Cơ hội nào cho trẻ em gái?

Ngọc Mai 14/10/2018 07:00

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 11/10 đã kêu gọi, cộng đồng quốc tế có những nỗ lực cụ thể để trợ giúp 600 triệu trẻ em gái ở tuổi vị thành niên trên toàn cầu phát huy hết tiềm năng bản thân.

Cơ hội nào cho trẻ em gái?

Trong tuyên bố kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái, ông Guterres cho biết, hiện đang có “vô số rào cản”, trong đó có thái độ thiên vị “phân biệt đối xử một cách có hệ thống và tình trạng thiếu đào tạo, đang cản trở thế hệ trẻ em gái đông nhất trong lịch sử loài người phát huy được hết tiềm năng của mình”. Ông Guterres nhấn mạnh rằng, trẻ em gái thường xuyên không được tạo cơ hội và không gian cần thiết để phát huy hết tiềm năng của mình.

Hiện có tới 600 triệu bé gái đang chuẩn bị tham gia lực lượng lao động, vốn đang biến đổi bởi đổi mới và tự động hóa. Thế nhưng, ở những lĩnh vực này, cử nhân và lao động là nữ giới chiếm tỷ lệ còn thấp. Cụ thể, phụ nữ chiếm chưa tới 30% số cử nhân tốt nghiệp các ngành công nghệ và thông tin và chiếm chưa tới 30% công việc nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu.

Theo Tổng Thư ký LHQ, chính những định kiến cổ hủ cho rằng, các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán không phù hợp với trẻ em gái ngay từ những năm học phổ thông đang gây những tác hại đáng kể, khiến các em hoài nghi về chính khả năng của mình.

Liên quan đến vấn đề này, theo Ngân hàng Thế giới (WB), trên thế giới hiện có hơn 130 triệu trẻ em gái trong độ tuổi đi học không được đến trường. Hầu hết các em đều sống ở những khu vực nghèo đói, thường xuyên xảy ra xung đột vũ trang. Ước tính, thiệt hại do tình trạng thất học ở số trẻ em gái là khoảng 30.000 tỷ USD tính ở góc độ năng suất lao động.

Còn nhớ, tại một sự kiện ngày 25/9 thúc đẩy quyền được đến trường của các trẻ em gái, diễn ra bên lề kỳ họp Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ khóa 73, lãnh đạo 3 nước Pháp, Canada và Anh đã cảnh báo về những hậu quả khôn lường khi các bé gái không được hưởng một nền giáo dục cơ bản. Ở cấp độ quốc gia, thực trạng này đã khiến các nước giảm năng lực sản xuất, đối mặt với nguy cơ bất ổn và xung đột. Còn theo các chuyên gia, hậu quả trực tiếp đối với trẻ em gái thất học, đó là nạn tảo hôn, sức khỏe yếu kém, làm mẹ sớm, thất nghiệp và nghèo đói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng đảm bảo cho các trẻ em gái được hưởng một nền giáo dục đầy đủ là một sự đầu tư cho tương lai. Theo ông, giáo dục phổ cập có chất lượng phải bao gồm các tiêu chuẩn về văn hóa và xã hội để có thể thực hiện cả nhiệm vụ giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi các nước khác đảm bảo trẻ em gái được tiếp cận chương trình giáo dục 12 năm. Nhà lãnh đạo Anh khẳng định tăng cường phổ cập giáo dục là hành động đúng đắn cần phải thực hiện. Bà nêu rõ với nước Anh, đây là “đòn bẩy” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, củng cố sự ổn định và giảm xung đột trên toàn thế giới. Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định thế giới sẽ được hưởng lợi khi trao nhiều quyền hạn hơn cho nữ giới, cho phép họ có điều kiện đưa ra những quyết định sáng suốt hơn.

Phổ cập giáo dục cho tất cả mọi người là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững mà các nước thành viên LHQ công bố năm 2015 với mục đích xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới vào năm 2030.

Được biết, ngày 19/12/2011, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết chọn ngày 11/10 hàng năm làm Ngày Quốc tế trẻ em gái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội nào cho trẻ em gái?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO