Chương trình giáo dục phổ thông mới: Yêu cầu chuẩn hóa giáo viên

Thu Hương 08/05/2019 07:30

Công tác tổ chức bồi dưỡng triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 đã chính thức được khởi động theo Kế hoạch bồi dưỡng do Bộ GDĐT ban hành cuối tháng 3/2019. Liệu những thắc mắc, băn khoăn của giáo viên, cán bộ quản lý… về chương trình GDPT mới có được giải đáp cặn kẽ qua những buổi tập huấn, hay lại rơi vào “khoảng không im lặng” khi báo cáo viên không thể trả lời?

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Yêu cầu chuẩn hóa giáo viên

Giáo viên - nhân tố quan trọng để đổi mới giáo dục.

Thực trạng đội ngũ

Tại buổi tập huấn dành cho 100 giảng viên chủ chốt, là thạc sĩ, tiến sĩ, có chuyên môn về quản lý giáo dục đang được tổ chức từ 6 đến 8/5/2019 tại Hà Nội, 11 chuyên đề liên quan đến thực hiện CTGDPT mới đã được trình bày. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề huẩn bị điều kiện để triển khai thực hiện CTGDPT 2018, trách nhiệm và quyền hạn của các cấp quản lý ở địa phương trong phát triển và thực hiện CTGDPT 2018. chuẩn bị đội ngũ thực hiện CTGDPT 2018, chuẩn bị về cơ sở vật chất,…

Trong đó, vấn đề chuẩn bị về đội ngũ thực hiện CTGDPT 2018 là chuyên đề nhận được nhiều sự quan tâm. Theo báo cáo, hiện nay, cơ bản đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, THCS 99,0%, THPT 99,6%.

Về số lượng, tính đến tháng 10/2018, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông (công lập 1.089.837, ngoài công lập 71.306). Theo báo cáo của các sở GDĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS: 10.143 người; THPT: 3.161 người).

Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS một số môn nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS môn khác.

Từ đây, một đại biểu đến từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ băn khoăn khi những số lượng giáo viên một số môn vẫn còn thiếu nhiều trong khi chỉ tiêu tuyển mới không có bao nhiêu. Đây cũng là khó khăn chung ở nhiều tỉnh thành được TS Thái Văn Tài- Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nêu tại buổi tập huấn. Cụ thể, trong khi tổng số giáo viên tiểu học hiện là hơn 4000 nghìn người, đó có khoảng 92% giáo viên trong biên chế, tỷ lệ tuyển mới giáo viên ở tiểu học khá ít nên một số môn học như Tin học và Ngoại ngữ hiện nay đang bị thiếu. Mặc dù một số địa phương linh hoạt trong việc bố trí một giáo viên dạy nhiều trường nhưng cũng còn những khó khăn trong việc đánh giá xếp loại giáo viên, khó khăn trong việc di chuyển…

Theo PGS.TS Nguyễn Dục Quang - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, trong nhiều vấn đề còn băn khoăn về CTGDPT mới thì quan trọng nhất là người giáo viên. Phải bồi dưỡng làm sao để cập nhật những yêu cầu rất mới của chương trình này.

“Tôi rất lo lắng về việc làm sao để giáo viên thực hiện được việc phát triển năng lực người học. Ví dụ, khi thói quen truyền thống lớp học của chúng ta đã có thầy đọc giảng, trò ghi thì nay chuyển sang chương trình mới, phải vận dụng phương pháp như thế nào để thực hiện định hướng phát triển năng lực học sinh? Ngoài ra, đó là môi trường giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất là những yếu tố làm nên thành công của chương trình. Một điểm nữa liên quan đến chính sách để giáo viên yên tâm công tác. Ví dụ, với hoạt động trải nghiệm, giáo viên chủ nhiệm phải làm. Nhưng bấy lâu nay, việc này thực hiện còn nhiều khó khăn. Vậy cơ chế chính sách ra sao để tạo điều kiện cho họ làm tốt việc này?”- ông Quang băn khoăn.

Bồi dưỡng theo nhu cầu thực tế

Theo kế hoạch tổ chức bồi dưỡng triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới năm 2019 do Bộ GDĐT ban hành, phương thức tập huấn, bồi dưỡng kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, trong đó sử dụng tối đa đào tạo trực tuyến; tài liệu được số hóa và đưa lên mạng để các học viên tham khảo, nghiên cứu trước và có thể tiếp cận vào mọi lúc mọi nơi. Giáo viên, cán bộ quản lý có thể vừa nghiên cứu tài liệu, vừa có sự tương tác chặt chẽ với các giảng viên sư phạm qua mạng. Các khóa tập huấn trực tiếp được tổ chức sau đó, chú trọng việc thảo luận các nghiên cứu điển hình và giải đáp những vấn đề cần làm rõ.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Yêu cầu chuẩn hóa giáo viên - 1

Chia nhóm để thảo luận tại buổi tập huấn.

Để đánh giá kết quả tập huấn, Bộ GDĐT đã xây dựng phần mềm kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng để đảm bảo tập huấn hiệu quả, tránh tình trạng “đánh trống ghi tên” trong quá trình tập huấn.

TS Thái Văn Tài cho rằng, hiện nay, khi triển khai tập huấn trên diện rộng, cần lưu ý về chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng, tránh để xảy ra việc nhiệm vụ của người này nhưng lại đi hỏi người kia chỉ vì chưa tìm hiểu kỹ việc phân cấp quản lý đối với giáo dục.

Để việc bồi dưỡng đi vào thực chất, TS Thái Văn Tài đề nghị các cán bộ tham gia tập huấn đặt câu hỏi để các báo cáo viên giải đáp. Đây sẽ là những câu hỏi mà sau này, khi tập huấn tại cơ sở, có thể các giáo viên, cán bộ quản lý sẽ hỏi, hoặc là những điều xã hội đang quan tâm. Chẳng hạn việc tại sao CTGDPT mới lại xây dựng thời gian học của học sinh tiểu học là 7 tiết/ngày, mỗi tiết học 35 phút. Nếu như các nhà trường bố trí sáng học 5 tiết, chiều học 2 tiết, nghĩa là thời gian tan học sớm, chỉ khoảng 15h30’ thì sẽ lệch với giờ làm việc của các phụ huynh làm giờ hành chính. Như vậy, giải bài toán này như thế nào?

Bồi dưỡng theo nhu cầu thực tế là yêu cầu đặt ra với các lớp bồi dưỡng, tập huấn là chỉ đạo xuyên suốt của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ. Trong đó, nội dung bồi dưỡng được tinh giản, giảm tính hàn lâm, đảm bảo tính liên thông, gắn liền với thực tiễn cũng như các Chuẩn đã được Bộ ban hành là các yêu cầu cụ thể đặt ra.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Dục Quang, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên là yêu cầu cấp bách nhưng không thể chỉ sau một vài khóa tập huấn mà có thể nắm bắt ngay được chương trình, phương pháp giáo dục mới… Chẳng hạn, dạy tích hợp là vấn đề lớn, không phải cứ bồi dưỡng cho giáo viên một vài tháng là họ có thể dạy tốt được ngay vì liên quan đến toàn bộ hệ thống kiến thức của giáo viên, làm sao để truyền tải được hết.

“Bồi dưỡng chỉ là một cách làm. Phải được luyện, tổ chức thực hành và xem các bài giảng mẫu để xem việc dạy tích hợp ra sao. Cần rèn luyện dần dần, bồi dưỡng lâu dài, có bước có lộ trình, không thể đòi hỏi ngay có hiệu quả được. Hiện đã có bài giảng mẫu, giáo viên có thể tham khảo”- ông Quang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT (Bộ GDĐT), Giám đốc Ban Quản lý Dự án RGEP và ETEP, hiện tài liệu bồi dưỡng đã được đăng tải trên mạng, các thầy cô giáo cần chủ động nghiên cứu kỹ lưỡng, để khi bồi dưỡng trực tiếp thì chủ yếu là chia sẻ kinh nghiệm thực tế, giải đáp những thắc mắc tồn đọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chương trình giáo dục phổ thông mới: Yêu cầu chuẩn hóa giáo viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO