Chuyện về chiếc xe máy cũ

Lê Anh Đức 25/02/2017 12:35

Mấy ngày qua, dư luận xã hội xôn xao trước thông tin Hà Nội có thể thu hồi hàng triệu xe máy quá cũ gây ô nhiễm môi trường. Người nghèo thì lo lắng vì nếu bị thu xe máy không biết sống bằng gì. Trong khi đó, những người hiểu biết và bình tĩnh hơn thì cho rằng đây có lẽ là động thái “ném đá dò đường” chăng?

Xe máy hiện vẫn là phương tiện đi lại chính của đa số người Hà Nội.

Hiện Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy và gần 1 triệu ô tô các loại đang lưu hành, trong đó có tới 2,5 triệu xe máy đã sử dụng lâu năm, nhiều xe sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng giờ vẫn tham gia giao thông gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Lãnh đạo TP Hà Nội muốn đề nghị HĐND chấp thuận kiến nghị Chính phủ cho phép thu hồi số xe máy mà theo đánh giá là “quá cũ nát” này để làm “trong sạch” bầu không khí.

Lại cũng có ý kiến cho rằng 1 chiếc xe máy không chỉ tiêu tốn nguyên liệu gấp nhiều lần, mà khí thải gây ô nhiễm môi trường của loại phương tiện này còn cao gấp hàng vài chục lần so với ô tô. Ai cũng biết cả ô tô và xe máy đều dùng nhiên liệu là xăng dầu nên khí thải đương nhiên là gây ô nhiễm môi trường. Song, chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào (được công nhận) chỉ ra rằng xe máy xả khí thải gây ô nhiễm môi trường hơn ô tô.

Lẽ tất nhiên là xe cũ sẽ phát khí thải nhiều và độc hại hơn xe mới, cả ô tô và xe máy đều như vậy cả. Bởi trong quá trình đốt cháy nhiên liệu để động cơ có thể hoạt động sẽ phân giải các chất hữu cơ. Đối với nhiên liệu là xăng, dầu thì sẽ cho ra rất nhiều loại tạp chất khác nhau, trong đó không ít thành phần có hại cho sức khỏe con người. Nếu động cơ càng mới, đốt nhiên liệu càng triệt để thì ô nhiễm môi trường sẽ ít, còn nếu động cơ cũ thì ngược lại. Chiếu theo quy trình này thì đâu có thể phân định rằng xe máy phát nhiều khí thải độc hại hơn ô tô?

Xem ra “cứ liệu khoa học” chưa thể thuyết phục được người nghe, nên lại có thêm dẫn chứng khác. Có ý kiến cho rằng xe máy là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT hàng năm. Số liệu chỉ ra sự liên quan như vậy, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc xe máy không an toàn bằng ô tô. Vấn đề ở đây là ý thức của người điều khiển phương tiện, dù đó là ô tô hay xe máy. Cho dù tới đây Nhà nước có cấm toàn bộ xe máy nhưng nhiều chỉ số khác vẫn giữ nguyên như hiện nay thì tin rằng số vụ TNGT sẽ không giảm.

Đương nhiên phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong khi ô tô phải kiểm tra định kỳ tại các trung tâm đăng kiểm thì xe máy sau khi được cấp biển số chỉ có việc lưu hành. Do vậy không thể tránh khỏi việc có những chiếc xe máy đến nay đã quá cũ, không chỉ thiếu an toàn, còn phát thải rất nhiều khí độc hại gây ô nhiễm môi trường. Song, nói đi thì cũng phải nói lại, dù vẫn phải đăng kiểm theo định kỳ, nhưng trên thực tế vẫn có nhan nhản những chiếc ô tô xả khói đen mù mịt ra không khí vẫn còn ngang nhiên lưu hành trên đường đó sao?

Mặt khác, Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản của công dân, quyền này chỉ bị giới hạn bởi luật. Vậy nhưng cho tới thời điểm này, Luật Giao thông đường bộ cũng chưa có bất cứ quy định nào về niên hạn sử dụng xe máy, cũng chưa có quy định về kiểm tra môi trường từ khí thải xe máy. Theo lẽ đó, Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) cho rằng, việc thống kê 2,5 triệu xe máy “quá đát” của Hà Nội thiếu thuyết phục vì không rõ căn cứ trên cơ sở nào.

Với việc đưa ra con số 2,5 triệu xe máy “quá đát” xem ra khó thuyết phục được dư luận. Còn nữa, khi mà quyền sở hữu tài sản của người dân vẫn được Hiến pháp bảo hộ, chưa bị giới hạn bởi luật thì việc ban hành bất cứ một quy định nào nhằm thu hồi xe máy đều cần cân nhắc.

Bây giờ mới bàn đến cái tình qua việc định thu hồi 2,5 triệu xe máy “cũ nát”. Nếu người dân có tiền, tội gì họ không bán (hoặc vứt) chiếc xe máy cũ đi để tậu ngay một chiếc xe máy mới, hoặc giả sắm hẳn 1 chiếc ô tô mà đi. Có thể thấy đa số những người sở hữu xe máy cũ hiện nay là người có mức sống trung bình thấp, nếu như không muốn nói là người nghèo. Và xe máy không chỉ là phương tiện mà nhiều khi là cái “cần câu cơm” của người nghèo. Nếu vậy há chẳng phải giải quyết được một phần ô nhiễm môi trường, nhưng lại phát sinh hệ lụy đối với người nghèo trên địa bàn Thủ đô hay sao?

Nói như vậy không phải là bàn lùi việc kiểm soát khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường, bởi đây là vấn đề quan trọng cần được lưu tâm. Song, cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ mang tính lâu dài thì mới có thể khả thi khi triển khai trong thực tế. Chẳng hạn muốn thu hồi xe máy hay ô tô quá niên hạn thì cần có hành lang pháp lý vững chắc để người dân tâm phục khẩu phục. Hoặc giả trong giai đoạn hiện nay muốn thực hiện ngay chủ trương này thì có lẽ cũng nên nghĩ đến giải pháp trợ giá cho người dân đổi xe máy cũ lấy xe máy mới. Như vậy chẳng phải sẽ nhận được sự đồng thuận cao hay sao?

Đa số những người sở hữu xe máy cũ hiện nay là người có mức sống trung bình thấp, nếu như không muốn nói là người nghèo. Và xe máy không chỉ là phương tiện mà nhiều khi là cái “cần câu cơm” của người nghèo. Nếu vậy há chẳng phải giải quyết được một phần ô nhiễm môi trường, nhưng lại phát sinh hệ lụy đối với người nghèo trên địa bàn Thủ đô hay sao? Nói như vậy không phải là bàn lùi việc kiểm soát khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường, bởi đây là vấn đề quan trọng cần được lưu tâm. Song, cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ mang tính lâu dài thì mới có thể khả thi khi triển khai trong thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện về chiếc xe máy cũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO