Chung một cội nguồn

Hương Nguyên 05/06/2016 08:10

Khi những cánh phượng đỏ rực trời, trẻ em trong nước hào hứng với kỳ nghỉ hè dài sau một năm đèn sách thì con em kiều bào cũng bắt đầu rục rịch cho những chuyến về nguồn qua chương trình trại hè Việt Nam. Niềm mong mỏi sau cả một năm dài chờ đợi. 

Trại hè Việt Nam với tên gọi “Biển đảo quê hương tôi” được tổ chức ở Đà Nẵng.

Quê hương là gì hả mẹ?

Chia sẻ trên facebook, Đào Lan Hương cho biết, cô sinh ra và lớn lên tại Phần Lan đất nước Bắc Âu, nơi không có nhiều người di cư. Thế nên, ngay từ lúc còn nhỏ, với đôi mắt đen, màu da vàng, cô luôn gây được sự chú ý.

“Trước ánh mắt lạ lẫm của nhiều người, khi ý thức được “mình không giống họ”, tôi đã trở về nhà hỏi mẹ về nguồn gốc của mình. Mẹ bảo, đi mất gần nửa vòng trái đất con sẽ được trở về nhà, trở về với quê hương Việt Nam. Nơi đó là nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ, vì mưu sinh cha mẹ đã phiêu bạt tới đây, nhưng luôn đau đáu trong lòng hình ảnh đất nước. Khi gia đình có điều kiện chúng ta sẽ trở về.

Từ đó bố mẹ Hương thường kể những câu chuyện cổ tích và dân gian Việt Nam, rồi ông bà Hương kể lại những trải nghiệm của bố mẹ khi còn nhỏ, phải đi sơ tán và đeo chiếc túi cấp cứu tới lớp học trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Qua những câu chuyện kể, người thân của Hương mong rằng bản sắc văn hóa phương Đông và niềm tự hào về cội nguồn sẽ thấm sâu trong nhận thức và tư tưởng của cô, đem lại cho cô niềm tự hào về dân tộc con cháu Rồng Tiên.

Hương cho biết, kể từ đó, cô bắt đầu đọc sách, tài liệu và tìm hiểu nhiều hơn về đất nước Việt Nam, về nguồn cội của mình. Dần dần, tình yêu quê hương thấm vào cô lúc nào không hay. Hương đã ấp ủ ước mơ trở về vào mỗi kỳ nghỉ hè. Nhưng mới đó mà đã ngót chục năm cô mới thực hiện được ước nguyện của mình, khi cô là một trong những học sinh đạt thành tích xuất sắc, được lựa chọn trở về.

Nguyễn Huy Trường Nam (kiều bào Nga) cho biết lý do trở về của mình: “Khi sống ở Moscow, dù xung quanh cũng có người Việt Nam nhưng cơ hội được tiếp xúc, được hiểu về người Việt Nam còn hạn chế. Chính vì vậy, em luôn khao khát được tìm hiểu về chính đồng bào của mình.

Trại hè Việt Nam là cơ hội để em có thể trực tiếp làm điều đó và đã giúp em thỏa mãn mong muốn của mình”, Nam cho biết. Sau Trại hè Việt Nam, tất cả những gì đã mong đợi thì em đều có được và thậm chí còn có được nhiều hơn thế và điều đọng lại lớn nhất chính tình quê. Tình đồng hương thân thiện của những người dân xứ dừa Bến Tre, ngư dân Lý Sơn đã khiến đôi chân Nam trĩu nặng trong chuyến trở về.

Nói về những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình trở về, Hương chia sẻ, “Tôi nhớ nhất lúc đoàn trại hè tổ chức làm lễ thả hoa đăng trên biển. Tối đó, gió to đã gây rất nhiều khó khăn cho mọi người trong lúc thắp nến. Nhưng ai nấy đều rất cố gắng để hoa đăng không bị dập tắt. Gió to khiến tàu lắc khá mạnh nhưng mọi người đều cố gắng truyền tay nhau từng chiếc đèn hoa đăng đặt thả xuống biển. Buổi tối hôm đó không chỉ giúp chúng tôi hiểu thêm một nét mới về văn hóa Việt Nam mà quan trọng hơn, chúng tôi đã cùng nhau đoàn kết lại và tham gia một hoạt động văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa trên quê hương...”.

Nốt nhạc trầm giờ phút chia tay

Gần như trại hè năm nào tôi cũng chung niềm vui với thanh niên kiều bào. Hội ngộ rồi chia ly, tôi cũng đã từng bùi ngùi chứng kiến những giọt nước mắt lăn trên má những khuôn mặt măng non ấy.

Bích Hương (kiều bào Đan Mạch) kể rằng: Chuyến đi về nguồn này đã giúp em và các bạn mở mang kiến thức, được học hỏi rất nhiều về lịch sử hào hùng của dân tộc. Chuyến đi cũng giúp em có được những suy nghĩ mà từ trước đến nay chúng em, những người con xa Tổ quốc chưa từng nghĩ tới.

“Lát nữa đây sẽ không còn tiếng cười vui đùa nhộn nhịp. Còn lại chỉ là sự im lặng. Lát nữa sẽ không còn gì nữa, Trại hè sắp kết thúc rồi các bạn ơi. Các bạn đã được thấy những gì mình muốn chưa? Hẹn ngày hội ngộ nơi quê cha đất tổ khi chúng ta thành tài...” Bài hát tiếng Đan Mạch do Bích Hương tự sáng tác vang lên.

Nỗi buồn ngày chia tay không chỉ riêng có với những bạn gái, các bạn nam cũng chẳng giấu được nỗi buồn. Vẻ buồn bã, sự lưu luyến hiện rõ trên gương mặt bạn Trần Lương Quốc Thắng (Mỹ).

“Chuyến đi giúp chúng em hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của đất nước. Chúng em xin hứa sẽ phấn đấu để xứng đáng là những người con của quê hương Việt Nam”.

Những kỷ niệm trong chuyến đi sẽ là hành trang chúng em mang theo, là chất keo gắn kết những người con đất Việt nhớ về quê hương. Bởi chúng ta là một gia đình, chúng ta tự hào là người Việt Nam”, Thắng nói.

Để biểu lộ tình cảm của mình với quê hương, Thắng và các bạn cùng hát vang, “tự hào con cháu Rồng Tiên chúng ta về đây, cùng nhau tay nắm bàn tay hát vang bài ca. Lòng tự hào tràn đầy là người thanh niên Việt Nam, đi muôn phương nhưng con tim vẫn luôn hướng về đất mẹ…”.

Có thể nói, mỗi dịp trại hè, cái kết đọng lại trong mỗi thanh niên kiều bào là tình yêu quê hương, đất nước con người, tình yêu đối với các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Với mỗi thanh niên kiều bào, họ luôn ghi nhớ rằng dù có khác nhau về địa bàn, điều kiện sinh sống nhưng họ có chung một Tổ quốc, một cội nguồn Việt Nam.

Điều đáng mừng là trong những giờ phút chia tay đầy xúc động, ai cũng giữ trong mình những kỷ niệm đẹp, ai cũng tự dặn lòng sẽ làm một điều gì đó để đóng góp cho quê hương Việt Nam, để bạn bè khắp nơi biết rằng Việt Nam rất đẹp. Đất Mẹ luôn giang rộng vòng tay đón những đứa con xa trở về.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung một cội nguồn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO