Có dấu hiệu một nhóm hư cấu 'bác sĩ Khoa' để trục lợi

Mỹ Hòa - Quế Anh 10/08/2021 15:35

Tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch diễn ra trên địa bàn TP HCM sáng nay 10/8, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tphcm nhận định có một nhóm được thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả, nhưng có sự tương tác thật trong vụ "bác sĩ Khoa".

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở TTTT TP HCM cho biết, Sở này đã bước đầu làm việc với 2 chủ tài khoản Facebook "Nguyễn Đức Hiển" và "Hoàng Nguyên Vũ" liên quan đến việc chia sẻ các thông tin hư cấu, sai sự thật liên quan đến vụ việc "bác sĩ Khoa". Trong đó, mỗi người đã bị xử phạt hành chính số tiền 5 triệu đồng vì chia sẻ thông tin sai sự thật.

Avatar tài khoản
Avatar tài khoản "bác sĩ Khoa" gán ghép, lấy hình ảnh của Phó Giáo sư Toh Wei Seong, vốn đã được đăng trên fanpage của NUHS từ năm 2017.

Về "bác sĩ Khoa" là ai? Việc xây dựng nhân vật hư cấu "bác sĩ Khoa" có mục đích gì? Ông Nguyễn Đức Thọ nhận định, có một nhóm đối tượng sử dụng các tài khoản giả nhưng tạo dựng các tương tác thật. "Chúng tôi chưa xác định được danh tính người sử dụng tài khoản Facebook "Trần Khoa". Tuy nhiên, qua tổng hợp dữ liệu ban đầu, tài khoản này có tham gia một nhóm Facebook, đăng tải nhiều câu chuyện không có thực và có tương tác với nhau", Chánh Thanh tra Sở TTTT TP HCM nêu dấu hiệu.

Nhóm này tự lập ra, có những tài khoản giả mạo tham gia nhưng cố tình tương tác, trao đổi với nhau, trong đó có tài khoản thật, với một tài khoản có thật.

Một nguồn tin khẳng định ảnh avatar "bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ" cũng là hình ảnh mượn từ một bác sĩ danh tiếng ở nước ngoài. Ngoài ra, trên trên fanpage của NUHS hiện lưu một hình ảnh về Phó Giáo sư Toh Wei Seong của Đại học Quốc gia Singapore đăng tải từ ngày 5/3/2017. Tuy nhiên, hình ảnh này đã được gán ghép thành avatar "bác sĩ Khoa" kể trên.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Sở TTTT TP HCM đã báo cáo với Bộ TTTT để tổng hợp, xác định việc các tài khoản này có hành vi giả mạo để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP HCM hay không. Ngoài ra, cơ quan chức năng TP cũng sẽ phối hợp với các ngành, cơ quan công an để xử lý các thông tin ảnh hưởng đến chính sách của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM; đồng thời gây hoang mang, lo lắng cho người dân, nhất là giới trẻ trên không gian mạng.

Khi điều tra ra các cá nhân, tổ chức liên quan, Sở TTTT TP HCM sẽ còn mời những người liên quan lên làm việc. Cơ quan Công an cũng cho biết, ngoài trường hợp "bác sĩ Khoa" thì nhóm này đã dựng lên các tin giả nào, mức độ ra sao, để xử lý theo quy định.

Như đã thông tin, trong ngày 8/8 Sở Y tế TP HCM đã phối hợp với Công an TP HCM để điều tra vụ việc "bác sĩ Khoa". Bước đầu, đại diện Sở Y tế TP HCM khẳng định thông tin "một bác sĩ rút ống thở của cha mẹ, nhường máy thở cho mẹ con sản phụ" chỉ là câu chuyện được hư cấu. Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi một số tài khoản mạng nêu nghi ngờ là bác sĩ làm việc tại bệnh viện này, cũng đã chính thức xác nhận không có bác sĩ nào tên Khoa làm việc tại Bệnh viện. Đồng thời, tại BV Chợ Rẫy cũng không có Khoa Sản và hoàn toàn không có ca mổ song thai tại BV.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có dấu hiệu một nhóm hư cấu 'bác sĩ Khoa' để trục lợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO