40 trí thức trẻ Cà Mau: Sau 5 năm cống hiến sẽ về đâu?

Khái Trân - Quốc Trung 29/07/2018 09:30

Tỉnh Cà Mau thực hiện chủ trương đưa các trí thức trẻ (TTT) về cống hiến, phục vụ cho các xã, phường, thị trấn của địa phương đã tạo được sự đồng tình và vẽ ra một tương lai tươi sáng cho TTT. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện chủ trương này, hơn 40 TTT của đợt 1 phải quay về số 0 khi hết hợp đồng.

40 trí thức trẻ Cà Mau: Sau 5 năm cống hiến sẽ về đâu?

Anh Nguyễn Văn Miên trong một chương trình vận động tặng quà cho hộ nghèo.

Đưa tri thức trẻ xuống cơ sở

Năm 2013, thực hiện Nghị quyết số 22/2013/NQ-HĐND ngày 5/12/2013 về tuyển chọn trí thức trẻ (TTT) về công tác ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo Đề án số 01, đợt 1có 64 TTT được lựa chọn kỹ càng theo tinh thần của nghị quyết và được tuyển dụng đưa về công tác tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Đến nay căn cứ theo hợp đồng lao động (HĐLĐ), thời gian công tác của 64 TTT Đề án 01 sẽ đã kết thúc vào ngày 30/4/2018. Trong đó, có 19 TTT trúng tuyển công chức các cấp, 1 TTT được bầu làm Bí thư xã đoàn, 1 TTT nghỉ việc, còn lại 43 TTT (sẽ chấm dứt HĐLĐ).Thế nhưng nhiều TTT trong đợt này cảm thấy bức xúc và không hài lòng khi thời gian chấm dứt hợp đồng đã hết được gần 3 tháng nay nhưng cơ quan chức năng, cụ thể là Ban quản lý của đề án số 1 chưa có thông báo gì đối với các TTT này? Tất cả TTT của đợt 1, vẫn không biết tương lai của mình sẽ ra sao.

Chị Phạm Thảo Nguyên, là TTT đợt 1, công tác tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Theo ký kết HĐLĐ với Sở Nội vụ Cà Mau, thời gian hợp đồng có thời hạn là 5 năm, hiện đã kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về tương lai của chúng tôi hay giải quyết các chế độ còn lại. Đã qua gần 3 tháng kết thúc hợp đồng nhưng đến nay Sở Nội vụ Cà Mau vẫn chưa gọi chúng tôi đến bàn bạc, để tìm các giải pháp tháo gỡ. Nếu có kết thúc HĐLĐ thì phải giải quyết chế độ, chính sách cho chúng tôi theo quy định của Luật Lao động. Đằng này, đã gần 3 tháng trôi qua, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được các khoản trợ cấp, khiến cuộc sống rơi vào hoàn cảnh khó khăn”.

Nhiều TTT cho rằng, Ban quản lý Đề án 01 (BQL) chưa thực hiện đúng theo Luật Lao động. Chị Trần Thị Xa, TTT công tác tại xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi cho biết: “Hiện tỉnh còn nợ chúng tôi khoản phụ cấp dành cho người công tác tại xã khó khăn, bãi ngang, ven biển của TTT năm 2016, tôi vẫn chưa được số tiền phụ cấp này. Trong khi đó, tất cả cán bộ ở xã đều đã được chi trả hết, riêng TTT là chưa được nhận khoản tiền này”.

Các TTT cũng phản ánh, đơn vị sử dụng lao động, khi kết thúc hợp đồng phải có văn bản thông báo cho người lao động biết trước 15 ngày. Đồng thời, giải quyết mọi chế độ, chính sách cho người lao động (chậm nhất trong 30 kể từ ngày kết thúc hợp đồng lao động). Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã hơn 3 tháng kể từ ngày kết thúc HĐLĐ nhưng bản thân các

TTT vẫn chưa nhận được các khoản phụ cấp.

“Chúng tôi được biết, mục đích của Đề án 01, là tăng cường TTT về công tác ở những vị trí còn thiếu ở cơ sở. Từ vị trí này, trong thời gian công tác các TTT sẽ phấn đấu để được vào biên chế ở vị trí đó. Nhưng khi TTT được tăng cường về địa phương thì nhiều nơi không thiếu. Nhiều bạn khi về nhận nhiệm vụ không được địa phương phân công đúng với chuyên môn, nên không phát huy được năng lực của mình”- chị Xa cho biết thêm.

Qua chia sẻ với các TTT được biết, ban đầu khi tham gia vào đề án, các TTT đã được hứa hẹn rất nhiều, khiến họ càng thêm lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. “Tuy không có văn bản, nhưng trong những buổi tiếp xúc với lãnh đạo Đề án 01, những buổi lên lớp của các thầy cô ở Trường chính trị tỉnh, họ có nói TTT sẽ là một bộ phận cán bộ tạo nguồn cho tỉnh sau này. Nhưng hiện tại, các TTT đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Đề án đã làm ảnh hưởng nhiều đến công việc cũng như tương lai của chúng tôi”- một TTT cho biết.

40 trí thức trẻ Cà Mau: Sau 5 năm cống hiến sẽ về đâu? - 1

Trí thức trẻ tham gia công tác xã hội của địa phương.

Sau 5 năm phấn đấu, được gì?

Đây là bức xúc của một TTT khi tâm sự với phóng viên. Một số TTT cho biết, “Như vậy, trong 5 năm qua, chúng tôi phấn đấu vì cái gì, không phải vì những đồng lương trả cho chúng tôi mà chúng tôi phấn đấu. Trước khi quyết định tham gia đề án, một số TTT đã có công việc tại các thành phố hoặc ở tỉnh khác, chúng tôi quyết tâm bỏ công việc đó để về địa phương để giúp đỡ, phục vụ cho quê hương”- một TTT (giấu tên) băn khoăn.

Anh Nguyễn Văn Miên, TTT công tác tại xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, cho biết: Tôi nghe thông tin đề án chịu ảnh hưởng từ tinh thần của Nghị quyết Trung ương 7 về việc tinh giản biên chế. Nếu đúng vậy thì Ban quản lý Đề án 01 cần nên xem lại. Bởi đề án này ra đời trước đó và đã vạch ra mục tiêu, định hướng rõ ràng, nếu bây giờ áp dụng vào tinh giản biên chế thì phải lựa chọn cán bộ theo đúng tiêu chuẩn quy định, chứ đâu loại các TTT này tôi cho là không hợp lý.

Anh Miên nêu quan điểm: “Những cán bộ không đủ năng lực, trình độ, chuyên môn thì nên tinh giản, ở cơ sở nhiều lắm. Nhiều TTT đã có khoảng thời gian làm việc chăm chỉ, miệt mài phấn đấu nhưng cuối cùng người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với người hoàn thành nhiệm vụ rồi cũng kết thúc hợp đồng như nhau, như vậy không công bằng chút nào”.

Anh Miên cho biết thêm: “Ban quản lý đề án thiếu sự quan tâm, sâu sát đối với hoạt động cũng như hướng triển khai, kết quả thực hiện đề án. Hàng tháng, quý, ít nhất là 6 tháng, ban quản lý đề án cũng phải nắm bắt xem các TTT ở địa phương công tác như thế nào, tình hình hằng năm rà soát xem số lượng biên chế còn hay không, lực lượng TTT được bố trí các công việc ra sao có phù hợp với năng lực và vị trí của từng địa phương hay không. Trước khi kết thúc HĐLĐ, Ban quản lý, nên ngồi lại ít nhất với các TTT từ đó tìm ra hướng xử lý, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các TTT”.

Được biết, dù đã kết thúc HĐLĐ nhưng một số TTT của Đề án số 01, vẫn cố gắng bám trụ lại cơ sở, để làm việc và hưởng lương bán chuyên trách vì cuộc sống khó khăn và phải tìm việc làm lại từ đầu.

Tương lai nào chờ đợi?

Theo ông Huỳnh Ngọc Sang- Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, thông qua rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn, tạo nguồn cán bộ trẻ có năng lực toàn diện để bổ sung vào các chức danh cán bộ, công chức các cấp trong tỉnh. Ông Sang cho biết, đối với các TTT nói trên, trước khi kết thúc hợp đồng lao động, để đảm bảo quyền, lợi ích và tìm giải pháp đầu ra thích hợp, tốt nhất cho TTT, Ban quản lý điều hành Đề án 01 và các cơ quan chức năng đã bàn bạc, trao đổi, cân nhắc một số giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu mà đề án đặt ra.

Tuy nhiên theo phản ánh của các TTT cho dù họ cố gắng như nào khi hết hợp đồng lao động 5 năm thì cũng chấm dứt, tự đi tìm việc làm. Anh Phạm Văn Phấn, TTT công tác tại xã Khánh An, huyện U Minh cho biết, khi còn hợp đồng lao động thì mức lương, trợ cấp có thể trang trải được cho cuộc sống. Nhưng khi kết thúc hợp đồng, nếu TTT nào còn tâm huyết bám trụ ở lại cơ sở, chỉ được bố trí các chức danh bán chuyên trách, thu nhập từ đồng lương rất thấp và không đủ chi phí cho việc đi lại nói gì tới chăm lo cho gia đình.

“Việc sắp xếp TTT làm việc ở các chức danh bán chuyên trách là không đúng với mục tiêu của Đề án đề ra. Nếu làm việc ở vị trí này thì mức lương tầm khoảng 2 triệu đồng thì làm sao chúng tôi sống được, không trụ được rồi cũng phải bỏ việc đi nơi khác”- anh Phấn chia sẻ.

Theo thông tin từ Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau, trong số 43 TTT sẽ được Ban quản lý Đề án 01 chấm dứt HĐLĐ, có 28 TTT được sắp xếp vào vị trí những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, để tiếp tục công tác tại cơ sở. Còn lại, 15 TTT chưa thể bố trí để tiếp tục công tác với các lý do, địa phương không còn vị trí để sắp xếp, TTT không đồng ý với các vị trí sắp xếp của địa phương hay tự xin thôi việc để chuyển đổi nghề nghiệp…

Vị Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết thêm: “Không chỉ thực hiện được những điều đó, theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 1 của Nghị quyết số 22/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, quy định, sau 5 năm công tác, nếu TTT không được bố trí vào các chức danh cán bộ hoặc không được tuyển dụng làm công chức cấp xã thì chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng chế độ trợ cấp bằng 1 tháng lương hiện hưởng/1 năm công tác. Ngoài ra, sẽ cân nhắc vào vị trí những người hoạt động không chuyên trách cấp xã để tiếp tục công tác và từng bước tham gia thi tuyển công chức hoặc bố trí vào các chức vụ cán bộ thông qua bầu cử”.

Riêng đối với thông tin, hợp đồng lao động đã kết thúc gần 3 tháng, nhưng TTT vẫn chưa nhận được các khoản trợ cấp thôi việc theo quy định. Vấn đề này, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị sẽ phối hợp thẩm định kinh phí và sẽ mời TTT đến nhận chế độ chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian tới. Tuy nhiên, thời gian khi nào TTT sẽ được nhận thì đơn vị này chưa xác định được.

Như vậy, điều gì chờ đợi những TTT phía trước? Câu trả lời vẫn phụ thuộc vào cách giải quyết của chính quyền tỉnh Cà Mau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    40 trí thức trẻ Cà Mau: Sau 5 năm cống hiến sẽ về đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO