Cơ hội mới đến từ đường vành đai

Ngọc Quang 22/08/2022 06:49

Sự khan hiếm quỹ đất nội đô đi cùng với hạ tầng giao thông được cải thiện sẽ là các yếu tố để mọc lên nhiều khu đô thị mới ở khu vực vùng ven Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt là khi hệ thống đường vành đai 4 (Vùng Thủ đô) và vành đai 3 (TPHCM) triển khai.

Sơ đồ tuyến đường vành đai 4 Vùng Thủ đô.

Theo giới đầu tư bất động sản (BĐS), trong 3 năm tới sẽ hình thành nhiều đô thị mới tại các khu vực vùng ven Hà Nội và TPHCM với quy mô từ 70 héc-ta trở lên. Những đô thị này trong phạm vi ảnh hưởng của tuyến vành đai mới, nhờ hệ thống cầu đường xuyên suốt giúp thời gian di chuyển vào trung tâm thành phố rút ngắn.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Công ty BĐS Savills Hà Nội cho rằng, đường vành đai 4 sẽ làm ngắn lại khoảng cách với các khu công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc. Còn với TPHCM thì từ các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An vào nội thành cũng sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

Điều đó cho thấy BĐS tại những khu vực chịu tác động của đường vành đai 4 Vùng Thủ đô và vành đai 3 TPHCM sẽ sớm “có giá”, và các đô thị mới cũng sẽ sớm mọc lên. Điều đó càng được củng cố khi thời điểm khởi công của cả 2 tuyến vành đai kể trên đều đã ấn định khởi công vào cuối tháng 6 năm sau và hoàn thành sau 3 năm.

Với đường vành đai 4 Vùng Thủ đô, Chính phủ đã giao 4 tỉnh/thành tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt các dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 31/1/2023, bảo đảm khởi công trước ngày 30/6/2023 và đưa vào khai thác năm 2027. Dự án dài 98km với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng chia thành 7 dự án thành phần. Nghị quyết số 106 của Chính phủ nêu rõ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt các dự án thành phần được Quốc hội phân cấp làm cơ quan chủ quản.

“Chủ tịch UBND các tỉnh, TP Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến các dự án thành phần bằng nguồn vốn đầu tư công trong 2 năm 2022 và 2023” - Nghị quyết nêu rõ.

Với Dự án đường Vành đai 3 TPHCM được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công hơn 75.000 tỷ đồng đi qua 4 tỉnh TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 105 thúc đẩy dự án.

Nghị quyết nêu rõ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành kể trên thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần; được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết số 57/2022/QH15 được Quốc hội thông qua.

Nghị quyết cũng nêu cụ thể dự kiến tiến độ, kế hoạch triển khai. Theo đó, lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thành phần bắt đầu từ 5/8/2022, hoàn thành 15/11/2022. Lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cho từng dự án thành phần, bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/11/2022. Bàn giao hồ sơ và cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương bắt đầu từ 10/8/2022, hoàn thành 30/9/2022. Địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bắt đầu từ 1/10/2022, hoàn thành 30/3/2024. Dự án sẽ chính thức tổ chức thi công bắt đầu từ 30/6/2023, hoàn thành 30/6/2026.

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài 76,34 km; tổng vốn đầu tư 75.378 tỷ đồng.

Như vậy, việc việc đầu tư tập trung, tiến độ thực hiện được thúc đẩy nhanh, 2 đường vành đai mới của Vùng Thủ đô và TPHCM hy vọng sớm hoàn thiện. Cùng đó, quỹ đất được tạo ra một cách khách quan từ 2 dự án sẽ rất lớn, không chỉ giải tỏa áp lực cho nội đô mà sẽ tạo ra những đô thị mới.

Theo giới chuyên gia, đứng trước cơ hội phát triển mới này, cần thiết phải áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng sớm; đồng thời có quy hoạch chi tiết trong vùng ảnh hưởng đường vành đai đi qua, để có được những khu đô thị mới văn minh.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có quy mô 112,8 km với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng chia thành 7 dự án thành phần. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Đoạn trên địa bàn TP Hà Nội dài 58,2km đi qua 7 quận, huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông. Dự án đường Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài 76,34 km. Bao gồm đoạn qua TPHCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81 km. Đường Vành đai 3 TPHCM có điểm đầu tại điểm giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, và điểm cuối tại nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư của dự án 75.378 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội mới đến từ đường vành đai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO