Chung thủy và gen

Trần Thanh Tịnh 30/12/2015 11:27

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Phòng Thí nghiệm nhân chủng học tiến hóa và sức khỏe ở Trường Đại học Tổng hợp Binghamton do Justin R. Garcia đứng đầu đã tiến hành một công trình nghiên cứu về thói trăng hoa và đi tới kết luận: con người không chung thủy chủ yếu là do… gen! Nói đúng hơn, do sự biến thái của một dạng gen. Nói cách khác, lẳng lơ hay đào hoa không phải do ý thức mà là do giáo dục kém và bởi những quá trình biến đổi trong chính cơ thể con người.

Không chung thủy là do… gen

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát gần 200 người không chung thủy và thấy: gần như tất cả những người này đều ở dạng biến thái. Họ bị biến thái ở gen DRD4, loại gen liên quan tới khả năng cảm nhận khoái lạc trong tình dục. Như các bác sĩ lý giải, cảm giác khoái lạc chỉ xuất hiện khi hoócmôn dopamine trào lên não. Và những cơ quan thụ cảm đặc biệt (sensory receptor) tiếp nhận nó.

Những người biến thái do có những thay đổi trong AND trở nên quá nhạy cảm với dopamine và luôn nhận được nó nhiều hơn so với những đồng loại chung thủy khác. Con người quen dần với hoócmôn khoái lạc như quen với ma túy. Và thiếu nó thì cảm thấy bị hụt hẫng. Làm sao để tránh bị hụt hẫng? Chỉ có cách là gia tăng những khoái lạc! TS Garcia cho rằng, sự phản bội thường kèm theo sự mạo hiểm và điều này lại càng làm gia tăng lượng dopamine. TS cũng cho rằng, cần phải tiếp tục tiến hành nghiên cứu về hiện tượng này. Để tìm thêm những loại gen khác cũng có thể gây phức tạp cho đời sống vợ chồng.

Chung thủy quá cũng là do… gen

Các nhà khoa học ở Viện Karolinska (Stockholm, Thụy Điển) cũng đồng tình với ý kiến của các đồng nghiệp Mỹ rằng, nguyên nhân dẫn tới sự bội tình, ít nhất là của đàn ông, chủ yếu là do gen. Nhưng các nhà khoa học Thụy Điển lại cho rằng, người không chung thủy không phải là dạng người bị biến thái, mà chính những người chung thủy quá mới thuộc dạng người biến thái gen. Theo nghiên cứu của họ, trong các nhiễm sắc thể của những người không chung thủy, có một gen là RS3 được hiện diện với đầy đủ sự đa dạng của mình. Còn ở những người chung thủy thì lại thiếu mất dạng 334. Hiện tượng này chính là một sự thiếu hụt về gen. Tức là một sự biến thái. Và không loại trừ rằng, chính thiên nhiên đã mang tới những căn chỉnh cho nòi giống mà nó đã tạo nên, về bản chất đều muốn chiếm dụng càng nhiều phụ nữ càng tốt. Và chính sự biến thái đó đã tạo nên một dạng đàn ông tuyệt vời – những người chồng chung thủy, không bao giờ phản bội vợ?!

Mọi chuyện giống như… chuột

Từ lâu các nhà khoa học đã tiến hành tìm kiếm những nguyên nhân của sự không chung thủy ở gen. Và các thí nghiệm đã được thử ở chuột. May mắn là trong loài chuột có 2 dạng chuột rất phổ biến là chuột meadow (chuột đồng cỏ) và chuột prairie (chuột thảo nguyên Bắc Mỹ). Nhưng con đực của loài chuột meadow cực kỳ lang chạ, gặp đâu yêu đấy. Còn các con đực của loài chuột prairie thì lại chung thủy đến lạ thường, sống hoàn toàn theo chế độ một vợ một chồng. Các nhà khoa học đã quyết định tìm hiểu xem vì sao lại có sự lạ thường như thế? Và hình như là họ đã tìm ra được chân lý.

GS Larry Young ở Trường Đại học Tổng hợp Emory nói:

- Các nghiên cứu của chúng tôi, được tiến hành với một mô hình sinh học tương đối đơn giản, cho thấy, chỉ cần gia tăng tính tích cực của một gen là cũng đủ làm thay đổi mạnh mẽ hành vi ứng xử xã hội.

Hóa ra là, trong đầu của những con chuột chung thủy và không chung thủy có những số lượng khác nhau các cơ quan thụ cảm tiếp nhận hoócmôn vasopressin. Hoócmôn này được não tạo ra ở một khu vực và tiếp nhận ở một khu vực khác. Đó là loại hoócmôn, theo phỏng đoán của các nhà khoa học, làm sinh ra cảm giác gắn bó và biết đủ.

Để kiểm tra lại nhận định trên, các nhà sinh học thần kinh Mỹ đã chuyển gen chịu trách nhiệm về các cơ quan thụ cảm hoócmôn vasopressin từ chuột đơn thê prairie sang chuột lang chạ meadow. Kết quả là, toàn bộ những chàng chuột sở khanh đều trở thành những “ông chồng” chung thủy.

Kết quả nghiên cứu trên đã được thu nhận từ năm 2004. Nhưng vì các thí nghiệm chỉ được tiến hành với những mô hình động vật đơn giản (là chuột!) nên đã không tạo được niềm tin rằng nó cũng sẽ lại như thế khi tiến hành thí nghiệm với những mô hình sinh vật cao cấp và phức tạp hơn là con người. Giờ đây, mối nghi ngại này đã bị chính các nhà khoa học Thụy Điển xóa đi. Trong các nghiên cứu mới đây, được tiến hành dưới sự chỉ đạo của GS Hassa Valum đã phát hiện được sự giống nhau đáng kinh ngạc giữa người và chuột trong bản chất hóa học của sự bội tình. Hóa ra là, não người chịu sự tác động của hoócmôn vasopressin cũng giống hệt như ở chuột. Ở những người chồng chung thủy, loại hoócmôn này có nhiều hơn và cũng được hấp thụ tốt hơn. Còn ở những ông chồng lang chạ thì ngược lại. Và nguyên nhân cũng y như thế - đó là sự khác nhau về gen của hai dạng người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chung thủy và gen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO