Chuyện bà Việc 'đỡ đẻ'

Lê Tự 21/09/2015 08:55

Khi hỏi tới bà Việc, ủy viên Ban công tác Mặt trận thôn Phạm Tân, xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện (Hải Dương), hầu như ai cũng biết bởi bà không chỉ là người của Mặt trận mà còn là bà Việc đỡ đẻ.

Chuyện bà Việc 'đỡ đẻ'

Bà Việc (ngoài cùng bên phải) cùng Ban công tác Mặt trận thôn.

1. Chúng tôi về thôn Phạm Tân, xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện (Hải Dương) với mục đích tìm gặp và chia sẻ chuyện đời với bà Ngô Thị Việc, hiện là ủy viên Ban công tác Mặt trận thôn.

Phạm Tân, một làng quê thuần khiết, chưa có bóng dáng một dự án công nghiệp nào nên cánh đồng xanh bát ngát, những vườn cây che mát cả một vùng trời thơ mộng. Người dân nơi đây từ bao đời sống bằng nghề trồng cấy rất hồn hậu, hiếu khách. Cho nên khi hỏi tới bà Việc, hầu như ai cũng biết bởi bà không chỉ là người của Mặt trận mà còn là bà Việc đỡ đẻ.

Công tác tại trạm xá xã 2 năm sau đó bà xây dựng gia đình, thế là về nhà cấy lúa trồng khoai, nuôi con để chồng lên đường nhập ngũ. Chị em trong thôn sinh nở thì lại mời bà tới đỡ.

“Có những năm trong thôn có tới 57 người đẻ, mà một tay tôi đỡ hết, mẹ tròn con vuông, không có sản phụ nào gặp sự cố”, bà Việc nhớ lại.

Thời chiến tranh hầu như trong xã không có ai lên được tới bệnh viện để sinh nở. Vì lên được tới bệnh viện phải có 2 người khiêng võng đi cả chục cây số, nếu sản phụ trở dạ vào ban đêm thì càng khó khăn bởi vậy, việc đỡ đẻ cho chị em sản phụ trong làng ngoài xã đều do một tay bà.

Bà Việc chia sẻ câu chuyện của đời mình khiến ai nấy đều khâm phục. Có những lần chính bà đang có bầu “vượt mặt” mà vẫn phải đi đỡ đẻ cho chị em trong thôn. Có lúc vừa bưng bát cơm lên miệng thì có người gọi đỡ đẻ, đau đẻ không thể chờ sáng trăng được, nên bà lại bỏ bát chạy đi ngay. Những đêm đông rét cắt da cắt thịt, trời tối như bưng, hễ có tiếng gọi là bà lại lên đường.

Ông Nguyễn Tiến Tẫn một người hàng xóm góp chuyện: Vợ tôi đẻ 3 lần đều một tay bà Việc đỡ mẹ tròn con vuông. Nhiều người trong làng trong xã này còn ơn bà ấy nhiều lắm…

Bây giờ, ngôi nhà của bà thỉnh thoảng vẫn có những khách quý tới chơi, họ chính là những đứa trẻ được bà đỡ ngày xưa.

2. 45 năm đỡ đẻ, bà Việc không nhận một đồng tiền công nào, thậm chí có người cho quà bà cũng không nhận. Bà tâm sự, “người quê tôi mấy chục năm trước nghèo lắm, ai đành lòng lấy tiền công. Những ca khó đẻ phải chờ đợi thì gia đình luộc cho ít khoai ăn đêm, uống nước chè tươi cho tỉnh táo, thế thôi” - bà Việc cười tươi chia sẻ.

Với bản tính tốt bụng, bà chẳng bao giờ màng đến tiền bạc của ai bao giờ. Cho nên với bà, có những lần nhặt được gói tiền cả chục triệu đồng, mặc dù hoàn cảnh còn khó khăn nhưng bà nộp ngay cho cơ quan chức năng để trả lại cho người bị mất…

Bao nhiêu năm làm nghề đỡ đẻ thì bấy nhiêu năm bà Việc làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn kiêm Ủy viên Ban công tác Mặt trận. Bây giờ không còn đỡ đẻ nữa nhưng với tư cách một cán bộ xây dựng phong trào, bà vẫn nhiệt tình tư vấn cho chị em những kiến thức về sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình.

Dù hoàn cảnh đã đổi khác, nhưng với tấm lòng của mình, bà Việc vẫn tìm đến những ai cần sự giúp đỡ. Làm cán bộ xây dựng phong trào cho thôn xóm mấy chục năm, bà thuộc rõ hoàn cảnh từng gia đình. Với bà cuộc sống của cộng đồng làng xóm, hạnh phúc của mọi người là hạnh phúc của chính mình. Một ngày không đi, không tìm hiểu, không hòa mình vào dòng chảy cuộc sống làng xã là bà “không chịu được”.

Bà bảo, làm cán bộ phong trào ở cái tuổi gần thất thập cũng có cái khó, nhưng nếu nhiệt tình với bà con thì bà con sẽ hiểu mình, từ đó phong trào sẽ mạnh.

Được biết Ban công tác Mặt trận thôn Phạm Tân đang vận động bà con góp công góp sức chuẩn bị nâng cấp hệ thống thoát nước trong thôn. Với những cán bộ phong trào có tâm như bà Việc người ta tin rằng chẳng mấy mà phong trào này hoàn thành.

Nói về bà Việc, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phạm Tân, ông Trần Đức Lanh chỉ có một câu đơn giản: Bà ấy là người có tâm với đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện bà Việc 'đỡ đẻ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO