Chuyển biến tích cực trong giám sát và phản biện xã hội

H.Nhi - H.Diệp Ảnh: Quang Vinh 21/02/2019 18:27

Chiều 21/2, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị nghiệm thu chuyên đề khoa học số 3 “Thực trạng và giải pháp phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh của MTTQ Việt Nam”.

Chuyển biến tích cực trong giám sát và phản biện xã hội

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị.

Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm chuyên đề; GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, phản biện 1; PGS.TS Quách Sĩ Hùng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phản biện 2 cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Chuyên đề dành phần lớn dung lượng để đánh giá thực trạng công tác chỉ đạo, thực hiện, kết quả đã đạt được của chương trình trong nhiệm kỳ, nhưng tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân. Đề ra và luận giải cho những giải pháp nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; Giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới, để xây dựng chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, Chủ nhiệm chuyên đề, trong 5 Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam khóa VIII nhiệm kỳ 2014-2019, chương trình 3 là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đang được bổ sung thêm nhiều nội dung mới.

Chuyển biến tích cực trong giám sát và phản biện xã hội - 1

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại hội nghị.

Đặc biệt trong 5 năm qua, việc thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đã đạt được nhiều kết quả, thể hiện ở công tác tham gia xây dựng pháp luật; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tham gia tổ chức tiếp xúc cử tri; phối hợp tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân; Tiếp công dân và tham gia xử lý giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nổi bật là kết quả về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ các cấp có nhiều tiến bộ. Minh chứng là, MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương đã chủ trì, phối hợp giám sát được 492.784 cuộc và tổ chức 82.865 cuộc phản biện xã hội, trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành phố chủ trì giám sát được 4.093 cuộc, phản biện xã hội được 4.048 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện chủ trì giám sát được 22.679 cuộc, phản biện xã hội được 15.064 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã chủ trì giám sát được 466.012 cuộc và phản biện xã hội được 63.753 cuộc…. trong 5 năm qua.

“Trong nhiệm kỳ qua, 8 nội dung chủ yếu của chương trình 3 đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động của Mặt trận các cấp, từ đó khẳng định MTTQ Việt Nam thực sự là cơ sở chính trị của Đảng, Nhà nước. Các hoạt động của MTTQ đã góp phần động viên toàn dân thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Chuyển biến tích cực trong giám sát và phản biện xã hội - 2

GS.TS Trần Ngọc Đường phát biểu tại hội nghị.

Đánh giá cao việc chuyên đề đã hệ thống được các quan điểm của Đảng, Nhà nước thông qua các văn kiện và văn bản quy phạm pháp luật, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng đề tài đã tập trung đánh giá được thực trạng và rút ra được bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo cao, từ đó góp phần khắc phục những hạn chế trong triển khai hoạt động tại MTTQ Việt Nam các cấp. Cùng với đó, kết quả nghiên cứu của đề tài đã đề xuất được 5 nhóm giải pháp cụ thể như nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức; nhóm giải pháp đối với từng nội dung công tác cụ thể; nhóm giải pháp tăng cường phối hợp trong tổ chức thực hiện và nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách.

Ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo của nhóm thực hiện chuyên đề, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng, để chuyên đề là tài liệu đánh giá hữu ích về hoạt động của Mặt trận các cấp trong thời gian vừa qua, nhóm thực hiện cần tiếp tục bổ sung thêm những căn cứ pháp lý, các văn bản quy định của pháp luật để từ đó bao quát hơn nữa 8 nội dung đề ra. Đồng thời cần bổ sung thêm hệ thống số liệu theo từng lĩnh vực và theo hệ thống phụ lục để phác họa lên một bức tranh tổng thể về công tác phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ 2014-2019.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định, đây là một trong những chuyên đề quan trọng nhằm đánh giá hoạt động của nhiệm kỳ Đại hội MTTQ lần thứ VIII, từ đó đề ra phương hướng cho Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024.

Chuyển biến tích cực trong giám sát và phản biện xã hội - 3

Quang cảnh hội nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển biến tích cực trong giám sát và phản biện xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO