Lắng nghe dân nói, vì lợi ích của dân

Đức Sơn 01/01/2018 16:00

Lắng nghe dân nói và nói cho nhân dân hiểu được xem là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hệ thống Mặt trận. Là Cơ quan ngôn luận của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Báo Đại Đoàn Kết (ĐĐK) luôn lắng nghe và trình bày những phản ánh, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2017 cũng là một năm như thế với Báo ĐĐK.

* 2017, năm Đại Đoàn Kết đồng hành cùng bạn đọc

Lắng nghe dân nói, vì lợi ích của dân

Đoạn sông Lô thuộc địa phận huyện sông Lô (Vĩnh Phúc), bị các tàu khai thác cát múc sâu vào đất sản xuất của người dân - một trong những vụ việc được ĐĐK phản ánh, đấu tranh hiệu quả trong năm 2017.

Vì lợi ích của nhân dân

Trong năm 2017, bên cạnh những thành tích nổi bật về sự phát triển kinh tế, đời sống, văn hóa, xã hội của đất nước, vẫn còn đây đó những góc khuất, những tiêu cực và những bức xúc của nhân dân.

Trong năm qua, Báo ĐĐK đã tiếp đón hàng nghìn lượt bạn đọc, những lá đơn kêu cứu, phản ánh tâm tư nguyện vọng và bày tỏ sự mong muốn ĐĐK vào cuộc phản ánh những tiêu cực, nói lên tiếng nói của lòng dân.

Từ đó, Báo ĐĐK đã vào cuộc tìm hiểu sự thật rồi phản ánh lên mặt báo.

Nhiều bài báo của Báo ĐĐK đã đấu tranh, phanh phui những tiêu cực, tạo sức ép dư luận để các ngành chức năng vào cuộc xử lý.

Thực tế, đã chứng minh, nhờ sự lên tiếng của Báo, nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, sai phạm được giải quyết và nhiều người dân được bênh vực, đòi lại được lợi ích chính đáng của họ.

Từ những thông tin của bạn đọc phản ánh về việc tại Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý “vô tội vạ” và nhiều dấu hiệu tiêu cực khác- ĐĐK đã vào cuộc điều tra, từ đó phát hiện sự thật.

Tính đến ngày ĐĐK vào cuộc, số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Sở NNPTNT Thái Nguyên nhiều hơn so với Đề án vị trí việc làm lên tới 23 người.

Trong khi số lượng theo Đề án vị trí việc làm mà Sở này xây dựng là 30 người nhưng lãnh đạo Sở này đã “hào phóng” bổ nhiệm thực tế đến 53 người khiến nhiều phòng, ban của Sở này có số lãnh đạo phòng, ban chiếm “áp đảo” số biên chế.

Điển hình như phòng Kế hoạch - Tài chính tổng số biên chế 11 người thì có tới 7 trưởng, phó phòng (số lượng theo Đề án 3 phó phòng, nhưng thực tế bổ nhiệm tới 6 phó phòng).

Sau khi Báo ĐĐK phản ánh sự việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Nội vụ về kết quả kiểm tra thông tin, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến việc bổ nhiệm cấp phó vượt quá số lượng quy định và bổ nhiệm chức danh lãnh đạo khi chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Tại thời điểm tháng 4/2017, Báo ĐĐK nhận được đơn thư kêu cứu của hàng trăm hộ dân người dân xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) phản ánh về việc dòng sông Lô tại địa bàn xã Đôn Nhân dài chưa đầy 5 km nhưng UBND tỉnh đã cấp phép cho 6 doanh nghiệp (DN) khai thác cát sỏi và nạo vét dòng chảy.

Các DN này đua nhau “moi ruột” sông Lô, khiến dòng sông bị băm nát. Kéo theo đó, diện tích đất nông nghiệp rộng lớn của nhân dân cũng trôi xuống lòng sông sâu khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh khó khăn vì mất đất canh tác.

Vào cuộc tìm hiểu, phóng viên ĐĐK phát hiện đã có khoảng 5.000m2 đất nông nghiệp của gần 300 hộ dân xã Đôn Nhân bị sạt lở xuống sông Lô.

Nhiều hộ ít ruộng nên bị mất trắng đất sản xuất, mất nguồn sống, phải đi làm thuê tứ phương kiếm sống. Nguyên nhân sạt lở đất, cũng được chính quyền địa phương xác định là do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân do hoạt động khai thác cát sỏi.

Người dân thì hoang mang lo lắng, nhấp nhổm như “ngồi trên đống lửa” nhưng dường như ngành chức năng địa phương này vẫn loay hoay, chưa có hướng giải quyết.

Còn các DN khai thác cát hàng ngày vẫn thu lợi tiền tỷ từ việc “moi ruột” dòng sông.

Tình trạng đó không chỉ làm sạt lở đất nông nghiệp mà còn làm sạt lở hệ thống đê kè, đe dọa sự an nguy của hệ thống đê điều.

Dưới sông các DN vẫn khai thác cát rầm rộ, gây sạt lở, còn trên bờ ngành chức năng thì vẫn miệt mài gia cố hệ thống đê điều tạo nên nghịch cảnh “người xây - kẻ phá” khiến dư luận bất bình.

Sau khi Báo ĐĐK phản ánh, trước sức ép của dư luận Sở TNMT tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường đối với các đơn vị khai thác cát, sỏi trên sông Lô.

Đồng thời các ngành chức năng có động thái siết chặt quản lý hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp và tìm hướng khắc phục, đền bù thiệt hại cho nhân dân.

Một điển hình khác là sự việc Báo ĐĐK phản ánh, đấu tranh với những tiêu cực xảy ra ở địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Từ những phản ánh, kiến nghị của tập thể cán bộ công nhân viên chức Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở TNMT tỉnh Bạc Liêu về vụ việc lùm xùm kéo dài tại đây.

Báo ĐĐK đã ghi nhận những kiến nghị, tâm tư, bức xúc của đội ngũ cán bộ công nhân viên chức về vụ việc.

Qua đó nổi lên những vi phạm của người đứng đầu Trung tâm- giám đốc Bùi Quang Ánh về quản lý tài chính có nhiều khuất tất, có dấu hiệu lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ để mất dân chủ, lợi ích nhóm, mất đoàn kết nội bộ kéo dài… người đứng đầu đơn vị là đảng viên nhưng không tôn trọng nguyên tắc kỷ luật, không chấp hành quyết định của tổ chức, thiếu hợp tác với cơ quan điều tra, không được bổ nhiệm lại vẫn điều hành Trung tâm.

Những sai phạm của Trung tâm này được Báo ĐĐK bám sát, phản ánh trong nhiều số báo.

Từ đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có công văn đề nghị Ban Thường trực MTTQ tỉnh Bạc Liêu chủ động nắm bắt tình hình và phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở địa phương để thực hiện giám sát vụ việc theo quy định.

Sau khi làm rõ các sai phạm xuất phát từ phản ánh của Báo ĐĐK và kiến nghị của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, ngày 18/8/2017, Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh Bạc Liêu đã quyết định khai trừ đảng đối với ông Bùi Quang Ánh- nguyên giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu.

Còn đó những góc khuất

Sau khi Báo ĐĐK phản ánh, bên cạnh những địa phương tích cực vào cuộc để kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực, giải quyết những kiến nghị của nhân dân thì còn nhiều địa phương, ngành chức năng thờ ơ, bất chấp dư luận, bất chấp pháp luật mà không vào cuộc quyết liệt để khắc phục sai phạm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong số đó, có thể kể đến các vụ việc như, dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn có mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng (sử dụng ngân sách trái phiếu Chính phủ) thi công chậm tiến độ nhiều năm, đã qua 8 lần điều chỉnh và đội vốn tăng gần gấp đôi nhưng vẫn chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, trong quá trình thi công có nhiều sai phạm gây lãng phí số tiền hơn 47 tỷ đồng. Sai phạm đã quá rõ ràng và ĐĐK đã liên tiếng nhưng hiện tại chưa rõ cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về sự đầu tư công lãng phí này.

Hay như dự án Trạm Kiểm soát liên hợp Than Muội tại xã Quang Lang (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) với tổng số kinh phí đầu tư hơn 60 tỷ đồng để hạn chế tình trạng buôn lậu.

Tuy nhiên, do đặt “nhầm” chỗ nên Trạm Kiểm soát liên hợp Than Muội sau khi xây xong không phát huy tác dụng chống buôn lậu mà phải chuyển đổi sử dụng sang mục đích khác, gây lãng phí lớn.

Dự án Trạm chống buôn lậu đã chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng trách nhiệm thuộc về ai và ai sẽ bị xử lý kỷ luật vẫn là câu hỏi mà địa phương này còn bỏ ngõ trong suốt thời gian qua.

Không dừng ở đó, ĐĐK cũng phanh phui việc ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn ưu ái hỗ trợ sai quy định hàng chục tỷ đồng cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sao Bắc Việt xây dựng nhà máy gỗ công nghệ cao ở xã Đồng Tân huyện Hữu Lũng.

Sau khi ĐĐK nêu sự việc, ngành chức năng có liên quan tại địa phương này lại đổ lỗi cho “lỗi do văn bản không quy định rõ ràng” và do “tai bay vạ gió” để “né” trách nhiệm.

Hay như từ phản ánh, kiến nghị của nhân dân, ĐĐK đã vào cuộc tìm hiểu, phản ánh việc lãnh đạo xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ bỏ ngoài sổ sách hàng trăm triệu đồng, chi sai nguyên tắc số tiền lớn; cấp sổ đỏ với số lượng lớn không dựa trên thực địa và hàng chục năm không giao đất thực địa cho nhân dân…

Thế nhưng khi bị “lộ” các sai phạm thì các cán bộ liên quan chỉ bị xử lý kỷ luật nhẹ tênh.

Để làm rõ sự việc, phóng viên ĐĐK đã nhiều lần đăng ký làm việc với UBND huyện Phù Ninh nhưng địa phương này liên tục khất lần và né tránh làm việc, cung cấp thông tin.

Hành động trên của UBND huyện Phù Ninh thể hiện sự khuất tất, né tránh trách nhiệm, bất chấp pháp luật, coi thường dư luận của những người có trách nhiệm tại địa phương này.

Báo ĐĐK còn phản ánh hàng trăm vụ việc liên quan đến nỗi thống khổ của người dân hứng chịu hậu quả của ô nhiễm môi trường xung quanh các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp mỏ khai thác khoáng sản… những sai phạm của nhiều chính quyền cơ sở ở các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk…

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, ngành chức năng các địa phương vào thờ ơ, vào cuộc hời hợt khiến nhân dân tiếp tục chịu hậu quả của ô nhiễm môi trường.

Các sai phạm ở nhiều nơi được “dung túng” không bị xử lý triệt để.

Có thể thấy rằng, nhiều vụ việc, những phản ánh của người dân khiếu nại, tố cáo qua đường dây nóng đã được ĐĐK vào cuộc làm rõ, tìm lại công lý.

Cũng còn đó nhiều đơn thư, vụ việc mà Báo chưa thể phản ánh hết, nhiều số phận, những mảnh đời chưa thể san sẻ…

Tuy nhiên, đó là hành trình dài cần rất nhiều tâm huyết, sức lực mà những phóng viên nhiệt huyết, tờ báo nhiệt huyết như ĐĐK.

Đây cũng là một trong những mục tiêu trong năm 2018, báo ĐĐK luôn xác định phải làm tròn, làm tốt: lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng nhân dân và bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe dân nói, vì lợi ích của dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO