Cơ chế để kiểm soát tham nhũng

H.Vũ (ghi) 18/09/2017 08:30

Báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2017 cho biết, có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật. PGS TS Đặng Ngọc Dinh- giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng đã trao đổi với PV ĐĐK xung quanh vấn đề này.

PGS TS Đặng Ngọc Dinh.

Theo ông Dinh, cả nước có 63 tỉnh, thành, rồi các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhưng chỉ có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là quá ít, trong khi tình hình tham nhũng được coi là trầm trọng.

“Tôi cho rằng, làm sao ban hành được thể chế hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng mới là điều quan trọng. Phải nhìn vào tổng số tiền bị mất mát do tham nhũng. Ví dụ một vụ tập đoàn, tổng công ty tham nhũng thất thoát 1.000 tỷ đồng khác với vụ chỉ vài trăm triệu đồng. Do đó cần thể chế để không thất thoát, không để xảy ra những thất thoát lớn. Vì nếu không có thể chế để ngăn chặn thì phát hiện được cái này, cái khác sẽ xảy ra làm cho tham nhũng xảy ra liên tục mãi từ năm này qua năm khác. Song song với việc phát hiện để đưa ra điều tra, xử lý phải ban hành thể chế kiểm soát được tham nhũng”.

Ông Dinh cho rằng cần phải minh bạch và giải trình. Tiếp đó là phải có kiểm soát lẫn nhau, giống như nhốt quyền lực lại. Phải nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế, để quyền lực đó không phát huy được sự độc đoán một cách không ai ngăn cản.

Thể chế chính là xây dựng một loạt các chính sách, luật. Ban hành luật nhưng phải kiểm soát luật đó bằng cách thực thi luật thật tốt. Ví dụ như phát huy được vai trò của nhân dân, rồi các cơ quan dân cử.

Về việc kê khai tài sản, thu nhập, dư luận cho là chưa hiệu quả, theo ông Dinh, kê khai không cần nhiều. Kê khai phải công khai để những người có trách nhiệm biết được việc kê khai, chứ không phải cất đi. Ví dụ cơ quan dân cử lúc bầu cử thì cử tri có thể biết ông này có tài sản bao nhiêu?

Buộc họ phải giải trình tại sao lại có như vậy. Khi cơ quan chức năng yêu cầu chứng minh mà không giải trình được lúc đó mới bị coi là vi phạm. Chứ ai cũng phải kê khai và giải trình thì không hiệu quả vì không kiểm soát hết được bản kê khai.

Thời ian qua, việc kê khai chưa thường xuyên. Phải thể chế hóa vào luật để thực hiện đều đặn, thường xuyên.Nếu làm đều, thường xuyên mới phát hiện được vi phạm.

Và như đã nói, kết quả kê khai cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nếu kê khai không trung thực phải xử lý nghiêm, có như vậy việc kê khai tài sản mới có tác dụng tích cực

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế để kiểm soát tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO