Có chế tài mới nghiêm

Lê Anh Đức 26/08/2020 10:00

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng hơn một lần yêu cầu, nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương không được phép khoanh tay đứng nhìn, vô cảm trước khó khăn của người dân, doanh nghiệp. Sự vô cảm đó sẽ dẫn đến hệ lụy tất yếu là làm xói mòn lòng tin của nhân dân, khiến doanh nghiệp tiến nhanh hơn đến bên bờ vực phá sản. Doanh nghiệp là trụ cột cơ bản của nền kinh tế, càng nhiều doanh nghiệp “chết” cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế dậm chân tại chỗ không tiến lên được, thậm chí thụt lùi.

Vinatex Hồng Lĩnh chủ động tiết giảm chi phí sản xuất để vượt qua bão Covid-19.Ảnh: Văn Tuân.
Vinatex Hồng Lĩnh chủ động tiết giảm chi phí sản xuất để vượt qua bão Covid-19. Ảnh: Văn Tuân.

Nói doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế không hề ngoa, khi mà đóng góp của các doanh nghiệp lên tới trên 60% GDP cả nước. Trong năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,02% và là năm thứ hai liên tiếp có mức tăng trưởng trên 7% kể từ năm 2011. Có được kết quả tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ trên là nhờ sự đóng góp tích cực của khu vực doanh nghiệp. Sự thịnh vượng hay phá sản của mỗi doanh nghiệp đơn lẻ cũng như của cả cộng đồng doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp và là thước đo của nền kinh tế.

Chính vì lẽ đó, từ làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ nhất, Chính phủ đã liên tiếp đưa ra nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cầm cự qua lúc khó khăn, dần phục hồi để phát triển. Hàng loạt các gói vay ưu đãi, giảm nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế... chính là cách mà Chính phủ “mớm” bầu sữa mẹ để các doanh nghiệp cố gắng trụ vững, không bị phá sản. Nhờ vậy, ngay khi cơ bản khống chế được dịch bệnh, các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, phát triển.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì dốc sức lo lắng cho sự an nguy của doanh nghiệp, trăn trở tìm giải pháp để hạn chế tối đa số doanh nghiệp phá sản do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, không ít bộ, ngành, địa phương thì lại lờ vờ, coi việc doanh nghiệp sống hay chết không phải việc của mình. Vâng, nếu nhìn ngay ở dưới chân, đi cờ nước một, đúng là một doanh nghiệp chết hay sống không liên quan đến bất cứ bộ trưởng hay chủ tịch tỉnh nào. Song, nếu nhiều doanh nghiệp chết thì lại là vấn đề to đấy.

Chưa kể đến việc ở ngành nào, địa phương nào có nhiều doanh nghiệp phá sản thì người đứng đầu sẽ bị Thủ tướng Chính phủ xử lý. Chỉ đơn giản là càng nhiều doanh nghiệp chết thì nền kinh tế sẽ càng kiệt quệ, lấy đâu ra ngân sách để đầu tư công, làm sao các bộ, ngành có thể xây dựng trụ sở hoành tráng, thậm chí còn không có cả tiền để trả lương cho chính các bộ trưởng và chủ tịch tỉnh. Đến lúc đó thì sự sống chết của doanh nghiệp đã liên quan tới người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chưa?

Nói thì nói vậy thôi, thực ra người đứng đầu các bộ, ngành địa phương đều thông minh, học nhiều, hiểu rộng nên có lẽ điều đơn giản đó ai cũng biết. Chỉ có điều là họ còn những mối quan tâm khác cần ưu tiên hơn so với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp mà thôi. Điều đó giải thích tại sao có thực trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nghĩa là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì rốt ráo bàn giải pháp hỗ trợ, cứu doanh nghiệp, còn không ít người đứng đầu bộ, ngành, địa phương lại bình chân như vại.

Sở dĩ có thực trạng đó là vì lâu nay làm gì có người đứng đầu bộ, ngành, địa phương nào bị làm sao khi bỏ mặc cho doanh nghiệp “tự bơi”, sống cũng được, chết cũng chẳng sao. Thủ tướng Chính phủ từng nhiều lần răn đe sẽ xử lý người đứng đầu nếu các bộ, ngành, địa phương thờ ơ vô cảm trước khó khăn của doanh nghiệp. Song, đến nay chưa ai bị kỷ luật khi vi phạm nên có vẻ họ cũng không có gì đáng để phải sợ cả.

Giả sử, chỉ là giả sử thôi, người đứng đầu bộ, ngành, địa phương để doanh nghiệp kêu ca nhiều về sự nhũng nhiễu, phiền hà, thái độ phục vụ cửa quyền, thủ tục hành chính rườm rà, hay để nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, lập tức sẽ bị cách chức, liệu có còn ai dám “lạnh” với cái “nóng” của Chính phủ nữa không? Tin rằng, chẳng có ai dại gì mang sự nghiệp chính trị phấn đấu cả đời để “đánh đu” với lệnh của thượng cấp cả.

Mệnh lệnh hành chính, cao hơn là pháp luật sinh ra là để điều chỉnh hành vi, con người trong những lĩnh vực, vị trí cụ thể. Song, nếu mệnh lệnh hành chính và quy định của pháp luật lại không kèm theo chế tài thì mọi việc sẽ không được thực hiện đúng yêu cầu đề ra. Trong trường hợp này, việc thiếu chế tài kèm theo yêu cầu không được khoanh tay đứng nhìn, không được vô cảm trước khó khăn của người dân, doanh nghiệp, sẽ không tạo được “cú huých” vào tư duy của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương.

Điều đó có nghĩa, chỉ khi nào sự thờ ơ, vô cảm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương đối với doanh nghiệp (nếu bị phát hiện) sẽ bị xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, lúc đó họ mới không thể khoanh tay đứng nhìn doanh nghiệp ngắc ngoải, chết dần. Khi đó doanh nghiệp mới có thể phát triển lớn mạnh, số lượng doanh nghiệp không ngừng tăng lên, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có chế tài mới nghiêm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO