Chuyển biến nhận thức của người dân về hàng Việt

Tuệ Phương (thực hiện) 06/08/2017 09:00

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tác động mạnh đến thói quen của người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm. Đó là quan điểm chung của lãnh đạo Mặt trận Thừa Thiên-Huế, TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, khi triển khai thực hiện cuộc vận động này tại địa phương.

Bà Phan Thị Hồng Nhung.

Bà Phan Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ: Hơn 90% đã có nhận thức tốt về cuộc vận động

PV: Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được triển khai trên địa bàn TP Cần Thơ như thế nào, thưa bà?

Bà Phan Thị Hồng Nhung: Là thành phố trung tâm của miền Tây Nam bộ, Cần Thơ là một thị trường hàng hóa lớn và sôi động. Do đặc thù địa lý, việc vận chuyển hàng hóa khá thuận tiện nên hàng Việt tại Cần Thơ chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ hàng hóa của nhiều nước khác nhau, trong đó phải kể đến các mặt hàng từ Thái Lan.

Trước sức cạnh tranh từ bên ngoài, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Cần Thơ gặp không ít thách thức. Chính vì thế việc Ban chỉ đạo CVĐ đặc biệt lưu tâm đó là phải đánh vào nhận thức của người tiêu dùng đối với việc sử dụng hàng Việt Nam.

Chính sự vào cuộc quyết liệt đó, Cần Thơ đã đạt doanh thu 95.624 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước. Người tiêu dùng đã tin tưởng và sử dụng hàng Việt thay cho một số hàng ngoại, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Các mặt hàng dệt may, đồ gia dụng và hàng nông sản được ưa chuộng hơn cả.

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 16 siêu thị, trung tâm thương mại và hơn 100 chợ truyền thống bán hàng mang thương hiệu Việt, số lượng hàng hóa chiếm từ 90-95%. Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng phát triển các cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng nông sản mang thương hiệu hàng Việt để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Một số sản phẩm địa phương đã được người tiêu trong và ngoài thành phố đánh giá cao, có nhiều khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ như: gạo Cờ Đỏ, dâu Hạ Châu, nhãn Ido Phong Điền, bánh kẹo Ba Rích - Ô Môn…

Khi triển khai CVĐ này, hệ thống Mặt trận đã vào cuộc như thế nào, thưa bà?

- CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian vừa qua đã được MTTQ TP tích cực thực hiện. Ban chỉ đạo (BCĐ) CVĐ đã được kiện toàn. Về mặt điều hành thực hiện cuộc vận động, từ trước tới nay đều được hệ thống Mặt trận vận hành tốt. Nhưng có một vấn đề mà Cần Thơ cảm thấy khó khăn khi thực hiện, đó là từ trước tới nay đều quy định Chủ tịch Mặt trận làm trưởng BCĐ, nhưng tôi nghĩ nếu để bên Đảng hay bên chính quyền đứng ra làm sẽ tốt hơn trong điều hành, thực hiện.

Để giải quyết khó khăn cũng như tìm giải pháp thực hiện CVĐ này tốt hơn, TP Cần Thơ đã xin ý kiến của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và xin ý kiến cấp ủy, đề nghị Phó Bí thư thường trực Thành ủy làm trưởng BCĐ CVĐ, còn Mặt trận làm Phó ban để thuận lợi trong điều hành, để CVĐ có thể đi vào những nội dung cụ thể mạnh hơn, quyết liệt hơn.

Con số hơn 90% các chủ trương từ CVĐ đã ăn sâu vào tiềm thức nhân dân đã khẳng định rõ nét sự thành công BCĐ khi thực hiện và điều hành các nội dung của CVĐ. Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay nếu như không có một cơ chế về sản xuất hàng hóa cũng như cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sẽ rất khó có thể thực hiện CVĐ này tốt hơn trong tương lai.

Bà Tô Thị Bích Châu.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP HCM: Tuyên truyền phải đi liền với chất lượng

CVĐ này triển khai tại TP HCM đã bước sang năm thứ 6, vậy kết quả đạt được như nào, thưa bà?

- Tại TP HCM, 6 năm qua đã làm được rất nhiều việc, từ triển khai thực hiện cho đến các hoạt động tuyên truyền cho CVĐ đã ăn sâu vào từng khu dân cư, từng tổ dân phố để giờ đây bất cứ một bà nội trợ nào, bất cứ một người dân nào khi được hỏi đều biết đến CVĐ. Hàng hóa từ các siêu thị, cửa hàng lớn đến các tạp hóa trong khu dân cư cũng bày bán rất nhiều hàng Việt.

Điều đó đã chứng tỏ sự lan tỏa mạnh mẽ của CVĐ này. Tuy nhiên, nói toàn bộ người dân đang sử dụng hàng Việt thì chưa chính xác bởi doanh nghiệp muốn chiếm được niềm tin của người tiêu dùng thì ngoài sự tuyên truyền còn phải là chất lượng, giá cả cạnh tranh…

Sắp tới, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP HCM có cách triển khai CVĐ này như thế nào để mang lại hiệu quả cao hơn, thưa bà?

- Chúng tôi cũng phải rút kinh nghiệm từ những việc làm cũ, khắc phục những hạn chế, nhược điểm trước đó để từ cán bộ cho đến người dân ở khu dân cư đều hiểu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có sự chọn lựa, sàng lọc đối tượng ưu tiên sử dụng hàng Việt. Hoặc đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được tuyên truyền, rà soát theo nhóm đối tượng. Bên cạnh sự tuyên truyền, vào cuộc của hệ thống Mặt trận các tổ chức đoàn thể cũng được huy động để tham gia.

Đặc biệt, khi thực hiện CVĐ này, các tổ chức đoàn thể cũng được phân vai rõ ràng như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, cự chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam, Hội người mù…để CVĐ được lan tỏa rộng rãi.

Nghĩa là chúng tôi đi vào từng chân rết, từng người cụ thể để làm sao chất lượng của CVĐ này sẽ được nâng cao hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nâng cao chất lượng tuyên truyền của cán bộ Mặt trận. Muốn như vậy cán bộ Mặt trận phải hiểu, phải có phương pháp, kĩ năng tuyên truyền và phải gương mẫu sử dụng hàng Việt vì không thể tuyên truyền cho người khác mà bản thân lại sử dụng hàng ngoại.

Không dừng lại ở đó, Mặt trận cũng phải đồng hành với nhà sản xuất và nhà sản xuất cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình chứ không chỉ dừng ở mức tuyên truyền và khẳng định thương hiệu không thôi. Chỉ khi nào sự tuyên truyền đồng hành cùng chất lượng thì mới tạo ra sự lan tỏa rộng lớn thì khi đó CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ thành công.

Ông Nguyễn Nam Tiến.

Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế: Cuộc vận động tiếp tục được triển khai, tiếp tục được thực hiện hiệu quả

Thưa ông, người dân Thừa Thiên - Huế đánh giá CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như thế nào?

-Đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Mặt trận tỉnh được giao làm Trưởng ban chỉ đạo. Để thực hiện tốt CVĐ này, hàng năm Ban chỉ đạo đều triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của CVĐ. Bên cạnh đó, cứ đến cuối năm chúng tôi lại có báo cáo đánh giá riêng đối với những hoạt động mà CVĐ đã đạt được.

Đến nay, CVĐ vẫn tiếp tục được triển khai thực hiện khá ổn định. Hàng Việt Nam, đặc biệt trên địa bàn nông thôn của tỉnh Thừa Thiên-Huế chiếm khoảng 90%. Vấn đề còn lại là khi vận động người Việt dùng hàng Việt nhà sản xuất cũng phải có trách nhiệm nếu không CVĐ này sẽ khó đạt được mục tiêu đặt ra.

Vậy, vai trò của Mặt trận được thể hiện như thế nào thông qua CVĐ này, thưa ông?

- Bên cạnh hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền tại địa bàn dân cư và thông qua các hoạt động đưa hàng Việt về cơ sở khi phối hợp với ngành công thương, chúng tôi cũng đã có những chuyển động khá tích cực đối với CVĐ này.

Từ nay đến cuối năm 2017, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức tiêu dùng hàng Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm sản xuất trong nước, giới thiệu các điển hình doanh nhân Việt Nam làm ăn giỏi, tiếp tục mở rộng điểm bán hàng bình ổn thị trường để đưa hàng Việt đến với công nhân, nông dân nhiều hơn; tăng cường công tác chống hàng gian, hàng giả để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước…

Trân trọng cám ơn các vị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển biến nhận thức của người dân về hàng Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO