Chuyển đổi cơ sở giáo dục công lập: Cần thận trọng

Thu Hương 01/11/2017 07:50

Việc chuyển đổi từ mô hình công lập ra ngoài công lập đối với các cơ sở giáo dục mầm non là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển hệ thống các trường mầm non ngoài công lập.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, xóa bỏ tư duy được Nhà nước bao cấp 100% từ lâu đã được nhắc đến nhưng trên thực tiễn triển khai còn nhiều rào cản, mà rào cản lớn nhất bắt đầu từ chính tâm lý giáo viên…

Ảnh minh họa.

Tại hội thảo “Đánh giá 2 năm thực hiện Chỉ thị 09/CT-TTg, ngày 22/5/2015 về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất và phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập” do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức tại TP Huế, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã chỉ ra rằng việc phát triển các trường mầm non ngoài công lập thời gian qua đã có bước phát triển về quy mô và chất lượng, giảm áp lực lớn cho các trường công lập. Tuy nhiên, vẫn chưa theo kịp thực tiễn.

Nguyên nhân là việc xây dựng trường đòi hỏi phải có số vốn lớn nên các nhà đầu tư còn e ngại vì thời gian thu hồi vốn lâu. Việc đưa con em vào học tại các cơ sở ngoài công lập vẫn chưa được phụ huynh chú trọng.

Từ đó, Thứ trưởng Nghĩa đề nghị các địa phương quy hoạch phát triển trường lớp mầm non, xã hội hóa các chính sách giáo dục, cũng như ban hành các cơ chế để các nhà đầu tư thúc đẩy giáo dục mầm non ngoài công lập.

Các địa phương chia sẻ, sáng kiến, sáng tạo phát triển mô hình giáo dục mầm non ngoài công lập. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh thúc đẩy giáo dục mầm non.

Với chỉ đạo của Nghị định 19 đối với các cơ sở giáo dục mầm non và trung học phổ thông chuyển đổi từ mô hình công lập ra ngoài công lập có thể nói là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển hệ thống các trường mầm non ngoài công lập trên cơ sở từ các trường công lập đã có sẵn.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm- chủ tịch Hội đồng trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), chủ trương này ra đời là cần thiết và phù hợp trong nền kinh tế thị trường hiện nay, khi các cơ sở giáo dục đào tạo phải hết sức năng động sáng tạo và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng giáo dục, về kết quả đào tạo của nhà trường, dù là trường công lập hay ngoài công lập.

Quan điểm phải xóa bỏ tư duy được nhà nước bao cấp 100% từ lâu đã được nhắc đến nhưng trên thực tiễn triển khai còn nhiều rào cản, mà rào cản lớn nhất bắt đầu từ chính tâm lý giáo viên. Một trong những câu chuyện thể hiện rõ điều này chính là đề xuất bỏ biên chế giáo viên của vị tư lệnh ngành giáo dục cách đây không lâu khiến các thầy cô giáo đang công tác hết sức lo lắng.

Nỗi niềm này cũng là điều dễ hiểu khi lâu nay, người ta vẫn quen nghĩ nghề giáo là một nghề ổn định, khi đã vào được biên chế rồi là coi như chắc chân, không cần phải lo lắng gì nữa.

Mặc dù sau đó Chính phủ đã khẳng định lại là chưa có chủ trương bỏ biên chế giáo viên nhưng từ đó để thấy, để thay đổi suy nghĩ đã thành thói quen của một bộ phận giáo viên là không nhỏ.

Theo TS Lâm, khi chuyển đổi từ mô hình trường công lập ra ngoài công lập, các trường sẽ được tự chủ tài chính, có thể quyết định mức thu học phí phù hợp cũng như có chế độ đãi ngộ giáo viên theo đúng năng lực, trình độ.

Khi nhà trường có được môi trường sư phạm tốt, mức lương đủ thu hút giáo viên giỏi thì chắc chắn sẽ quy tụ được một đội ngũ giáo viên chất lượng cao, từ đó thu hút được học sinh theo học.

Trường chất lượng cao không phải ở chỗ có sàn gỗ, điều hòa... mà chất lượng cao là phải ở chất lượng cao của người thầy.

Những trường nào khẳng định được thương hiệu, được phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em theo học từ trước thì dù chuyển đổi ra ngoài công lập chứ không phải là trường công lập như trước thì cũng vẫn sẽ được phụ huynh tin tưởng.

Như vậy, cuối cùng vẫn bắt đầu từ việc nhà trường phải xây dựng được đội ngũ giáo viên thực sự có chất lượng, đảm bảo không chỉ chuyên môn, nghiệp vụ tốt mà còn là sự quan tâm, sát sao đến học sinh, thấu hiểu tâm tư của các em…

Đây là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của giáo dục – điều chúng ta đã đề cập đến lâu nay nhưng chưa thay đổi được bao nhiêu.

Lưu ý thêm, TS Lâm cho rằng, Nghị quyết 19 cũng nhấn mạnh là tạo điều kiện để chuyển đổi ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao, nghĩa là không bắt buộc tất cả các trường phải chuyển đổi.

Vì vậy, cần có sự rà soát, danh mục hóa các trường trong diện có thể chuyển đổi rồi tính toán thực hiện theo lộ trình phù hợp. Nếu làm được, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả rất tốt, đúng như tinh thần của Nghị quyết là hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi cơ sở giáo dục công lập: Cần thận trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO