Cơ chế để chống tham nhũng

Hoài Vũ 18/07/2017 08:10

Chống tham nhũng là công việc khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt và phải có cơ chế tốt để mọi người cùng tham gia, nhất là với người dân. Cần có sự khuyến khích, động viên để người dân mạnh dạn tố giác sai phạm, trong đó có việc người tố cáo phải được bảo vệ.

Đã có nhiều văn bản, quy định pháp luật để phát huy vai trò của nhân dân trong tố giác tội phạm, sai trái của cán bộ suy thoái, tham nhũng như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ luật Tố tụng hình sự; Bộ luật Hình sự; Luật Tố cáo và các Nghị định hướng dẫn. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã hiến định khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo. Nhưng dù đã có nhiều văn bản như vậy nhưng thực tế việc tố cáo tham nhũng từ người dân chưa được kết quả như mong muốn. Đây là vấn đề đáng bàn, đáng suy ngẫm. Đáng nói hơn, trong không ít trường hợp, tố cáo của người dân lại không được lắng nghe dẫn đến tình trạng biết nhưng im lặng.

Số liệu thống kê trong những năm gần đây của cơ quan chức năng phản ánh một thực tế là sự tăng đột biến số lượng đơn tố cáo của người dân. Điều đó phần nào phản ánh thực tế người dân đã phát huy quyền dân chủ trong đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng cũng không phải vì thế mà không còn hiện tượng “mũ ni che tai”, không dám phản ánh, tố cáo những vi phạm pháp luật khi sợ liên lụy đến bản thân. Việc bảo vệ người tố cáo đã được Luật Tố cáo và Nghị định số 76/20012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo song lại chưa có quy định cụ thể về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc bảo vệ người tố cáo.

Đó là một nguyên nhân dẫn đến việc các quy định về bảo vệ người tố cáo chưa thật sự đi vào cuộc sống, chưa thật sự tạo nên thiết chế khiến người tố cáo không yên tâm, dẫn đến vẫn còn tố cáo nặc danh, mạo danh nhiều. Thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, khi cho ý kiến về Luật Tố cáo sửa đổi, một số thành viên Ủy ban Pháp luật nhất trí về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh nhưng Luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật. Bởi quy định như vậy là phù hợp với điều kiện hiện nay khi mà cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa có hiệu quả, vì nhiều lý do mà người tố cáo không dám hoặc không muốn đứng tên, thậm chí có trường hợp còn mạo danh người khác.

Là thành viên trong Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm định Luật trên, ông Bùi Văn Xuyền- Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để khuyến khích nhân dân tố giác tội phạm quan trọng nhất là sửa Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Tố cáo. Luật Phòng, chống tham nhũng đang chờ Trung ương tổng kết, còn Luật Tố cáo đang sửa, nhưng những nội dụng sửa lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo cho người dân như qua mạng, email, fax, điện thoại nhưng khi sửa lại giữ nguyên như…Luật hiện hành; chưa kể còn không phù hợp với Luật Phòng chống tham nhũng khi Luật này yêu cầu rất nhiều hình thức để tạo điều kiện cho người dân.

“Bảo vệ người tố cáo hiện nay rất hạn chế, quy định nhiều nhưng không thực hiện được, không khả thi và phù hợp với thực tiễn”- ông Xuyền nói, và cho rằng phải tạo điều kiện cho người dân tố giác sai phạm, còn hình thức xử lý cách thức ra sao cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm sàng lọc và xem xét xử lý. “Nhiều người cho rằng sẽ lợi dụng vào quyền tố cáo dẫn tới mất ổn định là không phải. Qua tổng kết cho rằng trên 50% tố cáo sai nhưng dân phát hiện ra hiện tượng thì tố cáo chứ họ làm sao có chứng cứ đầy đủ được. Vì đó là việc của cơ quan chức năng qua điều tra, thanh tra thì mới có chứng cứ. Còn người dân chỉ phát hiện ban đầu cho nên tố cáo có thể có đúng có sai, 50% còn là hơn không được phần nào và đó là cái khuyến khích người dân”- ông Xuyền nói.

Giữa pháp luật và thực tiễn đang có những khoảng cách khá xa. Số liệu điều tra của Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) mới công bố có những con số đáng suy ngẫm: Có tới 53,2% số người được hỏi cho rằng có hiện tượng trù úm người tố giác hành vi tham nhũng. Người người tố cáo các hành vi tham nhũng thường đứng trước nhiều mối đe dọa, chịu sức ép trả thù hay trù dập. Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, việc bảo vệ an toàn cho người tố cáo tham nhũng nhằm khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng là điều hết sức cần thiết.

Tại các nước phát triển (như Hàn Quốc) có những cơ chế chính sách bảo mật, khen thưởng và đền bù thích đáng cho người tố cáo tham nhũng. Những người trả thù cho hành vi này bị phạt nặng về kinh tế và bị phạt tù. Những người tố cáo đúng tham nhũng được thưởng theo tỷ lệ phần trăm số thất thoát thu được. Hay như Mỹ có tới 25 văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ người tố cáo tham nhũng với những quy trình tố cáo dễ dàng, và được công khai trên mạng. Người tố cáo tham nhũng được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân thân và họ còn được hưởng một tỷ lệ nhất định từ số tiền thu được của vụ án tham nhũng đó.

Vì vậy xây dựng cơ chế chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng, xác định rõ các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong bảo vệ người tố cáo tham nhũng là “con đường chính sách” rút ngắn khoảng cách giữa thực tế và pháp luật, rất cần được xem xét kĩ lưỡng.

Chưa có quy định cụ thể về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc bảo vệ người tố cáo là nguyên nhân dẫn đến việc các quy định về bảo vệ người tố cáo chưa thật sự đi vào cuộc sống, chưa thật sự tạo nên thiết chế khiến người tố cáo không yên tâm, dẫn đến vẫn còn tố cáo nặc danh, mạo danh nhiều. Thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, trong khi đó mặc dù có quy định nhưng việc bảo vệ người tố cáo còn rất khó khăn. Do đó, nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế để chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO