Chuyện đời cảm động của một nữ cán bộ điệp báo

Hồng Thái - Văn Thịnh 07/11/2018 10:50

Cụ Vũ Thị Hoa, sinh năm 1929, cán bộ Công an thành phố Hải Phòng (còn có tên là Trần Thị Hoa, Phạm Thị Hồng) là một cán bộ hoạt động cách mạng từ rất sớm, sau 8/1945 đã tham gia đoàn thể phụ nữ xã, từ năm 1947 làm giao thông viên Ban Điệp báo Ty Công an Hải Phòng. Năm 2015, Bà được tặng Huy hiệu 65 tuổi Đảng, trước khi tạ thế vào tháng 9/2018, bà vừa tròn 68 tuổi Đảng.

Nhìn tấm ảnh quân phục CAND của bà được phóng to trong trong lễ truy điệu vẻ nghiêm nghị, kiên trung, phúc hậu với quân hàm Đại úy, ai cũng cảm phục bà, một tấm gương hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, thủy chung, tận tụy với ngành Công an, chăm lo xây dựng gia đình, vun xới nếp nhà, nuôi dạy con cái nên người. Có thể nói bà là một phụ nữ tiêu biểu xứng đáng với truyền thống của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Chuyện đời cảm động của một nữ cán bộ điệp báo

Cụ Vũ Thị Hoa (1929- 2018).

Từ tuổi thơ cơ cực đến cô giao liên điệp báo gan dạ

Bà Trần Thị Hoa sinh năm 1929 tại xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng, là con một trong một gia đình nghèo khó. Thật không may, mẹ mới mang thai 3 tháng tuổi thì bố mất, sinh con ra, hai mẹ con lần lữa kiếm sống nuôi nhau trong cảnh cả đất nước bị thực dân Pháp cai trị với nhiều chính sách hết sức hà khắc. Mới 3 tuổi, lại một điều không may nữa đến với bé Hoa đó là người mẹ tái giá lấy chồng về tỉnh Hải Dương, bé Hoa một mình ở lại sống với bà nội có nghề cúng lễ, vẫn được người dân thường gọi là bà Đồng Đá. Dù không được bà nội cho đi học, nhưng đi đến đâu bé Hoa cũng tự học, học lỏm theo chữ người lớn dùng, dần dần cũng hiểu biết hơn lên. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, năm 11 tuổi, bà nội đột ngột qua đời để lại bé Hoa một mình trong ngôi nhà trống vắng (trước đó, ông nội cũng đã mất). Một bé gái trước một cơ ngơi nhà cửa, vườn tược cũng vào hàng tương đối trong vùng, tự kiếm sống thì có thể, nhưng làm sao tự lập? Vậy là vợ chồng một bà cô trong họ nhận đến ở với tình cảm để trông coi nhà cửa và nuôi dạy cháu. Nhưng cuộc sống càng ngày càng chật vật, khổ cực hơn… Anh Trần Văn Nam (sinh năm 1971) con trai út của bà Vũ Thị Hoa kể “ngày ấy uất ức và khổ đến mức mẹ tôi và một chị kết nghĩa cùng làng rủ nhau trốn đi nhưng không thoát”. Kể lại những ngày đã qua mới thấy rõ ý thức tự lập và bản lĩnh của bà Vũ Thị Hoa hình thành từ tấm bé ,nên con đường đi theo cách mạng của bà là tất yếu…

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, bà Vũ Thị Hoa lúc này đã 17 tuổi như con chim sổ lồng nên đã tham gia tích cực hoạt động cách mạng trong tổ chức đoàn thể phụ nữ ở xã Đại Bản, huyện An Dương. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta, thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946, nhân dân Hải Phòng đứng lên chiến đấu với thực dân Pháp

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và của Đảng, tháng 10/1947, bà Vũ Thị Hoa xung phong vào Ban Điệp báo Ty CA Hải Phòng làm cán bộ giao liên bí mật và thoát ly gia đình theo cách mạng từ đấy. Lúc này “Ty công an Hải - Kiến (tức 2 tỉnh Hải Phòng và Kiến An) thành lập Đội Công an hành động… Các tổ công an hành động của quận Công an Kiến Thụy, An Dương là những đơn vị mở đầu cho những hoạt động diệt tề, trừ gian, đẩy mạnh phong trào gây cơ sở, kháng chiến của các ngành, các giới ở địa bàn huyện…” (Trích Lịch sử Công an Hải Phòng, trang 116, 117). Vốn là một cán bộ giao liên thông minh, dũng cảm, bà Vũ Thị Hoa được Ban Điệp báo nhiều lần cử đưa cán bộ bí mật luồn lách qua đồn bốt địch để thâm nhập vào thành phố, rồi dẫn ngược về chiến khu...

Cũng theo lời anh Trần Văn Nam, “ Lúc tôi còn nhỏ, nhiều bữa cơm trong gia đình, mẹ tôi hay kể về những chuyến đi đó. Có lần đang đêm dẫn cán bộ vượt vùng tề, kẻ địch phát hiện thấy, đuổi theo bắn suýt chết. Mẹ tôi hô cả đoàn chạy thật nhanh, may mà chạy sang vùng xã khác thì địch không đuổi nữa vì vùng ấy phân cho đồn khác. Bà thường kể bà dặn cả đoàn công tác, bảo nằm là nằm, bò là bò, chạy là chạy, tất cả phải răm rắp nghe theo lệnh của giao liên. Nhiều bác cao tuổi sau này đến thăm bà thường khen tất cả các đoàn cán bộ do bà làm giao liên dẫn đi đều bảo đảm an toàn. Có hôm dẫn cán bộ bơi qua sông, bà vừa bơi vừa dìu cán bộ chưa quen sông nước.

Có lần, nửa đêm bà dẫn cả đoàn cán bộ từ huyện Thủy Nguyên vượt qua bốt địch quét sáng đèn, bà dặn cả đoàn gần chục người bò sát chân bốt vì đèn không chiếu tới, vừa bò vừa nghe tiếng bọn địch nói chuyện với nhau. Thế là thoát. Lại có lần mẹ tôi thấy địch treo đèn sáng ở một điểm trên đường đi, bà dẫn cả đoàn công khai đi qua chỗ đó, có người cảnh giác hỏi “cô định bán đứng chúng tôi đấy à?”. Bà nói, yên tâm theo tôi, chỗ tối kia là có địch phục đấy. Lại có lần đoàn bị lộ, phải trốn vào hang sâu, địch vây ở ngoài gần chục ngày mới rút quân…

Lần nguy hiểm nhất theo lời mẹ tôi là có một cán bộ bị địch bắt, bị tra tấn không chịu được khai ra bà. Địch không biết bà ở xã nào vì nhiều tên như Hoa, Hồng, Hiền… nhưng cũng dò về đúng xã gom nhiều phụ nữ ra trụ sở. Chúng tra hỏi mọi người, có biết ai là Hồng hay Hiền không? Bà con yêu quý quyết không khai ra nên mẹ tôi thoát. Có lần đang đi đường, thấy địch từ xa, bà lập tức bôi bẩn khuôn mặt mình, chúng thấy ngán ngẩm mà bỏ qua. Lần nguy hiểm thứ hai là địch bắt bà giam một ngày. Lúc ấy bà giả điên, giả điếc, địch không tìm hiểu được gì nên buộc phải tha.”

Tôi hỏi làm sao mà Nam nhớ được những câu chuyện lý thú ấy, Trần Văn Nam trả lời: “Vì tôi nhỏ nhất nhà, 4 chị lớn đi công tác xa, các bữa ăn là lúc mẹ tôi hay kể chuyện. Có những chuyện được bà kể đi kể lại hàng chục lần”. Nhiều hôm bố tôi trêu: “Bà lại kể chuyện ngày xưa rồi…”

Chúng tôi cũng tìm hiểu hồ sơ lý lịch của bà Hoa còn lưu lại CA Hải Phòng và cuốn “Lịch sử Công an thành phố Hải Phòng” có ghi: “Sau khi địch chiếm đóng thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An, hất lực lượng vũ trang của ta ra các tỉnh lân cận, thực dân Pháp và ngụy quyền mở các cuộc càn quét khốc liệt nhằm thực hiện kế hoạch bình định đồng bằng đánh phá triệt để các cơ sở kháng chiến trong vùng tạm chiếm. Tháng 5/1950, công an Hải phòng cùng các cơ quan Đảng, chính quyền các ngành, giới chuyển phần lớn lực lượng đầu não đến căn cứ Đèo Voi thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay) để bảo toàn lực lượng. Chặng đường từ đồng bằng Liên khu Ba lên căn cứ Đèo Voi thật gian nan, vất vả vì phải vượt qua nhiều làng mạc có bọn tề, phản động gian ác kiểm soát, tiếp đó là trèo đèo, lội suối vào sâu trong núi rừng Đông Triều. Nhưng nhờ có các đồng chí giao liên dũng cảm, mưu trí dẫn đường, vừa điều tra do thám địch, vừa mở đường đưa đón cán bộ di chuyển lên căn cứ đưa hầu hết hồ sơ tài liệu, tài sản cơ quan lên căn cứ và cả gia đình vợ con cán bộ đến nơi căn cứ an toàn…” (trang 150-151). Bà Hoa là giao thông viên đã tham gia dẫn cơ quan đầu não về Đông Triều. Sau này Hội cán bộ Công an ở Đèo Voi thường gặp mặt kỷ niệm gồm nhiều đồng chí lãnh đạo Công an Hải Phòng thuở gian khổ ấy như đồng chí Trần Đông, Nguyễn Xuân Ninh, Hoàng Xuân Lâm, Vũ Kính, Vũ Thị Hoa... ai cũng nể phục bà Hoa đã gan dạ, dũng cảm, vượt hiểm nguy, sẵn sàng chấp nhận hi sinh mình để bảo vệ cách mạng!

Chuyện đời cảm động của một nữ cán bộ điệp báo     - 1

5 người con đẻ của bà Vũ Thị Hoa, anh Trần Văn Nam, con út đứng thứ 2 từ phải sang. (Ảnh chụp năm 2011).

Son sắt, thủy chung giữa hai mặt trận

Từ năm 1950 đến năm 1953, bà Vũ Thị Hoa tiếp tục làm giao thông viên Công an Hải Phòng hoạt động ở địa bàn Thủy Nguyên và Gia Lộc, Hải Dương. Có những lần bà còn làm nhiệm vụ lên tận địa bàn Hà Nội và suýt bị mật thám Pháp bắt được. Do có nhiều thành tích trong công tác, tháng 10/1950 bà Vũ Thị Hoa vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Ở chiến trường xa, chồng bà, ông Trần Văn A cũng được kết nạp Đảng cùng năm này.

Theo anh Trần Văn Nam, bố mẹ anh yêu nhau cũng là chuyện khá hi hữa. Do những lần đưa cán bộ về hoạt động ở huyện Thủy Nguyên bà Hoa quen và yêu một chàng thanh niên tên là Trần văn A (sinh năm 1927), một người có vốn chữ nho, làm ở công nhân hỏa xa. Biết người yêu làm việc công khai ở vùng tạm chiếm, thế nào cũng có ngày bị thực dân Pháp bắt đi lính, bà Hoa giao hẹn: “Anh phải trốn đi bộ đội thì em mới lấy anh…”. Đúng hẹn chàng thanh niên Trần Văn A xung phong đi bộ đội thật. Bà Hoa xin phép tổ điệp báo về nhà mẹ chồng ở Thủy Nguyên tiếp tục hoạt động. Bà vừa lao động kiếm sống nuôi mẹ chồng, vừa nuôi các em chồng rồi nuôi các cháu, vừa tham gia hoạt động cách mạng. Nhiều đêm bà được Ban điệp báo giao đưa cán bộ bí mật vào nội thành rồi đón cán bộ từ nội thành ra chiến khu, khiến gia đình nhà chồng thắc mắc, nghi ngại. Cũng may, có một đồng chí cán bộ xã biết nên khuyên can gia đình. Bà Hoa lấy lý do phải bươn chải buôn bán, kiếm sống nuôi cả nhà phải đi đêm về hôm,nên gia đình hiểu ra.

Năm 1953, bà Vũ Thị Hoa nhận được là thư đầu tiên của chồng gửi về sau gần chục năm đi bộ đội. Ông bị thương trong một trận chiến đấu với quân Pháp ở mặt trận Hà Nam Ninh, vậy là bà xin phép tổ chức bí mật vào Thanh Hóa thăm chồng. Hồi đó, chỉ có 3 tỉnh Thanh-Nghệ Tĩnh là vùng tự do, còn các tỉnh lân cận đều bị thực dân Pháp chiếm đóng. Thân gái dặm trường, bà đã gan dạ một mình đi bộ từ Hải Phòng lên tỉnh Hòa Bình, vượt qua dốc Cun men đường rừng, mưu trí vượt qua nhiều vùng đất, vùng tề, đồn bốt địch để đến với người chồng yêu thương. Có lần đang đi qua một thôn xóm đã xẩm tối, có người dân biết bà từ xa đi qua nên mách rằng “cô ơi, cô đừng đi đường đó nguy hiểm lắm, bọn Pháp và bọn xấu nó hãm hại đấy”… Những người dân như thế đã giúp bà được bình yên trên đường đi. Năm 1954, bà trở lại Thanh Hóa thăm ông một lần nữa. Sau chuyến đi này, bà trở về sinh được người con gái cả tên là Trần Thị Bình, tên con gái với ý nghĩa là năm hòa bình đầu tiên ở miền Bắc.

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên phủ, anh thương binh Trần Văn A trở về sum họp một nhà. Thời điểm ấy, thật hiếm có một cặp vợ chồng như thế, cùng tham gia chiến đấu chống Pháp ở hai mặt trận xa cách, đợi chờ nhau cùng xây tổ ấm bồi đắp thêm một nếp nhà có truyền thống cách mạng!

Chuyện đời cảm động của một nữ cán bộ điệp báo     - 2

Năm 2015 bà Vũ Thị Hoa được tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

Giàu đức hi sinh, một lòng với nhiệm vụ

Hải Phòng được tiếp quản, năm 1954, bà Vũ Thị Hoa về làm trưởng ban, chủ nhiệm hợp tác xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên, năm 1962 bà chuyển công tác làm tổ trưởng công đoàn Xí nghiệp gạch ngói Quỳnh Cư, một xí nghiệp nổi tiếng của Hải Phòng. Lại những ngày tháng vất vả, khó khăn thời bao cấp, nhà đông người, ông bà đã gắng hết sức để nuôi dạy 4 người con gái và cả gia đình bên nội. Năm 1966, do yêu cầu nhiệm vụ bà Vũ Thị Hoa chuyển về công tác tại Đội bảo vệ kinh tế, Phòng 57, công an thành phố Hải Phòng. Tháng 11/1967 lại chuyển sang quản giáo trại tạm giam Kiến An (Gốc Thị), năm 1969 được phân công là Trưởng ban công tác nữ công, năm 1972 làm công tác chính sách B, C, K rồi liên tục công tác tại phòng tổ chức cán bộ CA thành phố đến khi nghỉ hưu (1986). Dù chuyển nhiều đơn vị, làm nhiều công việc khác nhau, nhưng bà đã cố gắng học tập nâng cao trình độ, học hỏi ở lãnh đạo và các đồng nghiệp trẻ, nên bất cứ việc gì, ở đâu bà cũng làm với tinh thần và hiệu quả công việc tốt nhất, được mọi người tin yêu.

Có lần ở trại tạm giam, thấy trời nóng bức quá, sức khỏe của những người vi phạm pháp luật là nữ dễ bị ốm, bà Hoa đề xuất lãnh đạo trại mở cửa cho họ ra ngoài một thời gian để hưởng gió trời, bớt nóng. Một đồng chí lãnh đạo băn khoăn, nhỡ họ lợi dụng thời cơ trốn thì sao? Bà Hoa khảng khái, “tôi sẽ dùng cái tâm để thuyết phục họ, nếu họ trốn tôi xin chịu trách nhiệm”. Tin bà, lãnh đạo trại tạm giam đồng ý. Bà vào phòng giam nói với cả phòng: “tôi đã xin bảo lãnh cho mọi người ra ngoài cho thoải mái một chút, đề nghị mọi người hứa với tôi là không được trốn, nếu trốn tôi sẽ bị kỷ luật”. Mọi người rất vui, “ơn của quản giáo chúng tôi nhớ, chúng tôi sẽ tự quản để không làm mất ơn của chị”, rồi họ tự chia ra từng nhóm 3 người, tự quản lý nhau, và đúng là không ai trốn thật. Sau này khi đã về hưu, trong một lần đi nghỉ dưỡng ở Đồ Sơn, vô tình bà Hoa gặp lại một cựu phạm nhân bán giải khát, người đó nhận ra bà, kéo tay mời vào quán uống nước, tíu tít kể lại câu chuyện trên thì người con trai Trần Văn Nam mới biết…

Khi được phân công phụ trách chính sách chăm sóc các gia đình có người thân công an chi viện cho chiến trường B,C,K; bao gia đình còn nhớ mãi hình ảnh bà Hoa với chiếc xe đạp cũ kỹ len lỏi khắp thành phố, lúc thì chuyển thư gửi về từ chiến trường, lúc thì chuyển lương của cán bộ cho gia đình, lúc chỉ là đến tận nhà thăm hỏi, động viên. Bà Vũ Thị Hoa hiểu hơn ai hết một cử chỉ nhân văn của bà và công an thành phố lúc này sẽ có sức động viên khích lệ lớn đối với người ở hậu phương và người ra tiến tuyến, vì thế bà đã làm việc tận tụy đầy yêu thương với tấm lòng như của người chị, người mẹ. Nhiều năm sau khi bà đã nghỉ hưu, nhiều gia đình vẫn kể những kỷ niệm về những lần được bà đến nhà với cử chỉ ân cần, ấm lòng ấy…

Những năm cuộc chiến phá hoại của đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc và Hải Phòng rất ác liệt, ông bà phải đưa các con lúc thì sơ tán về huyện Gia Lộc, Hải Dương gửi bà ngoại ở miền quê này, lúc thì về nhà người bác ở Thủy Nguyên ăn học. Ông bà Hoa tâm niệm, dù khó khăn, thiếu thốn như thế nào đi nữa, hai vợ chồng cũng phải nuôi con ăn học nên người. Bươn chải, vất vả nuôi con, nuôi sống gia đình chồng, chăm sóc mẹ chồng ốm nặng suốt gần 10 năm, nuôi em trai, rồi lại nuôi các cháu, bà lặng lẽ gồng gánh, đảm đang, hi sinh cho người thân, đối nhân xử thế nền nếp trong ngoài được mọi người nể trọng, mến phục! Ông bà đã nuôi dạy 5 người con trưởng thành, trong đó có 3 người con gái theo nghiệp bà trở thành những cán bộ công an tiêu biểu. Hai người con rể là những cán bộ cấp cao trong ngành công an. Bà giữ nếp nhà giản dị, tôn thờ đức hi sinh và lòng yêu thương. Các con cháu, dâu rể của bà khi ngẫm từ cuộc đời vất vả, đức chịu thương, chịu khó hi sinh của bố mẹ để noi gương bà, tự lập vươn lên phụng sự đất nước, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, gương mẫu trong cuộc sống.

Người con rể thứ hai của bà hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hải Phòng có lần tâm sự với chúng tôi: “Trong trái tim mình luôn coi cụ như mẹ đẻ và cụ cũng thế, coi mình như con trai. Mình khâm phục cụ về ý chí cách mạng, lòng dũng cảm, tấm lòng của một người cộng sản chân chính suốt đời chỉ biết hi sinh cho Đảng, cho đất nước, quê hương và người thân. Cuộc đời mình thường nghĩ về cụ, học tập tấm gương của cụ mà trưởng thành…”

Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Vũ Thị Hoa dù ở vị trí công tác nào, dù hoạt động bí mật thời chống Pháp hay trong chiến tranh chống Mỹ, làm nữ công, quản giáo hay chính sách cán bộ, đang làm việc hay nghỉ hưu, ở đâu bản chất người cộng sản ở bà vẫn ngời sáng. Bà rất vinh dự được tặng Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương kháng chiến hạng Ba và Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

Năm 1986, bà Trần Thi Hoa về nghỉ hưu với quân hàm đại úy. Hơn 10 năm bị bạo bệnh tai biến không thể đi lại được, nhưng đầu óc còn minh mẫn, trò chuyện với đồng đội cũ hay nghe tin qua truyền hình, bà vẫn lạc quan, vui với những thành tựu của quê hương Hải Phòng và đất nước, vẫn thăm hỏi, quan tâm đến mọi người, đồng nghiệp, người thân và con cháu. Ở tuổi 90, với 68 tuổi Đảng, bà thanh thản vĩnh biệt cõi trần vì biết mình đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng.

Theo anh Trần Văn Nam, bố mẹ anh yêu nhau cũng là chuyện khá hi hữa. Do những lần đưa cán bộ về hoạt động ở huyện Thủy Nguyên bà Hoa quen và yêu một chàng thanh niên tên là Trần văn A (sinh năm 1927), một người có vốn chữ nho, làm ở công nhân hỏa xa. Biết người yêu làm việc công khai ở vùng tạm chiếm, thế nào cũng có ngày bị thực dân Pháp bắt đi lính, bà Hoa giao hẹn: “Anh phải trốn đi bộ đội thì em mới lấy anh…”. Đúng hẹn chàng thanh niên Trần Văn A xung phong đi bộ đội thật. Bà Hoa xin phép tổ điệp báo về nhà mẹ chồng ở Thủy Nguyên tiếp tục hoạt động. Bà vừa lao động kiếm sống nuôi mẹ chồng, vừa nuôi các em chồng rồi nuôi các cháu, vừa tham gia hoạt động cách mạng. Nhiều đêm bà được Ban điệp báo giao đưa cán bộ bí mật vào nội thành rồi đón cán bộ từ nội thành ra chiến khu, khiến gia đình nhà chồng thắc mắc, nghi ngại. Cũng may, có một đồng chí cán bộ xã biết nên khuyên can gia đình. Bà Hoa lấy lý do phải bươn chải buôn bán, kiếm sống nuôi cả nhà phải đi đêm về hôm,nên gia đình hiểu ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện đời cảm động của một nữ cán bộ điệp báo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO