Con chữ nơi rốn lũ

Đoàn Xá 02/12/2016 08:15

Nằm giữa những cánh đồng mênh mông nước ở vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười, lớp học nhỏ bé của thầy Trần Ngọc Bảo ở thị trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng, Long An) vẫn ngày ngày vang lên tiếng học bài quen thuộc. Đặc biệt, nhiều em là những trẻ Việt kiều nghèo từng sinh sống ở Campuchia mới lần đầu được học tiếng Việt, trên chính quê hương mình.

Lớp học của thầy Bảo.

Duyên nợ tình cờ

Thầy Trần Ngọc Bảo cho biết: “Cách đây chừng hơn một năm, khi đi làm tôi thấy ở thị trấn Tân Hưng xuất hiện nhiều trẻ em nhỏ bán vé số lang thang hết tuyến đường này tới tuyến đường khác. Điều này khá bất ngờ vì tuy là vùng biên giới nghèo nhưng trước đến nay ít có trẻ em bán vé số ở đây. Nhiều em là Việt kiều ở bên Campuchia theo cha mẹ trở về quê hương vài năm gần đây. Gia đình các em sinh sống chủ yếu trên những căn nhà tạm bợ, những chiếc ghe nhỏ ven kênh ở gần thị trấn. Chính vì thế, ý nghĩ tập hợp các em lại, dạy chữ cho các em đã nhen nhóm và bắt đầu trong tôi”.

Dừng lại một chút, thầy Bảo kể tiếp: “Tuy nhiên, để thuyết phục các em bỏ thời gian đi học, sự đồng ý của cha mẹ các em là điều không dễ dàng gì. Tôi phải mất thêm nhiều ngày nữa để theo các em tới tận nơi ở, là những căn nhà lá, những chiếc ghe nhỏ trên kênh. Cuối cùng, bắt đầu từ tháng 10-2015, lớp học xóa mù này chính thức hoạt động”.

Ngoài cố gắng của thầy Bảo thì bạn của thầy là anh Lê Thanh Hải, công tác ở UBND thị trấn Tân Hưng, cô Là Thị Thía ở Thư viện Tân Hưng cũng tham gia dạy chữ viết, đọc sách, kể chuyện lịch sử cho các em. Đặc biệt, cũng qua một số mối quan hệ, thầy xin được chỗ học là một căn nhà cấp bốn trước đây là trụ sở khu phố đã không sử dụng.

Thế là hàng ngày, sau khi bán vé số, các em lại tìm tới lớp học này, như một niềm vui và gửi gắm những ước mơ của mình. Ngoài ra, rất nhiều người dân khác biết tin lớp học cũng ủng hộ bảng đen, phấn, bút, vở tập hay sách giáo khoa… cho thầy trò. Thậm chí, thỉnh thoảng có người còn cho cả bánh mì, mì tôm, cơm để các em ăn chiều.

Mong ước giản đơn

Vì đây là một lớp học đặc biệt nên hầu hết hoàn cảnh của các em học sinh cũng rất đặc biệt. Một trong số là em Hiền. Em không biết mình sinh năm nào, chỉ nhớ mẹ bảo năm nay em đã 9 tuổi. Từ nhỏ, em đã theo cha mẹ đi nhiều nơi, hầu hết là ở trên sông nước, đánh bắt cá tôm. Vài ngày lại lên bờ, bán thủy sản đổi về những nhu yếu phẩm cho cuộc sống. Cứ thế lênh đênh cho tới ít năm trước thì dừng lại ở Tân Hưng này. Em bắt đầu theo nhóm bạn cũng sống ở trên ghe thuyền đi bán vé số được 2 năm rồi.

Hàng ngày, cha mẹ thì đi phụ bán cơm, rửa xe hay làm lúa còn em đi bán vé cùng nhóm bạn, tối lại về căn nhà lá ở gần cầu để ngủ. Em bảo ban đầu cứ nghĩ học cũng không có tác dụng gì nhưng sau khi được các thầy dạy viết chữ, em biết đọc biết viết thấy rất vui. Giờ nhìn ngoài đường cái gì em cũng hiểu, không sợ lạc đường như trước nữa.

Hay em Nguyễn Văn Bè, 17 tuổi, nhưng người bé loắt choắt vì hoàn cảnh sống thiếu thốn. Bè cho biết, em muốn học để biết chữ, mai mốt lớn thêm chút em lên Sài Gòn làm. Tuy chưa biết là làm gì nhưng nếu biết chữ, công việc sẽ thuận lợi hơn! Có thể nói, mỗi em là mỗi cảnh đời, mỗi nỗi niềm nhưng cùng chung một mơ ước, một mong muốn là được học chữ.

Theo thầy Bảo, việc dạy học ngoài mục đích giúp các em biết đọc, biết viết thì còn giúp các em nâng cao hiểu biết và hiền lành hơn. “Mỗi ngày học tôi đều kể chuyện lịch sử, chuyện đối nhân xử thế, tình yêu thương gia đình, quê hương bè bạn để các em hiểu hơn. Thú thực, do từ bé phải lăn lộn mưu sinh, lại ít nhận được sự giáo dục từ cha mẹ nên nhiều em ăn nói khá “giang hồ”, tính tình nỏng nảy. Nên ngoài dạy chữ, dạy các em làm người tốt, lương thiện cũng giúp ích cho chính các em, gia đình và xã hội”, thầy giãi bày.

Là một người trẻ sinh ra ở chính vùng đất Tân Hưng này, sau khi học xong phổ thông, thầy lên thành phố Tân An (Long An) học trường sư phạm rồi quay trở lại quê hương công tác bằng nghề dạy học. Mặc dù lớp học hoạt động chưa lâu nhưng hơn 1 năm qua, nhiều em trong lớp đã đủ điều kiện “tốt nghiệp” là biết đọc, biết viết một cách thành thạo.

Với nhiều trẻ em khác, đó là điều khá bình thường nhưng với những trẻ em nghèo vùng biên giới vùng Đồng Tháp Mười này, niềm hạnh phúc thật lớn lao.

Đặc biệt hơn nữa, dịp cuối năm này, ngoài việc dạy học, thầy Bảo còn kết nối với một số bạn bè là doanh nhân, nhà báo ở Tân An quyên góp, ủng hộ các em sách vở, quần áo, đồ dùng học tập hay những trang thiết bị cần thiết khác bởi thực tế, ngoài nhu cầu học chữ, các em nhỏ này cũng còn nhiều nhu cầu cuộc sống khác để có một cái Tết đầm ấm hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con chữ nơi rốn lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO