Chung sức với hành trình xanh

Nguyễn Văn Thanh (Trưởng ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam) 09/02/2016 11:25

Việt Nam là đất nước có nhiều tôn giáo. Với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta, hiện nay đã có 40 tổ chức thuộc 14 tôn giáo khác nhau được công nhận, với hơn 22 triệu tín đồ, khoảng 80.000 chức sắc, nhà tu hành, 113.803 chức việc; 25.922 cơ sở thờ tự, cơ sở sinh hoạt tôn giáo đang sử dụng; 101 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành và 761 cơ sở hoạt động từ thiện nhân đạo. Ước tính, hiện nay 95% dân số nước ta có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.

Đại biểu tham dự hội nghị thực hiện nghi thức thả chim bồ câu-
biểu tượng của hoà bình. Ảnh: Hoàng Long.

Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tổ chức tại TP Huế, do UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu Trợ giúp Việt Nam- NCA phổi hợp tổ chức (từ 1 đến 3/12/2015) được coi là một dấu mốc lịch sử trong hành trình vì một hành tinh xanh của nhân loại nói chung và đồng bào tôn giáo ở Việt Nam nói riêng.

Chưa khi nào một hội nghị toàn quốc về phát huy vai trò các tôn giáo trước một vấn đề vừa cấp thiết, vừa mang tính chiến lược, đó là cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, mà ở đó, lãnh đạo của tất cả các tôn giáo ở Việt Nam cùng bàn bạc và đi đến thống nhất hành động bằng những thông điệp của từng tôn giáo, bằng Cam kết của các tôn giáo và bằng một Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Và lần đâu tiên 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo Việt Nam kêu gọi các nỗ lực giảm thiểu tối đa các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu do con người gây ra, góp phần vào sự phát triển bền vững, bảo vệ sự sống của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và của thế giới.

Để có thể đi đến Hội nghị toàn quốc phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, từ tháng 5/2015, Ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam cùng một số cơ quan chức năng ở Trung ương tổ chức Họp trù bị với gần 100 vị chức sắc là lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo đã bàn bạc dân chủ và thống nhất sẽ tổ chức Hội nghị quốc gia vào cuối năm 2015 để truyền tải các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đến các tôn giáo, đồng thời thông qua một bản Cam kết chung của các tôn giáo Việt Nam tham gia trong lĩnh vực này.

Trong tiến trình chuẩn bị các nội dung hướng tới hội nghị quốc gia, việc xây dựng kế hoạch hành động và các nội dung của Hội nghị đã có sự điều chỉnh theo hướng ngày càng hoàn thiện và toàn diện hơn. Sau khi tới thăm Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và gặp gỡ, trao đổi với Hồng y Pietro Parolin, Thủ tướng Tòa thánh Vatican, được các vị lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Việt Nam và Tòa thánh trân trọng giới thiệu về Thông điệp bảo vệ môi trường của Giáo hoàng Phanxicô (Thông điệp Laudato Si’), Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo việc xây dựng, ký kết Chương trình phối hợp chung giữa các tôn giáo với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020.

Hội nghị đã để lại những dấu ấn đặc biệt với sự tham dự của 460 đại biểu gồm hơn 220 đại biểu lãnh đạo và đại diện các cơ sở từ thiện, bác ái của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo ở Việt Nam. Đặc biệt, Hội nghị diễn ra tại cố đô Huế đúng vào thời điểm Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) cũng diễn ra tại thủ đô Paris, nước Pháp.

“Ứng phó với biến đổi khí hậu vì một tương lai xanh” thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ Paris cùng với thông điệp của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân “Huy động sức mạnh đại đoàn kết để khắc phục và bảo vệ môi trường” đã mang tới khát vọng tương đồng khi lần lượt 14 lãnh đạo tôn giáo đại diện cho 22 triệu đồng bào có đạo ở Việt Nam đứng lên tuyên bố thông điệp của mình.

Có thể thấy, các tôn giáo dùng các khái niệm, ngôn ngữ khác nhau khi nói về nội dung này, nhưng đều gặp nhau ở quan điểm lớn: đó là chúng ta cùng sống chung trên Mẹ Trái Đất và đang phải đối mặt với những yếu tố hủy hoại Trái Đất. Để khắc phục vấn đề này, tất cả mọi người cùng tham gia từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đến từng tôn giáo, cho đến mỗi người.

Chính từ những thông điệp này, một Tuyên bố cam kết chung được xác lập: Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo về tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (Giai đoạn 2015-2020) với nhiều nội dung, trong đó có 5 nội dung phối hợp.

Trong nội dung bản Cam kết chung, các nhà lãnh đạo các tôn giáo Việt Nam đã kêu gọi các nỗ lực giảm thiểu tối đa các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu do con người gây ra, góp phần vào sự phát triển bền vững, bảo vệ sự sống của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và của thế giới. Đồng thời bày tỏ sự ủng hộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình hành động của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kêu gọi các nỗ lực phối hợp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về chăm sóc con người, sự sống trên trái đất, cùng với các nỗ lực bảo vệ cộng đồng bị tổn thương và bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Hội nghị bế mạc, nhưng tình đoàn kết, gắn bó, hoà hợp giữa các tôn giáo trong khối Đại Đoàn kết toàn dân tộc chắc chắn sẽ được củng cố, tăng cường và không ngừng phát triển. Theo Kế hoạch tổ chức Hội nghị, tới đây, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phối hợp sẽ được thành lập ở Trung ương và các địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai các kế hoạch/chương trình hoạt động cụ thể nhằm thực hiện tốt Chương trình phối hợp giai đoạn 2015-2020 giữa các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam với Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để cùng chung sức chăm lo cho sự phát triển bền vững của đất nước, cũng như đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của toàn cầu.

Đồng bào các tôn giáo ở nước ta là một lực lượng xã hội đông đảo, bộ phận rất quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tôn giáo là thực thể rất đặc biệt, là một thành tố xã hội, văn hoá, đạo đức mang tính cộng đồng. Trong xã hội hiện đại ngày nay, tôn giáo được đánh giá là một trong những nguồn lực xã hội, là sức mạnh mềm đặc thù.

Thực tiễn đời sống tôn giáo ở nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, trong xã hội ngày nay, tôn giáo không chỉ đóng vai trò tích cực đối với xã hội thông qua các giá trị văn hoá, đạo đức của nó, mà tôn giáo (chân chính) còn có những giá trị tiến bộ khác đối với ổn định xã hội, đoàn kết, khoan dung xã hội và sự phát triển bền vững. Tôn giáo cũng là một lực lượng quan trọng để thúc đẩy mở rộng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân các nước và là lực lượng góp phần tham gia giải quyết các vấn đề có tính chất toàn cầu như: Bảo vệ môi trường, chống chiến tranh, bá quyền, bạo lực, nghèo đói, thảm hoạ thiên tai, các căn bệnh thế kỷ...

Trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, các tôn giáo Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng và có nhiều đóng góp tích cực thông qua các mô hình, các hoạt động cụ thể ở cộng đồng tại các địa phương trong cả nước theo đúng đường hướng tiến bộ mà các tổ chức tôn giáo đã đề ra, đó là: “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của Giáo hội Công giáo Việt Nam; “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; “Nước vinh Đạo sáng” của các hội thánh Cao Đài; “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên Chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc” của các hội thánh Tin Lành hay “Tốt đời đẹp đạo” của chung các tôn giáo…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung sức với hành trình xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO