Chuyện lạ: Đánh 'Phỏm'

14/09/2017 10:15

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Đại hội Thể thao các nước Đông Nam Á lần thứ 29 (SEA Games 29) sẽ điễn ra tại Malaixia, từ 19 đến 30/8/2017. Tại SEA Geams lần này sẽ có 38 môn thi đấu, ít hơn SEAGAMES lần thứ 26 tại Indonesia cách đây 6 năm. Tôi nhớ, lần ấy có tới 44 môn, suýt nữa là 45 môn nếu đánh bài (Bridge) trở thành một môn thể thao mới.

Lúc đầu, chủ nhà Isndonesia phải khá vất vả mới thuyết phục được 3 nước tham dự, trong đó có Việt Nam, để đủ điều kiện được phép đưa đánh bài (Bridge) vào thi đấu. Bài Bridge dành cho 4 người và có luật chơi khá giống với đánh “phỏm” của Việt Nam, dự kiến sẽ có tới 9 nội dung tranh huy chương… Nhưng đến phút cuối cùng đoàn Việt Nam đã quyết định rút lui nên đánh “phỏm” suýt trở thành một môn thể thao là vì thế!

Nhân chuyện này thử bàn một chút về chuyện bài bạc ở nước ta hiện nay xem sao.

Bạn tôi, nhà báo Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập tờ Tuần báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao có một bài viết về cờ bạc khá hay trên blog của ông ấy. Ông Nguyễn Vĩnh viết: “Dân mình mấy năm nay cờ bạc đến phát hãi. Thành thị, các tụ điểm, dân chơi sát phạt ghê người khỏi nói. Ngay nơi thôn xóm nghèo khó thôi, nhưng các thiêu thân đỏ đen cũng vẫn đầy rẫy tràn ngập mới đáng sợ. Nơi nơi đều thấy tự nhóm họp, chơi bài, đề đóm, cá độ không kể siết. Ngay mỗi khi nhà nào có việc (cưới hỏi, giỗ chạp, sinh nhật, khao bữa chén...) là cánh nghiện cờ bạc mượn dịp chơi công khai ở nhà “khổ” chủ…Giờ đông người đến thì thôi, lúc khuya khách về là sáng đèn thâu đêm sát phạt…

Nói về cờ bạc thì ở khắp nơi, chứ chẳng xứ ta. Bên Mỹ họ có hẳn thành phố cờ bạc Las Vegas thu hút người đến chơi và thăm thú từ khắp hoàn cầu, thu đô la khôn xiết kể. Tính ra các "chiếu" bạc có tổ chức được coi là cực lớn ở hành tinh mình cũng vượt trên các đầu ngón tay, thu hút cả triệu lượt người đến chơi bạc hằng năm. Còn cỡ trung bình, nho nhỏ thì có ở khắp nơi.... Về cơ bản nhìn chung các nước họ coi cờ bạc là một "thực tế" khó trừ diệt, khó cấm đoán.”

Ai cũng biết, đề tài cờ bạc đã tốn không ít giấy mực trên mặt báo từ hàng trăm năm nay và xuất hiện trên màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ qua hàng trăm, hàng ngàn bộ phim, nhất là các bộ phim hình sự, phim hành động của Mỹ và nhiều nước kể từ khi các phương tiện nghe nhìn ra đời. Đúng như trong bài của ông Nguyễn Vĩnh đã viết, cờ bạc có ở khắp nơi, chứ chẳng phải là thứ “đặc sản” hay là món độc quyền ở nước nào. Có thể thấy rõ hai thái độ đối lập nhau khi nhìn nhận và đánh giá về cờ bạc. Đó là công nhận nó, “coi cờ bạc là một "thực tế" khó trừ diệt, khó cấm đoán, sinh từ lòng tham cố hữu của con người tư hữu”, và ngược lại, phản đối nó, cấm đoán nó, coi nó là tệ nạn, thậm chí là “đại nạn”, “làm băng hoại đạo đức xã hội” như nhiều người nhận định.

Xuất phát từ thái độ nhìn nhận và đánh giá về cờ bạc như trên, các quốc gia đều có chính sách và phương thức quản lý tương ứng đối với cờ bạc. Có thể nói rằng hầu hết các nước trên thế giới đều thừa nhận cờ bạc là một thực tế của đời sống xã hội, chấp nhận nó, tổ chức và quản lý nó, không để nó phát triển bừa bãi. Nói một cách khác là đánh bạc có nơi, có chốn, không phải bạ đâu là ngồi đó đánh bạc. Cờ bạc trở thành một ngành kinh doanh hái ra tiền ở các nước, mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các nước thừa nhận cờ bạc đều có chính sách thuế đặc biệt, đánh rất cao đối với loại hình kinh doanh này. Nhiều người đã biết đến các trung tâm, thậm chí là thành phố đánh bạc lớn trên thế giới, như Las Vegas ở Mỹ, Macao (Trung Quốc), Singapore…, mỗi năm thu được hàng tỷ đô la tiền thuế.

Năm mươi năm trước, những con bạc ở Mỹ phải đi Atlantic City, New Jersey hay Nevada để tìm sòng bài. Ngày nay, 11 tiểu bang đã cho phép các cơ sở cờ bạc hoạt động, 6 tiểu bang có tàu di động hay tàu đậu tại bến làm sòng bài và 23 tiểu bang có những sòng bài do người da đỏ làm chủ. Tuy bài bạc phổ biến như thế, có cả một thành phố sòng bạc là Las Vegas nhưng theo thống kê mới nhất cho thấy, người Mỹ không phải là những tay ham trò đỏ đen nhất các châu lục. 10 nước và vùng lãnh thổ say sưa với cờ bạc hàng đầu thế giới lại là những ứng viên không ngờ tới. H2 Gambling Capital, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London đã xếp hạng 10 nước và vùng lãnh thổ được coi là những nơi ham mê cờ bạc nhất thế giới, theo thứ tự là: Australia, Singapore, Ireland, Canada, Phần Lan, Italy, Hong Kong (Trung Quốc), Na Uy, Hy Lạp, Tây Ban Nha.

Singapore mở sòng bạc đầu tiên cách đây chưa đến 10 năm nhưng nước này đã nhanh chóng trở thành trung tâm bài bạc lớn thứ ba thế giới sau Macao và Las Vegas. Và chỉ sau hai năm, Singapore đã “vươn lên” vị trí thứ hai, vượt qua cả Las Vegas của Mỹ. Frank Fahrenkopf, Chủ tịch Hiệp hội Cờ bạc Mỹ, cho biết doanh thu từ ngành công nghiệp cờ bạc của Singapore ước đạt 6,4 tỷ USD trong năm 2011, vượt Las Vegas với 5,8 tỷ USD năm 2010.

Ở Việt Nam có nên thừa nhận cờ bạc là một thực tế tồn tại hay không? Thật ra câu hỏi này không mới ở nước ta, ít nhất theo tôi biết, nó đã được đặt ra ở tầm lãnh đạo cấp cao từ mấy chục năm nay, nhất là từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới. Chúng ta đã thừa nhận có xổ số, hình thức đánh bạc rất phổ biến trên thế giới hiện nay. Không kể xổ số truyền thống có từ hàng chục năm nay mà gần đây còn có xổ số tự chọn của Vietlott mà người trúng độc đắc có thể nhận được hàng chục tỷ đồng. Thực tế xổ số truyền thống đã mang lại số thu hàng năm cho ngân sách nhà nước ở trung ương và các địa phương không nhỏ. Nước ta cũng đã cho mở casino ở Đồ Sơn, Hải Phòng và cho nhiều khách sạn 5 sao được nhập máy đánh bạc phục vụ khách nước ngoài. Tôi từng biết có dự án nước ngoài muốn đầu tư xây dựng một khu du lịch trong đó có khách sạn 5 sao và casino lớn ở Côn Đảo nhưng không được chấp nhận. Gần đây nhất, nghe tin một dự án đầu tư nước ngoài với số vốn hàng tỷ đô la để xây dựng khu du lịch quốc tế ở Phú Quốc, trong đó có cả sòng bạc quy mô lớn đã được chấp nhận.

Ngoài ra một số dự án đầu tư nước ngoài khác có tính chất cờ bạc cá độ, như trường đua ngựa ở thành phố Hồ Chí Minh, trường đua chó ở thành phố Vũng Tàu…cũng đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ gần 20 năm nay. Nghĩa là nhiều hình thức cờ bạc đã được công nhận ở nước ta. Song trên thực tế, nước ta vẫn cấm cờ bạc, coi cờ bạc là một tệ nạn xã hội, không thể chấp nhận được. Bộ Luật hình sự của nước ta có điều khoản cấm đánh bạc dưới mọi hình thức. Vì thế hàng ngày đọc báo vẫn thấy nhiều vụ đánh bạc bị bắt, nhiều người đánh bạc phải vào tù.

Để hạn chế việc đánh bạc “qua biên giới”, đưa tiền sang các nước vào casino đánh bạc hoặc đánh bạc theo đường dây cá độ chuyển tiền ra ngoài nước trên mạng internet, gần đây một số cơ quan và đơn vị đề xuất nhà nước cho phép tổ chức một vài hình thức cá cược, trong đó có cá cược bóng đá, song vẫn chưa được chấp nhận. Cùng với cờ bạc, mại dâm cũng bị cấm ở nước ta, mặc dù đã có nhiều ý kiến, nhiều cuộc thảo luận đặt vấn đề có nên thừa nhận nó trong thực tế đời sống xã hội hay không? Nhiều người, kể cả trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp và đại biểu Quốc hội trong khi đề cập đến vấn đề này đã thẳng thắn bày tỏ thái độ của mình là nên thừa nhận sự tồn tại của cờ bạc và mại dâm trong xã hội hiện nay để kiểm soát nó. Bởi vì thực tiễn cho thấy từ hàng chục năm nay không thể cấm cờ bạc và mại dâm được.

Cách đây vài năm, một tờ báo có khá nhiều độc giả đã mở một cuộc thảo luận về chủ đề này cho thấy có nhiều ý kiến đồng tình với cách nhìn nhận trên đây. Còn mới đây, tại cuộc Hội thảo về phát triển hạ tầng du lịch ở Việt Nam vào cuối tháng 4/2017, ông Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch thuộc Tổng cục Du lịch, nhận xét, ham mê cờ bạc nhất thế giới có người Việt, người Trung Quốc. Bằng chứng là sang Mỹ, Macao, Campuchia, thấy người Việt và người Trung Quốc có mặt ở các địa điểm casino rất nhiều. Chúng ta không cho người Việt vào casino ở Việt Nam thì họ lại vác tiền sang Campuchia, Macao… để đánh bạc. Giờ một vé máy bay trăm USD sang Singapore chơi bạc không là gì cả, chi phí vé ô tô qua biên giới Tây Ninh thì còn rẻ hơn nữa".

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhìn nhận, casino thuộc kinh tế dịch vụ tài chính. Trước đây casino đi từ thí điểm, đầu tiên có ở Đồ Sơn, rồi ở Móng Cái, hầu như đều cho người nước ngoài. Bây giờ, Chính phủ đã ban hành Nghị định để quản lý với những điều kiện để đầu tư. Nghĩa là đã có ít nhiều đổi mới trong tư duy của những nhà lãnh đạo và quản lý liên quan đến lĩnh vực xưa nay vẫn được coi là cấm kỵ này!

Tôi được nghe kể lại, cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng thành công trong việc thuyết phục người dân đảo quốc này, đa phần là người Hoa, bỏ tật xấu nhổ bậy để tạo hình ảnh đẹp trong mắt khách du lịch nước ngoài nhưng đã không thành công trong việc cấm cờ bạc và mại dâm ở đảo quốc Sư tử này. Thực tế hiện nay Singapore đã không còn coi cờ bạc và mại dâm là tệ nạn xã hội nữa mà thừa nhận nó, quản lý nó. Còn Indonesia, một nước có đông dân số theo đạo Hồi rất kỵ với cờ bạc mà, như trên đã nói, trong kỳ tổ chức SEA Games 26 lại có “sáng kiến” đưa môn đánh bài (Bridge) tựa như đánh “phỏm” của Việt Nam trở thành một môn thi đấu thể thao đủ chứng tỏ rằng cờ bạc phổ biến đến mức nào!

Việt Nam có nên thừa nhận nó và quản lý nó như nhiều nước trên thế giới đã làm hay không vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp!

Dương Đức Quảng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện lạ: Đánh 'Phỏm'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO