Chuyển đổi trong chăn nuôi

Trần Duy Hưng 12/06/2019 09:00

Trong cơ cấu ngành chăn nuôi, con lợn chiếm tỷ trọng lớn về số lượng cũng như giá trị kinh tế. Chăn nuôi lợn lâu nay là sinh kế chính của nhiều hộ dân ở nông thôn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh người chăn nuôi liên tiếp phải lao đao vì con lợn bị dịch bệnh cách đây chưa lâu làm giá thịt lợn hơi xuống giá thảm hại. Hiện dịch đã kéo dài trên quy mô toàn quốc, thiệt hại cả về kinh tế và xã hội vô cùng lớn nên việc thực hiện chuyển đổi trong chăn nuôi là giải pháp rất cần được tính đến...

Chuyển đổi trong chăn nuôi

Trong bối cảnh nuôi lợn có nhiều rủi ro, hợp tác phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao được Hà Nội và Thái Bình tính đến.

Đầu tiên là cần thiết phải chuyển đổi từ mô hình, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình, phương thức chăn nuôi tập trung, hiện đại. Như đã thấy, trong đợt dịch tả lợn đang diễn ra, ở địa phương nào cũng vậy, dịch khởi phát và lây lan nhanh chóng ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình-nơi thường rất thiếu, rất yếu về các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Khi dịch bệnh xảy ra, việc các ổ dịch nằm rải rác ở nhiều hộ chăn nuôi trong cùng một địa bàn cũng gây rất nhiều khó khăn cho công tác khoanh vùng, dập dịch; nguồn lực dập dịch của các địa phương, cả về con người lẫn trang thiết bị, vật tư bị phân tán khiến hiệu quả dập dịch không cao, trở thành một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan, phát tán.

Ở chiều ngược lại, trong tâm “bão dịch” hiện nay, các cơ sở chăn nuôi tập trung, hiện đại với trình độ, kỹ thuật chăn nuôi vượt trội vẫn đang chống chọi khá tốt, không để bị dịch xâm nhập. Qua đấy có thể thấy việc phải chuyển đổi từ mô hình, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình, phương thức chăn nuôi tập trung, hiện đại là rất cần thiết. Tuy nhiên, như đã thấy, việc này không phải cứ muốn là được. Cụ thể, không một hộ đang chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ nào có thể chuyển ngay sang chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại được. Việc này cần rất nhiều điều kiện “cần và đủ”, từ trình độ chăn nuôi, năng lực quản lý đến đất đai, vốn đầu tư, khả năng kết nối với thị trường.

Ngoài nỗ lực của người chăn nuôi, rõ ràng để hình thành được một nền chăn nuôi tập trung, hiện đại; vừa đủ sức ngăn ngừa, chống chọi với dịch bệnh vừa có thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn; hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ...cần có sự thúc đẩy từ một hệ thống chính sách vừa đồng bộ, phù hợp vừa đủ mạnh. Tiếp theo là sự cần thiết phải chuyển đổi con vật nuôi trong cơ cấu vật nuôi, ở đây là bên cạnh con lợn, người chăn nuôi cần hướng đến những con vật nuôi khác, nhằm đảm bảo sự an toàn cho chính mình cũng như các lợi ích tổng thể về kinh tế, xã hội. Nhìn theo hướng này, việc mới đây lãnh đạo hai địa phương là Hà Nội và Thái Bình cùng có buổi làm việc chung với lãnh đạo Bộ NN&PTNT để bàn các giải pháp hợp tác, phát triển hoạt động chăn nuôi bò thịt chất lượng cao là động thái kịp thời, cần thiết trong bối cảnh hai địa phương cùng đang phải chịu những hậu quả nặng nề từ dịch tả lợn.

Theo đó, tại buổi làm việc, lãnh đạo Hà Nội cho hay hoạt động chăn nuôi trâu bò trên địa bàn thành phố phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra, nhu cầu tiêu thụ thịt bò của thủ đô rất lớn, ngày càng tăng; hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trâu bò khá cao. Trong khi đó, đại diện của Thái Bình cho rằng địa phương có tiềm năng, lợi thế là tỉnh đồng bằng, người dân có trình độ chăn nuôi cao, hạ tầng nông nghiệp tốt, thị trường tiêu thụ thịt bò tại chỗ cũng rất lớn, hoàn toàn có thể phát triển chăn nuôi bò chất lượng cao.

Thái Bình cũng đang triển khai Đề án “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình chuỗi liên kết”. Từ đó, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ NN&PTNT, Thành phố Hà Nội hỗ trợ hoàn thành Đề án, hoạch định cơ chế, chính sách và chuyển giao khoa học kỹ thuật; đề nghị Hà Nội kết nối, hợp tác, liên kết sản xuất. Bước đầu Hà Nội cung cấp cho Thái Bình các giống bò chất lượng cao, còn Thái Bình sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu, thức ăn cho ngành chăn nuôi của Hà Nội.

Sự hợp tác giữa Hà Nội và Thái Bình đương nhiên được Bộ NN&PTNT nhiệt thành ủng hộ; cam kết đồng hành. Trong đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khuyến cáo, trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề, các địa phương phải tính đến việc chuyển đổi sinh kế cho người chăn nuôi. Hà Nội và Thái Bình, với các lợi thế riêng cần tương hỗ nhau trong phát triển sản xuất bò thịt, bò giống, hình thành một ngành kinh tế, khai thác hiệu quả các giá trị từ phát triển, chăn nuôi bò; thiết lập được một hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, với sự tham gia trực tiếp của nông dân hoặc gián tiếp qua các hợp tác xã; hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăn nuôi lớn trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước. Việc hợp tác giữa Hà Nội và Thái Bình sau đó được cụ thể hóa ngay bằng việc Hà Nội tặng Thái Bình 100 con bò giống lai Sind, với mong muốn từ đây đàn bò sẽ sinh sôi, phát triển ở các làng quê Thái Bình...
Hành động trong những thời điểm cần thiết, bao giờ, ở đâu cũng cần!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi trong chăn nuôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO