Chuyện tình Việt – Hung: Cha truyền con nối

Phạm Quỳnh Anh 23/08/2018 19:05

Tố Trang là bạn học cấp 1 của tôi ở Hà Nội, nhưng mấy chục năm không gặp nhau. Tình cờ trong Hội khóa 40 năm Lưu học sinh Nga 78-84, tôi thấy cô đi cùng ông chồng Tây hiền lành. Chúng tôi tay bắt mặt mừng rồi cùng cả đoàn nhao ra đảo Điệp Sơn, Nha Trang. Tôi tò mò nhìn anh Tây lụi hụi chụp ảnh, “đứng sát vào mấy bạn, chụp mới đẹp”, nói sõi tiếng Việt. Lúc lội bộ giữa biển Điệp Sơn, tôi bám lấy Trang và phát hiện ra chồng Trang là người Hungary, mà chuyện của bố mẹ chồng Trang cũng là chuyện tình

Chuyện tình Việt – Hung: Cha truyền con nối

Ông Nguyễn Văn Phúc (ngoài cùng bên trái) và bà Kmetz Julianna (váy trắng bên phải) chụp năm 1957 cùng Cụ Hồ.

Thế là suốt những ngày Hội khóa, tôi bám chặt lấy vợ chồng bạn để nghe được một câu chuyện cảm động.

Trang kể: Tớ học dự bị tiếng Nga ở trường Cầu đường Moskva, nơi anh ấy học. Tớ hay tham gia Hội đồng hương Việt Nam, thấy anh Bêlo nói tiếng Việt làu làu, suy nghĩ giống người Việt, thấy gần gũi dễ mến và đẹp trai nữa, hợp nhau là yêu thôi. Cũng có ý kiến nọ kia, thời ấy nghĩ chưa thoáng, nhưng yêu thật nên mình chẳng ngại.

Còn Bêlo im lặng một lát rồi rủ rỉ: “Con gái thường thích lấy người chồng giống bố mình, con trai thì thích lấy người vợ giống mẹ mình. Trang có nhiều nét giống mẹ Bêlo. Thời bao cấp ở Việt Nam, thiếu thốn đủ điều, mà mẹ- một cô gái châu Âu- không bao giờ than phiền, mẹ muốn cho anh em mình lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc…”.

“Bố Bêlo tên thật là Đặng Sung Dinh, sinh năm 1925 ở Nam Đàn, Nghệ An. Đi hoạt động Việt Minh từ lúc còn nhỏ tuổi, bí danh là Nguyễn Văn Phúc.

Ông Nguyễn Văn Phúc bị giặc bắt ở Campuchia, suýt bị bắn chết. Sau này bị mất liên lạc với Việt Minh, ông Phúc phải đi làm thuê cho một cửa hàng của ông chủ Pháp, rồi bị thương và lưu lạc sang Pháp. Ở Pháp, ông tham gia phong trào thanh niên cộng sản và được Hội Việt kiều đề cử tham dự Đại hội liên hoan thanh niên sinh viên thế giới ở Budapest năm 1949. Sau Đại hội, theo lời khuyên của Đoàn Việt Nam và nhận lời mời của nước bạn Hungary, ông Phúc ở lại học trường bổ túc rồi lên Đại học Bách khoa Budapest. Sau này, gặp cô gái Hung xinh đẹp có đôi mắt chính trực là Kmetz Julianna, chàng trai của miền quê nắng gió mãnh liệt xứ Nghệ đã đem lòng yêu cô. Bà Julianna ngày ấy là một cô gái năng động, hiểu biết rộng và đầy thiện cảm với mảnh đất Việt Nam kiên cường. Họ cưới nhau, sinh con trai đầu lòng giống hệt mẹ, nhưng lại lấy tên thuần Việt là Nguyễn Đặng Liên.

“Bố Phúc rất yêu quê hương, nên đề nghị với ông bà ngoại và mẹ Julianna cho đặt tên Việt cho anh trai cả. Rồi nghe theo lời Cụ Hồ kêu gọi các trí thức Việt Nam về xây dựng quê hương, cuối những năm 50 của thế kỷ trước, bố đưa cả nhà về Hải Phòng sống và làm việc. Bố Phúc là cùng thời với những trí thức yêu nước như Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Sau khi bố mất, gia đình tìm thấy bức thư của bác Nghĩa gửi cho bố từ Moskva, năm 1953. Thư đã mờ, trong đó bác Nghĩa kể chuyện đi chữa bệnh cùng với bác Xuân Thủy và có nhắc tới Anh Cả - hình như là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Kết quả chuyến hồi hương của kỹ sư Nguyễn Văn Phúc và gia đình là sự ra đời của cậu bé Nguyễn Đặng Bêlo vào năm 1960 ở Hải Phòng. Bêlo sống ở Việt Nam 12 năm. Bảo sao cả hai anh em Bêlo giỏi tiếng Việt và anh Liên đã nhiều năm đi phiên dịch cho các đoàn cấp cao của Chính phủ hai nước.

Ở một nhà máy gần cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa có một cái quạt công nghiệp bị hỏng, không ai chữa được. Bố về sửa là quạt chạy ro ro, thế là có cái tên “Kỹ sư quạt”! Ngay gần đó, bây giờ là trụ sở Công ty Vietavis do anh Liên làm Giám đốc. Đây là Công ty Liên doanh Việt – Hung, đầu tư công nghệ nuôi và chế biến gà theo tiêu chuẩn châu Âu, để xuất sang thị trường này.

“Năm 1966-1968, nhà Bêlo sơ tán gần sân bay Cát Bi. Nông dân vùng này chỉ thích trồng sắn và chuối cho đỡ phải chăm sóc, đất bỏ hoang nhiều. “Bà Tây” hay “mẹ Jutka” (bà con ở đấy đều gọi mẹ Bêlo như vậy) lăn ra mượn vườn hoang, cải tạo đất, trồng hoa, trồng su hào to bằng cái bát canh… Mẹ đi xe đạp về thành phố, mua lại thực phẩm viện trợ gần hết hạn mà người dân không quen dùng, như hạt bo bo, bột mì…, đem về nuôi gà, nuôi lợn, nuôi thỏ... Cuối tuần lúc rỗi, mẹ lại nướng bánh chia cho trẻ con hàng xóm. Nhà Bêlo ở nhờ trở thành câu lạc bộ, mọi người cái gì cũng đến hỏi “bà Tây” và đua nhau trồng rau theo bà”.

- Anh Belo nói Trang giống mẹ anh, giống như thế nào ạ?

- Trang tần tảo giống mẹ Jutka. Năm 1985 học xong ở Matxcova, bọn mình xin về Việt Nam không được. Xin về Hung thì phải nộp trả tiền ăn học 6 năm của Trang cho Nhà nước, những sáu nghìn rúp đấy.

- Ngày ấy sinh viên mình, ai có 1000 rúp là giàu lắm, mà cả hai vợ chồng Trang chỉ có dăm trăm nộp sứ quán, còn lại xin trả nợ dần– Trang ngồi im nhường lời cho chồng, giờ mới đế vào.

- Về Hung, Trang lăn ra học tiếng, rồi hai vợ chồng đi làm, lương tháng cũng khá, nhưng phần lớn dành dụm để trả nợ. Chi phí sinh hoạt chủ yếu trông vào nghề đan áo, đan khăn của Trang. Đi làm về cơm nước xong là đan, ngày nghỉ cũng đan, thế mà mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 3000 forint đấy. Sau này về Việt Nam sống, bố mất, vợ chồng mình nhận nuôi và chu cấp cho hai đứa em cùng cha khác mẹ, Trang cũng hết lòng gánh vác cùng Bêlo.

- Sao anh Belo lại chỉ ở Việt Nam có 12 năm và sao bố anh lại lấy vợ khác?

- Chuyện dài lắm, cũng là do hoàn cảnh lịch sử. Năm 1972, chiến tranh B52, gia đình Belo được Bộ Ngoại giao Hung đưa về nước, nhưng bố thì ở lại để tiếp tục xây dựng quê hương. Sau chiến tranh, anh em Bêlo đang học hành ở một môi trường rất tốt, nên mẹ vì các con, không sang lại Việt Nam. Bố thì vẫn phải ở lại, nên bố mẹ đành chia tay và bố đi bước nữa. Mẹ vẫn ở vậy, dù rất buồn, nhưng sau này mẹ đã thông cảm cho bố. Năm 1982 khi dì kế mất, mẹ khuyên hai anh em Bêlo giúp bố, mua thuốc gửi về Việt Nam cho các em con dì. Không có điều kiện mua quần áo mới, mẹ đi xin họ hàng quần áo, váy vóc trẻ con, giặt ủ thơm lừng gửi về. Ngày ấy, các em của Bêlo rất tự hào là được mặc đẹp nhất khu phố.

Sau này Trang kể cho tôi, có lúc hai vợ chồng Trang cũng căng thẳng với nhau lắm. Đó là thời điểm năm 1994, sau khi Liên Xô cũ và Đông Âu tan rã, việc làm ăn của anh Bêlo vẫn chạy, vẫn có lời nhưng tình hình lúc đó phức tạp hơn. Tuy thế, rõ ràng điều kiện sống ở châu Âu vẫn tốt hơn ở ta thời ấy. Vậy mà anh nhất quyết về Việt Nam để gây dựng cơ nghiệp, và cũng để nuôi mấy đứa em con dì, vì bố Phúc đã mất. Theo Bêlo, điều quan trọng là nuôi dưỡng, giáo dục các em, chứ không chỉ đơn giản là gửi tiền về nuôi. Các em giờ đã trưởng thành và định cư ở Đức, chúng nó coi mẹ Jutka như mẹ đẻ và biết ơn hai anh trai lắm. Giờ đã êm đẹp cả, chứ cô em lớn cá tính hồi còn đi học đã có lần bỏ học về quê vì buồn chuyện tình đầu. Hồi ấy Trang sợ xanh mắt mèo! Nuôi con đẻ ở cái tuổi dở dở ương ương ấy còn khó, nữa lại là nuôi em chồng, mà lại là em con dì kế. Không chu đáo là mang tiếng chết! May mà thời ấy, cả mẹ chồng Jutka và mẹ đẻ của Trang đều động viên giúp đỡ hai vợ chồng cô.

Về TP Hồ Chí Minh, lúc đầu Bêlo làm cho Công ty xuất nhập khẩu hàng mỹ nghệ của anh Liên, sau hai vợ chồng mở Công ty Mekong Biotech, chuyên tư vấn, chuyển giao kỹ thuật và cung cấp sản phẩm sinh học sạch cho nông nghiệp. Công ty nhỏ thôi, lãi từ việc giới thiệu, cung ứng sản phẩm sạch không nhiều, vì giá của chúng rõ ràng là đắt hơn sản phẩm phổ thông, ít người dùng hơn. Nhiều khi phải bắt đầu giới thiệu cho mấy ông giáo sư, tiến sĩ có trang trại dùng thử, rồi từ mô hình nhỏ thành công, mới lan ra bà con nông dân. Nhưng Bêlo rất yêu thích công việc của mình, vì thấy nó có ích. Và sau hơn 20 năm làm việc tại Việt Nam, cô bạn Tố Trang đã thấy là chồng mình có lý. Cô mừng là lúc “cơm sôi, mình đã bớt lửa” theo ông chồng Hung gốc Nghệ về sinh sống ở quê nhà. Hai đứa con cô học trường quốc tế ở Việt Nam, bây giờ một đứa ở Bỉ, một đứa làm việc ở Hung và đang sống với bà. Theo gen ông bà - bố mẹ, các cháu đều chịu khó từ nhỏ, và đều biết tới bốn ngôn ngữ -Việt, Hung, Nga, Anh. Trang và anh Bêlo thỉnh thoảng lại về Budapest thăm mẹ, thăm con và thăm vợ chồng anh cả Liên.

Chuyện tình của hai người bạn tôi và cha mẹ họ cuối cùng đã có cái kết tốt đẹp, nhưng đây không phải là những câu chuyện cổ tích màu hồng. Họ hạnh phúc, vì họ biết thương yêu nhau, biết bao dung, chấp nhận nhau, chấp nhận hoàn cảnh lịch sử và cùng sẻ chia gian khó. Từ góc độ này, câu chuyện tình Việt- Hung của bố Phúc- mẹ Jutka và của hai bạn Trang - Bêlo đúng là “cha truyền con nối”!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện tình Việt – Hung: Cha truyền con nối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO