Chuyên nghiệp hóa các sự kiện nghệ thuật

Minh Quân 01/11/2019 08:00

Ngày 31/10, tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam”.

Chuyên nghiệp hóa các sự kiện nghệ thuật

Địa điểm cố định là yếu tố quan trọng để xây dựng một lễ hội âm nhạc quốc tế có uy tín.

Tính liên kết chưa cao

Tại Hội thảo các đại biểu đã cùng thảo luận về toàn cảnh hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam cũng như các chính sách của Việt Nam đối với các hoạt động tổ chức sự kiện nghệ thuật. Sau phiên toàn thể, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu về 4 chủ đề gồm tác động của các dự án nghệ thuật; quản lý các dự án nghệ thuật; tầm quan trọng của thương hiệu sự kiện; nghệ sĩ và các vấn đề liên quan.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Thực tế cho thấy ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam hiện nay tính liên kết còn chưa cao, dẫn đến việc công chúng chưa mấy mặn mà với một số sản phẩm văn hóa của nước nhà. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp của các chương trình văn hóa nghệ thuật để tạo được niềm tin và sự quan tâm của công chúng. Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu cho các nghệ sĩ, các sự kiện, các công ty tổ chức sự kiện và các điểm đến văn hóa. Cũng theo ông Sơn, sự sáng tạo cần có thị trường, vậy nên phải có những quy định cụ thể và rõ ràng đảm bảo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tránh việc vi phạm bản quyền. Hiện nay, Luật bản quyền của Việt Nam được đánh giá là tương đối đầy đủ và tiên tiến nhưng khi áp dụng trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, đây cũng là vấn đề chúng ta cần lưu tâm.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn dẫn chứng việc Hà Nội vừa được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo” và minh chứng cho hướng đi sáng tạo Hà Nội là thông qua hình ảnh cầu Nhật Tân, Bảo tàng Hà Nội, Festival âm nhạc Gió mùa... Nhờ chính những yếu tố văn hóa – nghệ thuật, sáng tạo này, chúng ta sẽ hình thành nên một sự phát triển mới của Thủ đô. Bởi trong hồ sơ đăng ký, Hà Nội có chương trình hành động như xây dựng các trung tâm sáng tạo trong Hà Nội, xây dựng thành phố thông minh, chương trình nghệ thuật tạo dựng thương hiệu cho Hà Nội (như Liên hoan phim Hà Nội), các quỹ, hoạt động tôn vinh sáng tạo...

Đặc biệt, hội thảo cũng đã tập trung nghiên cứu điển hình Liên hoan Âm nhạc Gió mùa. Đây là một liên hoan âm nhạc thành công nhất từ trước đến nay tại Việt Nam với tính chuyên nghiệp và chất lượng chuyên môn cao, tạo được uy tín cao trong nước và quốc tế.

Sức hút của lễ hội âm nhạc

Chia sẻ về sự kiện, nhạc sĩ Quốc Trung- Tổng đạo diễn chương trình cho biết, đang làm tất cả những gì tốt nhất để đưa Liên hoan trở thành một thương hiệu âm nhạc nổi tiếng thế giới của Hà Nội. Nhạc sĩ cũng bày tỏ sau khi biết chương trình không được tiếp tục tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long, ông và ekip đã đi tìm địa điểm thay thế nhưng không có địa điểm nào phù hợp. Chính vì vậy một lần nữa êkíp đã làm dự án thuyết phục UBND TP Hà Nội, rất may Thành phố đã đồng ý. Chính giấy phép này giúp ekip chương trình chủ động đặt lịch các nghệ sĩ nước ngoài cho vài năm tới. Giấc mơ về một lễ hội âm nhạc dành cho cộng đồng mang tiêu chuẩn quốc tế vẫn không ngừng lớn lên sau 5 năm nỗ lực và cống hiến của ekip sản xuất. Việc được cấp phép tiếp tục biểu diễn tại Hoàng thành Thăng Long đến năm 2022 sẽ viết tiếp một câu chuyện khác, câu chuyện của một thế hệ người Hà Nội sáng tạo và yêu văn hóa nghệ thuật.

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng khẳng định thêm, ekip không chạy theo thị hiếu khán giả mà sẽ giới thiệu những gương mặt nghệ sĩ trẻ và tài năng trong nước và thế giới. Nhiều người nghĩ một chương trình ca nhạc yếu tố chủ yếu phụ thuộc vào các ngôi sao nhưng Festival âm nhạc thì không chỉ có ngôi sao mà nhiều nghệ sĩ trẻ có thể làm nên một bữa tiệc đa sắc màu. “Có ý kiến thắc mắc vì sao lễ hội Gió mùa năm nay không có nghệ sĩ được giải Grammy hay ngôi sao quốc tế tham gia, nhưng nghĩ chúng ta từng bước xây dựng nền âm nhạc Việt Nam thông qua từng Festival phù hợp với điều kiện. Với ngôi sao hàng đầu thế giới kể cả chúng ta đáp ứng thỏa thuận về tiền bạc đi chăng nữa thì không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng đến một Festival nếu chưa có uy tín cũng như kinh nghiệm tổ chức biểu diễn. Điều quan trọng chúng ta chưa phải là thị trường đủ mạnh như các nước khác trong khu vực để mời các ngôi sao hàng đầu thế giới tới Việt Nam bởi điều đơn giản nhất là họ cần tối thiểu 30, 40 ngàn khán giả đến xem họ mới biểu diễn. Nền công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam đáng tiếc là chưa có địa điểm nào có sức chứa đáp ứng yêu cầu như trên”- nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.

Bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cũng nhìn nhận sức hút mạnh mẽ của lễ hội âm nhạc và cho biết, các cơ quan quản lý văn hóa đang lên kế hoạch xây dựng Gió mùa trở thành một thương hiệu văn hóa để góp phần xây dựng, quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội. Cũng theo bà Hòa, những năm gần đây, các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn, nhỏ diễn ra trên khắp cả nước đã tạo ra một không khí sáng tạo sôi nổi. Điều đó đòi hỏi tính chuyên nghiệp ngày càng cao trong công tác tổ chức sản xuất, từ khâu lập kế hoạch, quảng bá, gây quỹ cho đến việc phát hiện và nuôi dưỡng các tài năng nghệ thuật. Những chương trình như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa không chỉ thể hiện sự hội nhập quốc tế mà còn tạo ra những xu hướng và định hướng thẩm mỹ cho giới trẻ, truyền tải tới công chúng những thông điệp mang giá trị nhân văn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên nghiệp hóa các sự kiện nghệ thuật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO