại Nghị định số 155 năm 2020 và có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỉ đồng trở lên. Đến hết ngày 31/12/2023, HoSE tiếp nhận cổ phiếu của tổ chức niêm yết từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025, HoSE tiếp nhận cổ phiếu và xem xét hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Với sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong thông tư, Bộ Tài chính cũng hướng dẫn, từ ngày 1/7/2023 không tiếp nhận hồ sơ niêm yết cổ phiếu mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chứng khoán rủi ro trong dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO