Chưởng lý cao cấp Mỹ: Tôi bị sa thải

Theo VOV 13/03/2017 11:06

Chưởng lý Manhattan Preet Bharara cho biết, ông không chịu từ chức theo yêu cầu của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và bị sa thải.

Theo Telegraph, tuyên bố trên được ông Bharara đưa ra ngày 12/3, vài ngày sau khi ông Sessions yêu cầu tất cả các Chưởng lý liên bang do ông Obama bổ nhiệm phải từ chức.

Chưởng lý Manhattan Preet Bharara. Ảnh: Reuters.

Bị sa thải dù từng được hứa sẽ giữ lại

Ông Bharara chia sẻ trên trang Twitter cá nhân rằng: “Tôi không chịu từ chức và chỉ một lúc sau, tôi bị sa thải”. Cũng theo ông Bharara, quãng thời gian ông là Chưởng lý Manhattan “sẽ mãi mãi là vinh dự lớn nhất trong sự nghiệp của tôi, dù tôi có làm việc gì khác đi chăng nữa”.

Ông Bharara nhấn mạnh: “Một trong những điểm quan trọng nhất về vấn đề tư pháp là tính độc lập tuyệt đối và đó chính là “kim chỉ nam” cho những hoạt động hàng ngày của tôi”.

Việc một loạt các Tổng chưởng lý của Chính phủ tiền nhiệm phải ra đi sau khi Chính phủ mới lên nắm quyền là một thông lệ tại Mỹ dù nhiều Tổng thống Mỹ thường làm việc này theo từng đợt.

Tuy nhiên, theo ông Bharara, ông từng gặp Tổng thống Trump hồi cuối năm 2016 (khi đó ông Trump mới đắc cử) và được Tổng thống Trump “chấp thuận cho ở lại”.

Ông Bharara nhớ lại: “Tại thời điểm đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump- một người New York hiểu rõ công việc mà chúng tôi đã làm trong suốt 7 năm qua- đã đề nghị gặp tôi để thảo luận về việc tôi có thể ở lại làm việc cho đến hết nhiệm kỳ của mình.

Chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ thân mật và tôi nói với ông ấy rằng, tôi chắc chắn sẽ cân nhắc việc ở lại. Sau đó, tôi cũng đã trao đổi với Thượng nghị sĩ Sessions- người được ông Trump chỉ định làm Bộ trưởng Tư pháp. Ông Sessions cũng yêu cầu tôi ở lại làm việc. Chính vì thế, tôi đã hy vọng rằng tôi có thể tiếp tục làm việc tại New York”.

Một sự nghiệp lẫy lừng

Trong suốt 7 năm làm Chưởng lý quận Manhattan (New York), ông Bharara đã tiến hành rất nhiều cuộc điều tra liên quan đến tệ nạn tham nhũng trong giới chính trị và tại Phố Wall.

Vào thời điểm bị đề nghị từ chức, ông Bharara đang trực tiếp giám sát việc điều tra các trợ lý và nhân viên của Thống đốc bang New York Andrew Cuomo vì thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio.

Ngoài ra, văn phòng Công tố của ông Bharara cũng đã từng mở cuộc điều tra nhằm vào hãng tin Fox News với cáo buộc hãng này không chịu cung cấp thông tin cho các cổ đông về việc hãng đã dàn xếp một vụ kiện quấy rối tình dục liên quan đến cựu CEO của hãng Roger Ailes.

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Bharara được đặc biệt nhớ tới khi đứng ra khởi tố cựu Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Dean Skelos với tội danh gian lận về giao dịch tài chính.

Ngoài ra, ông Bharara cũng đã lôi được tới 120 tên tội phạm thuộc một băng đảng ở khu Bronx ra xét xử. Đây cũng là một vụ tố tụng liên quan đến tội phạm có tổ chức lớn nhất trong lịch sử New York.

Trước khi được ông Obama chỉ định làm Chưởng lý Manhattan hồi năm 2009, ông Bharara làm việc cho Thượng nghị sĩ bang New York Chuck Schumer- người hiện là Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ.

Trong tuyên bố chính thức của mình, ông Schumer đã ca ngợi Chưởng lý Bharara là “người luôn nỗ lực hết mình để loại bỏ tệ nạn tham nhũng, truy bắt những kẻ khủng bố, duy trì trật tự tại phố Wall và đứng lên bảo vệ lẽ phải. Ông Bharara là một hình mẫu cho các Chưởng lý trên khắp nước Mỹ và sẽ luôn được mọi người nhớ tới”.

Sa thải hàng loạt sẽ gây rối loạn

Giáo sư luật tại Đại học Richmond (Mỹ) Carl Tobias cho biết, trường hợp đáng chú ý nhất trong việc buộc các Chưởng lý Mỹ phải từ chức diễn ra vào năm 1993 khi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Janet Reno yêu cầu một loạt Chưởng lý do Tổng thống tiền nhiệm George HW Bush (Bush cha) chỉ định phải từ chức.

Theo Gáo sư Tobias, những vụ ép từ chức hàng loạt như thế này sẽ khiến các văn phòng Công tố rơi vào tình trạng không có người lãnh đạo trong thời gian dài: “Đây là một hành động gây gián đoạn hoạt động của các văn phòng Công tố. Hiện vẫn chưa có ai được chỉ định thay thế 46 Chưởng lý vừa bị ép phải từ chức”.

Cũng theo Giáo sư Tobias, Văn phòng Công tố quận Manhattan là “văn phòng hàng đầu trên toàn nước Mỹ” với tính độc lập rất cao: “Việc ông Bharara phải ra đi không chỉ khiến Chính phủ mất đi một nhân vật quan trọng mà còn mất đi cả tính liên tục mà Chính phủ cần phải duy trì.

Chính phủ Mỹ sẽ mất đi một người có thể cất lên tiếng nói hoàn toàn độc lập trong các vấn đề pháp luật trong khi vẫn có thể hợp tác tốt với các cơ quan Tư pháp địa phương và liên bang”.

Tổng Chưởng lý bang New York Eric Schneiderman cũng chia sẻ quan điểm này và chỉ trích quyết định “đường đột và không có lý giải cụ thể” của Tổng thống Donald Trump “đã gây ra tình trạng hỗn loạn trong chính quyền liên bang”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưởng lý cao cấp Mỹ: Tôi bị sa thải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO