Chuyện thường ngày của cán bộ Mặt trận

Thành Luân 31/08/2016 05:05

Có dịp gặp và trò chuyện với những cán bộ Mặt trận, cả đương chức lẫn đang nghỉ hưu ở cơ sở, chúng tôi không khỏi xúc động khi trong họ luôn tràn đầy nhiệt huyết với công việc, xứng đáng là đại biểu của nhân dân.

Ông Đặng Đình Sớm.

Dù đã nghỉ hưu được mấy năm thế nhưng gặp chúng tôi, cựu cán bộ Mặt trận, ông Nguyễn Khắc Bá (Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vẫn thổ lộ nhiều tâm tư, trăn trở về công tác Mặt trận và Hội đồng nhân dân (HĐND) ở cơ sở.

Ông Bá từng kinh qua cả hai công tác này nên ông hiểu rất rõ việc một cán bộ Mặt trận muốn “gần dân, tin dân, hiểu dân” thì phải làm thế nào. “Trước đây, khi lần đầu xuống tiếp dân ở cơ sở để nắm bắt tâm tư của họ, chúng tôi đã gặp bao tình huống dở khóc dở cười, mà nếu không có bản lĩnh chắc chắn sẽ mất điểm trước dân”.

Ông Bá kể, khi còn làm công tác Mặt trận, có lần xuống dân tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại một xóm đạo có đông đồng bào Công giáo sinh sống. Để gần gũi quần chúng, ông đã thức bao đêm để tìm hiểu về thói quen sinh hoạt, cùng các tập quán, tín ngưỡng của khu dân cư này. Kể cả đến những phép chào hỏi xã giao, thưa chuyện cũng phải khéo léo, chân tình.

Thế là, kể từ lần đầu tiên đi cơ sở ấy về sau, người dân xóm đạo đặt cho ông Bá biệt danh trìu mến là “Ông Đội”. “Ấy là bởi vì chúng tôi là thế hệ những bộ đội từ trong chiến trường ra, sau giải phóng còn sức, tiếp tục cống hiến trong công tác Mặt trận, HĐND nên được nhiều người dân tin tưởng, quý mến. Họ đặt cho chúng tôi biệt danh “Ông Đội” cũng là từ ý tứ đó mà ra”- ông Bá tươi cười cho biết.

Cho đến hôm nay, đã nghỉ hưu theo chế độ, thế nhưng ông Bá vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ Đảng tại địa phương đều đặn. Thời gian rảnh rỗi, ông vẫn dành thời gian đến thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của hàng xóm, láng giềng. Ông bảo, đó là cách mà một cán bộ Mặt trận đã về nghỉ hưu như ông tiếp tục cống hiến. Và, từ đó ông có thể tiếp tục có những góp ý, đóng góp ý kiến cho chi bộ, chính quyền địa phương mình đăng ký sinh hoạt.

Lần khác, chúng tôi có dịp về ấp 6, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), được gặp và tiếp xúc với Trưởng ban Công tác Mặt trận của ấp là ông Đặng Đình Sớm. Ở địa phương, ông Sớm được người dân ngợi khen về việc ông đề xuất mô hình “Tiếng kẻng an ninh” và cho tổ chức, triển khai rất hiệu quả ở ấp này.

Ông Sớm kể, làm cán bộ Mặt trận thường xuyên phải xuống dân, nói chuyện với dân để hiểu dân và được dân tin tưởng. Có vậy mới làm tốt được công tác tuyên truyền, vận động khi Đảng, chính quyền giao phó. Ông kể kỷ niệm đêm hôm lọ mọ đi gõ cửa từng nhà dân để vận động đóng góp làm đường.

Người dân có gì cho đó, của ít lòng nhiều nhưng đa số tin tưởng khi góp công, góp của cho Mặt trận. Lần đó, ông xin được 80 bao xi măng và Ban Công tác Mặt trận ấp 6 đã xây dựng thành công công trình đường giao thông lớn của ấp chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

Gần 60 tuổi đời, trải qua 11 năm làm công tác Mặt trận, ông Sớm say sưa kể chúng tôi về mô hình “Tiếng kẻng an ninh” mà ông và các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận của Ấp ấp ủ thực hiện. Mô hình được phát động từ năm 2011 và dần dần người dân quen với tiếng kẻng, còn kẻ cướp thì sợ khiếp vía.

Nói đoạn, ông Sớm rôm rả kể: “Chả nói đâu xa, mới hôm bữa người dân bắt một vụ đột nhập giữa ban ngày. Kẻ trộm sợ tiếng kẻng ban đêm bị vây bắt, nay chuyển sang ban ngày tưởng ngon ăn. Nào ngờ, vừa ôm được cặp tivi, máy tính, chưa bước ra được đến cửa đã bị người dân phát hiện hô hoán kéo vô bắt quả tang, trói tay giao cho công an xã”.

Cũng theo ông Sớm, hầu hết các vụ trộm cướp xảy ra từ năm 2011 ở địa phương cho đến nay đều bị người dân phát hiện, vây bắt kịp thời để giao cho công an xã xử lý. Có vụ vào cuối năm ngoái, khi một đối tượng chạy thoát ra được đến khu vực xã Tân Phước nhưng liền ngay sau đó đã bị người dân chặn bắt giao cho cơ quan công an. Trong hơn 4 năm triển khai mô hình, đến nay Ấp 6 đã không còn nạn trộm cắp, còn được tiếng lành đồn xa ở khắp huyện Tân Thành.

Với công việc “vác tù và” cho xóm/ấp, dù mức trợ cấp cho người cán bộ Mặt trận còn khiêm tốn (khoảng 1,1 triệu đồng/tháng), thế nhưng với ông Sớm thì niềm vui lớn nhất là được người dân yêu mến, kính trọng. Trong những năm làm công tác Mặt trận, ông đã được Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận xã nhiều lần tặng bằng khen, giấy khen và nhiều lần giới thiệu tấm gương cán bộ mặt trận tiêu biểu cấp tỉnh.

Hai câu chuyện, hai cách làm khác nhau của mỗi tấm gương cán bộ Mặt trận giản dị ở cơ sở, thế nhưng cho chúng ta nhiều bài học suy ngẫm. Trong đó, thấm thía nhất là bài học về gần dân, trọng dân, tin dân, yêu dân. Từ đó, Ban Công tác Mặt trận ở cơ sơ đề xuất, tham mưu kịp thời cho Đảng và Nhà nước để các chủ trương, chính sách ngày càng gần gũi hơn với cuộc sống thường nhật của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện thường ngày của cán bộ Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO