Chúng tôi đang vào cuộc

Trần Duy Hưng 17/04/2016 14:05

Công tác Mặt trận lúc nào cũng vậy, luôn ngổn ngang bao thứ việc. Nhưng trong cuộc trò chuyện với bà Ngô Thị Khanh-Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Bình Lục (Hà Nam) câu chuyện chỉ xoay quanh vấn đề thực phẩm bẩn-sạch. Cũng vì đây đang là chuyện rất nóng, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cùng nhiều “thủ thuật” khác trong sản xuất nông sản, thực phẩm bị phát giác ngày càng nhiều, khiến xã hội hoang mang, lo lắng. Và, những người làm công tác Mặt trận thì không thể đứng ngoài cuộc…

Chúng tôi đang vào cuộc

Bà Ngô Thị Khanh-Chủ tịch UBMTTQ huyện Bình Lục.

Mặt trận không đứng ngoài cuộc

Khi vấn đề đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trở nên cấp bách đòi hỏi việc tuyên truyền, vận động của hệ thống Mặt trận nói chung, Mặt trận huyện Bình Lục nói riêng phải có sự thay đổi cho phù hợp, hiệu quả, theo hướng không để “nằm lẫn”, chung chung mà phải “điểm mặt, chỉ tên” cụ thể, qua đó tác động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người chăn nuôi đối với sức khỏe của cộng đồng.

Mở đầu câu chuyện bà Khanh cho hay đầu tháng 4 vừa qua, UBND 19 xã, thị trấn trong huyện đã triển khai việc ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tới từng hộ chăn nuôi ở địa phương. Được biết, đây không phải là chương trình riêng của huyện Bình Lục mà xuất phát từ một chủ trương, kế hoạch lớn của tỉnh Hà Nam.

Theo đó, thời gian qua Hà Nam đã xây dựng và phát động Cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng con người Hà Nam văn hóa, thi đua sản xuất hàng hóa nông sản và thực phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng’’, coi đây là tiêu chí thứ 20 trong xây dựng Nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động, tổ chức cho từng hộ chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một trong nhiều nội dung, bước đi cụ thể của chương trình này. Để chương trình được thực hiện hiệu quả, cả hệ thống chính trị ở Hà Nam đang cùng “nhập cuộc”!

“Công tác Mặt trận thì luôn phải bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu chung của địa phương. Trước một vấn đề hệ trọng, cấp bách như vậy; trước một chủ trương, kế hoạch quan trọng của tỉnh, của huyện như vậy, đương nhiên hệ thống Mặt trận địa phương không thể đứng ngoài cuộc. Mặt trận các cấp ở Bình Lục đã và đang phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan chức năng liên quan của huyện để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, cùng với đó là giám sát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”, bà Khanh chia sẻ.

Bình Lục là huyện trọng điểm nông nghiệp của tỉnh Hà Nam. Trong đó, chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của huyện. Những năm gần đây, đàn lợn của huyện luôn dao động ở mức 350.000 đến 400.000 con; 1,5 đến 1,7 triệu con gia cầm. Sản lượng chăn nuôi của huyện chiếm tới 60% trong tỷ trọng chăn nuôi của tỉnh Hà Nam.

Theo bà Khanh, không phải bây giờ hệ thống Mặt trận ở địa phương mới tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước đó, việc này đã được hệ thống Mặt trận địa phương lồng ghép trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, với 6 nội dung, trong đó có tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương đảm bảo vệ sinh, môi trường, bao gồm cả việc sản xuất nông sản, thực phẩm sạch. Còn những năm gần đây, nội dung này cũng được MTTQ huyện lồng ghép thực hiện khi xây dựng, phát động mô hình “Làng văn hóa nông thôn mới”.

Tuy nhiên, khi vấn đề đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trở nên cấp bách đòi hỏi việc tuyên truyền, vận động của hệ thống Mặt trận nói chung, Mặt trận huyện Bình Lục nói riêng phải có sự thay đổi cho phù hợp, hiệu quả, theo hướng không để “nằm lẫn”, chung chung mà phải “điểm mặt, chỉ tên” cụ thể, qua đó tác động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người chăn nuôi đối với sức khỏe của cộng đồng; góp phần cùng các cơ quan chức năng ngăn chặn vấn nạn nhức nhối này…

Phải dựa vào Ban Công tác Mặt trận

Khi được hỏi hệ thống Mặt trận ở Bình Lục sẽ làm gì để việc tuyên truyền, vận động, giám sát các hộ chăn nuôi trên địa bàn không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng như những việc không được, không nên làm khác được hiệu quả? Bà Ngô Thị Khanh cho biết, các phương thức tuyên truyền, vận động của Mặt trận thường rất đa dạng, linh hoạt. Nhưng không thể thiếu việc phải hướng về cơ sở, phát huy vai trò của các Ban CTMT, người có uy tín trong cộng đồng khu dân cư.

“Đơn giản, các bác ấy là những người gần dân nhất, hiểu rõ địa bàn nhất. Huyện Bình Lục hiện có 231 Ban CTMT, với lợi thế 100% trưởng ban đều là Bí thư chi bộ. Trong nhiều hoạt động trước đây, nhất là việc triển khai các phong trào, các cuộc vận động lớn của Mặt trận, thành viên các Ban Công tác Mặt trận, người có uy tín trong cộng đồng ở Bình Lục đều thể hiện rõ vai trò nòng cốt của mình. Chính vì vậy, chúng tôi tin tưởng, trước một việc thiết thực, cấp bách là ngăn chặn cái ác, cổ súy sản xuất nông sản, thực phẩm sạch, các cán bộ MTTQ cơ sở sẽ không đứng ngoài cuộc”- bà Khanh nhìn nhận.

Có cách nào để Mặt trận khơi dậy ý thức, trách nhiệm của từng người dân trong cộng đồng, qua đó cùng tham gia giám sát, tố giác những hành vi xấu trong sản xuất, chăn nuôi? Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBMTTQ huyện Bình Lục nêu một thực tế, đó là: sinh sống ở nông thôn, bà con thường có nhiều các mối quan hệ ràng buộc, khó tránh khỏi sự e dè, bao che, nể nang, né tránh. “Thấy người em phun thuốc độc cho rau người anh hẳn sẽ không đi tố giác. Thấy con sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhưng vì lợi nhuận, vì máu mủ, bố mẹ hẳn cũng không đi báo với trưởng thôn”, bà nêu ví dụ. Trong điều kiện như vậy, bà Khanh chia sẻ, không ai khác, đội ngũ cán bộ Mặt trận, các chi hội đoàn thể, nhất là ở cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng ở Bình Lục thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm tiên phong của mình trong việc tuyên truyền, vận động, giám sát…

Ông Đặng Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục:

Trong kế hoạch triển khai việc ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi huyện đang thực hiện, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, huyện rất coi trọng công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Những người chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý…cũng đều là hội viên, đoàn viên của các tổ chức thành viên của Mặt trận. Chính vì vậy, Mặt trận, và các đoàn thể là một kênh tuyên truyền, vận động, giáo dục quan trọng để người dân nhận thức được tác hại của những việc làm nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, cam kết không vi phạm.

Chúng tôi đang vào cuộc - 1

Hoạt động sản xuất, tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn đang được Mặt trận các cấp huyện Bình Lục tích cực “nhập cuộc”giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chúng tôi đang vào cuộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO