Chuyển dịch năng lượng sạch - xu hướng không thể đảo ngược

Minh Phương 25/08/2020 14:32

Nhận định nói trên được đưa ra tại phiên khai mạc Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020, Sự kiện diễn ra từ ngày 25 đến 28/8/2020 trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Ngày 25/8, tại Hà Nội, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA), Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng các đối tác tổ chức Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2020.

Các dự án điện mặt trời làm giảm áp lực nguồn cung điện.

Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của nhân loại với cú sốc Covid -19 khiến cả thế giới lao đao và chịu thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế, song đồng thời cũng thôi thúc sự chuyển đổi đột phá về tư duy và mô hình phát triển thích ứng.

Tại Việt Nam, những năm gần đây Nhà nước đã ban hành các chính sách và cơ chế thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, điện gió cũng như gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới.

Tính đến tháng 6.2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành đạt khoảng 5.500 MW, trong đó điện mặt trời áp mái đạt trên 31.750 dự án với tổng công suất 657,88 MWp. Năng lượng tái tạo hiện chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện và Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang dẫn đầu về tăng trưởng năng lượng tái tạo trong khu vực ASEAN,

Tại buổi tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: Lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ” mở đầu cho Tuần lễ năng lượng tái tạo 2020, nhiều chuyên gia khẳng định, chuyển dịch năng lượng sạch đã trở thành xu thế không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tại Việt Nam thời gian qua, với những chính sách, cơ chế giá khuyến khích, các nhà đầu tư đã đẩy mạnh phát triển các dự án điện mặt trời, đặc biệt là các dự án điện mặt trời mái nhà. Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã đạt được 1000 MW cho điện mặt trời mái nhà đồng thời đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ đến tài chính, bảo hiểm... góp phần làm cho thị trường điện mặt trời Việt Nam sôi động hơn bao giờ hét. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khá nhỏ bé so với tiềm năng kỹ thuật vô cùng lớn (ước tính tổng công suất lên tới 48.000 MW) của điện mặt trời mái nhà.

Nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự sẵn sàng bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn nên tâm lý số đông vẫn lo ngại, chần chừ. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ đặc biệt liên quan đến chính sách, tài chính...

Chuyển dịch năng lượng sạch là xu hướng tất yếu của thế giới, và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó. Nghị quyết 55/ BCT của Bộ Chính trị ban hành tháng 2/2020 về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là bước đột phá về tư tưởng, định hình con đường phát triển sạch cho ngành năng lượng Việt Nam. Nhiều địa phương đã tận dụng những lợi thế về nắng, gió của mình như Ninh Thuận, Bạc Liêu để phát triển các dự án năng lượng sạch.

Nhiều nhà đầu tư cũng cho biết, phát triển các dự án điện mặt trời không chỉ giúp bổ sung nguồn cung, giảm nguy cơ thiếu điện cho Việt Nam mà còn giải bài toán về phát triển sạch, bên cạnh đó là bài toán điện cho người nghèo. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm, nhiều nhà đầu tư cho rằng, cần những cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho lĩnh vực năng lượng sạch phát triển, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng đề có thể phát triển lưới điện, giải tỏa công suất.

“Đây là lần thứ 5 chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam được tổ chức. Diễn đàn đã trở thành nơi kết nối tâm huyết, trí tuệ, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của nhà khoa học doanh nhân, nhà quản lý, người dân... với mong muốn được đóng góp và hiến kế cho chính sách phát triển đột phá năng lượng sạch, kinh tế xanh của nước nhà” – Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) chia sẻ.

Tại Diễn đàn, bà Cécile Leroy, Quản lý chương trình, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020 đem đến cơ hội cho tất cả các đại biểu tham dự để cập nhật tiến bộ về chuyển dịch năng lượng sạch trên thế giới và cho Việt Nam, đồng thời thảo luận các lợi ích cũng như thách thức và rào cản cho phát triển năng lượng tại Việt Nam và các địa phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển dịch năng lượng sạch - xu hướng không thể đảo ngược

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO