Chuyện làng quê sau Tết

Đơn Thương 05/02/2017 09:35

Quê tôi mạn ngược, miền biên ải, “mẹ tôi là nông dân còn tôi sinh ra ở nông thôn”. Tết đến, Xuân về tôi thường đưa gia đình về quê ăn Tết. Mỗi năm về rồi đi lúc nào quê và người quê cũng để trong tôi những nhớ thương đầy vấn vít. Và trong nỗi nhớ thương ngút ngàn ấy vẫn là cuộc sống khốn khó đeo đẳng họ trong những khắc giờ mà người có thu nhập, có điều kiện gọi là những ngày ăn và chơi này!

Sau Tết, thanh niên nam nữ lại nô nức xa quê đi tìm vận may nơi xứ người.

28 Tết, bà Thèn Thị Dỉ với cơ thể đau buốt đến mấy đêm không ngủ, đi như trong một trạng thái của người đắc đạo về thiền tìm sang nhà tôi. Đôi mắt trũng sâu, mệt mỏi của bà nhoèn nước của những đêm mất ngủ, thẽ thọt bà cho biết: Tết chưa có gì, đang đợi mấy đứa con đi làm thuê nơi phương xa về. Xem lương bổng và thưởng phạt đến đâu rồi mới tính Tết.

Trong xóm, nay đã trở thành 1 tổ của thị trấn nơi miền biên ải, trước ngày tôi chưa xuống phố, nhà bà Dỉ thuộc loại khá giả. Ngày ấy, người chưa nhiều, đất rừng chưa bị mất, nhà bà Dỉ còn nhiều lương rẫy. Do đất rộng, năm nghỉ năm dùng nên chất mùn và chất mầu còn lúa ngô không cần phân bón năm nào cũng cho thu đều đặn. Thế là có của ăn, của để.

Ruộng nương sản lượng cho thu cứ bù đắp nhau nên ngoài lương thực dùng hàng ngày bà còn có cái dư thừa để chăn nuôi. Gà, ngan… đầy sân, đầy ao nên nhà bà chả kém như bây giờ.

Thế mà cũng nhanh, nhoằng cái, người đông dần, đất không sinh ra nữa nên những phần nương rẫy của bà ngày chưa có lâm bạ, “sổ đỏ” bị chia phần. Diện tích ít, nương rẫy không được nghỉ, chất mầu không được tái tạo, lại không có tiền mua phân bón nên bông lúa, bắp ngô cứ vậy mà bé dần đi. Cây ngô trước còn to bằng bắp tay, nhoằng cái, chỉ vài năm, bé dần, và nay, mỗi cây, sau vụ trồng, chỉ cho một bắp cỡ quả trứng ngỗng.

Cái ăn cứ thế ít dần đi, 5 đứa con nhà bà, đến tuổi lẽ ra phải bù đắp cho bố mẹ khi bước vào tuổi đứng bóng xế chiều thì nay té dạt mỗi đứa một phương, mỗi đứa một nghề để kiếm tiền tự nuôi sống bản thân. Tết, thu nhập hẻo, chúng cũng ít dám về quê hơn.

Chiều 29 Tết, nhìn sang nhà bà Dỉ, cái bếp chộn rộn lửa củi ngày nào vẫn chỉ thấy một manh khói mỏng tang hiu hắt vươn lên. Tôi tìm sang nhà bà Dỉ, bà thẽ thọt, cái Min chiều tối nay mới về. Thấy nó bảo muốn về sớm nhưng hôm qua mới được nhận lương. Có lương mới có tiền vé xe để về lo Tết cho mẹ.
Chập tối 29, chó sủa nhích nhắc, nhà bà Dỉ lúc này mới có vẻ ồn ào. Tôi lại tìm sang, cái Min đã về. Gỡ túi đồ, nó lăn vào nấu bữa cơm gần áp năm cho mẹ.

Tết chưa qua, bên nồi bánh chưng cánh trẻ quê tôi đã lo toan
mưu sinh cho những ngày tiếp theo.

Vừa ăn, Min vừa cho biết, giờ nó trôi dạt xuống tận Quảng Ninh kiếm việc. Làm ở một công ty thủy sản, lương ca kíp nhưng cũng chỉ được hơn 4 triệu/tháng. 4 triệu, phần thuê nhà, phần ăn uống, mua sắm cho có tý bằng chúng bằng bạn nên tháng tiết kiệm cũng chả để ra được bao nhiêu.

Là đứa con gái về nhà duy nhất dịp Tết, sáng bảnh nó mò đi chợ. Gần trưa mới về, tay xách một mớ toàn túi bóng, trong đó đáng chú ý nhất là cái túi đựng cỡ 5 cân cả mỡ lẫn thịt. Nhà bà Dỉ ngày xưa dành ruộng cấy gạo nếp đủ dùng thì nay, lạ thay, đến nếp gói cho vài tay bánh cũng phải đi mua. 3 cân gạo, mấy lạng thịt và vài lạng đỗ là món quý nhất và đáng chú ý nhất cho 2 mẹ con nhà bà Dỉ đón Tết năm nay.

Vừa mân mê gói mấy cái bánh dài theo phong tục người Nùng, bà Dỉ vừa thẽ thọt: Cứ thế này thì chết anh ạ! Tôi tuổi xế chiều rồi, nay ở mai đi không lo lắm. Giờ lo nhất là bọn trẻ, cứ cái đà này, không biết chúng có nuôi sống được bản thân mình nữa hay không? Bà lại đưa đôi mắt mệt mỏi ra bậu cửa nhìn con bé Min. Nó đang ngồi tước lá gói bánh giúp mẹ, năm nay đã 24 rồi. Thấy mẹ tôi bảo, có yêu và đưa mấy đứa nơi xa về. Nhưng nhà nghèo và hoàn cảnh quá hay sao ấy mà không thấy đứa nào trở lại đặt lời để lấy nó làm vợ!

Mồng 4 Tết, thằng Phàn Xuân Cai hồng hộc xuống núi, chở theo con lợn bản để bán cho một nhà có điều kiện dưới thị trấn quay đãi bạn, đổi món sau cữ Tết tạt qua nhà. Hỏi sao Tết chả thấy đưa vợ con xuống núi, nó lại buồn, năm nay cái gì bán ra cũng rẻ nên người dân như nó chả có tiền đổ xăng mà xuống núi nữa.

Ngỡ tưởng người miền dưới, thịt lợn và gà năm nay tụt giá thảm hại ngày cuối năm hóa ra những người chăn nuôi của bản, được mệnh danh là sạch cũng hứng chịu sự xuống giá này. Nó bảo lợn đen năm nay trên này xuống còn có 60 nghìn/kg. Giá tụt quá, cả năm mới nuôi được con lợn theo kiểu truyền thống nên không dám bán. Đành xúi xó, để sau Tết nếu giá nhích lên, bán được mới… ăn Tết sau!

Ngay như con lợn hôm nay nó vượt núi, xé rừng xuống phố bán cho người ta cũng vậy thôi. Nó bảo năm ngoái được một đàn 8 con, mẹ và em nó hì hụi chặt chuối nấu cám cho ăn. Ngày 3 bữa, đúng 12 tháng 13 ngày mới được 28 kg. Giá rẻ, không muốn bán nhưng tuần sau đứa con lớn đi học nên nó đành “gạt nước mắt” đem xuống để cho nhà giầu.

Xuống, họ lại đổ cho ăn no nên trừ phéng mất 2 kg thành ra con lợn chỉ còn 26 kg. Nghĩ cũng xót, nhưng cần tiền với lại mất công chở về, sợ lợn hao nên nó đành chấp nhận. Con lợn của đàn lợn 8 con ấy, sau 12 tháng 13 ngày, bù đi sớt lại nó chỉ đút vào túi về cho vợ con gần 2 triệu bạc.

Nghe chuyện tôi dãi bày về bà Dỉ, thằng Cai, mẹ tôi lại buồn. Bà bảo, chả biết ở đâu họ khấm họ khá chứ nông dân trên mình, nhất là nông dân trên núi giờ đâu cũng thế. Nhà mình có tý lương có tý việc còn đỡ chứ họ chỉ trông vào mỗi mấy con mấy cây. Giờ nuôi được, trồng được giá lại thấp.

Thịt lợn hơi xuống giá, đến gà đồi gà núi cũng xuống giá. Vợ tôi về quê, đi chợ Tết, chả còn khen chợ đông và nhiều cô gái dân tộc ăn mặc đẹp nữa mà chỉ kêu trời vì giá rẻ. Gà núi, nuôi thả rông cả năm, tự đi tìm thức ăn, chân cơ cứng nhắc, mào đỏ như hoa chuối rừng, Tết năm nay cũng chỉ bán đâu được có 80 nghìn/kg.

Tết, tôi tìm vào Trung Thành, nơi gần 20 năm về trước được coi là trù phú nhất vì miền đất này có trái cây đặc sản là cam. Nhưng nay tìm vào, sự trù phú đã phôi phai. Rừng bị đốn, mấy con suối trong xanh thơ mộng dạo nào nay đặc quánh bùn và cạn kiệt dòng chảy do các công ty khai thác khoáng sản tìm vào. Làm tắt, làm chui, làm lấy được và do quản lý lỏng nên suối chết, cá chết, trâu bò cũng không dám uống nước nữa.

Năm nay Trung Thành được mùa cam nhưng dân mặt lại chả vui. Hỏi, họ bảo trái cây đặc sản này mấy năm nay xuống giá và năm nay thì giá tụt đến mức thảm hại, hết cả vui. Đầu mùa, cam bắt đầu được thu, giá còn trên 10 nghìn/kg. Sau xuống tiếp và đến ngày cận kề Tết giá hàng chọn, hàng tuyển chỉ còn 8 nghìn/kg, còn cắt xô không kén chọn thì giá đổ đồng chỉ khoảng 5 – 6 nghìn/kg. Với giá ấy, người dân trồng cam vùng này cho biết chỉ bù được công cắt, công vận chuyển chứ chưa dám tính tiền phân gio, chăm sóc.

Mồng 4 Tết, các ngã ba như Vạt, Tân Quang lại tấp nập người và đồ đạc. Dân quê tôi, nam nữ thanh niên lại lên đường, xa quê. Nơi họ tìm đến là những xưởng may, chỗ làm thuê trên khắp các dặm dài đất nước. Và 365 ngày nữa, vòng quay Xuân, Tết lại đến, không biết trong họ sẽ có bao nhiêu người trở về quê sum vầy. Bởi tất cả hy vọng của họ đều trông chờ vào giá áo túi cơm nơi thiên hạ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện làng quê sau Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO