Có một làng Quan Tử

Từ Khôi 10/04/2021 16:01

Thời phong kiến, thiết chế làng xã đóng vai trò rất to lớn đến sự phát triển của vùng và rộng hơn là đất nước. Bên cạnh những làng nghề, có những làng nổi lên ở truyền thống hiếu học, khoa bảng, sản sinh cho đất nước những nhân tài. Làng Quan Tử xã Sơn Đông huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc là một làng như thế.

Về tên gọi Quan Tử, có thuyết cho rằng làng Quan Tử xuất hiện từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Ông Hoàng Trường Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc là một người con của làng Quan Tử cho biết: Theo lời người già cao tuổi của làng truyền lại thì vào thời Lê, làng Gốm (làng Quan Tử lúc đó làm gốm) có tới 13 người đỗ tiến sĩ, còn cử nhân, tú tài nhà nào cũng có.

Thủa ấy, theo luật lệ của triều đình, những người tiến sĩ, cử nhân, tú tài có thể được bổ làm quan, nhưng nhất thiết không được làm quan ở quê nhà. Thậm chí các quan không được mang theo vợ con đến địa phương có nhiệm sở. Vì thế vợ con quan đều ở lại làng quê.

Dưới triều vua Lê Thánh Tông, con nhà quan ở làng gốm đông đến mức cứ ra ngõ là gặp. Tiếng lành đồn xa đến tai vua. Nhà vua cảm khái bèn ban cho tên làng là Quan Tử, tức là làng con quan.

Cổng đền Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn

Nhưng cũng có thuyết khác cho là chữ Quan Tử có nghĩa khác. Đó là tên gọi chỉ sự kính trọng của một ngôi làng có nhiều vị đỗ đạt, làm quan. Chữ “tử” ở đây nghĩa là chỉ người có đức hạnh, học vấn cao, ví như người đời sau gọi Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử…

Làng có 12 nhà khoa bảng

Làng Quan Tử có tới 12 người đỗ tiến sĩ thời phong kiến. Người được coi là khai khoa cho làng là Nguyễn Từ. Ông sinh năm 1442, không rõ năm mất. Năm 25 tuổi ông thi đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa thứ 11 (1453), đời vua Lê Nhân Tông. Làm quan đến chức Thiêm đô ngự sử.

Tiếc rằng trong văn bia năm 1878 còn lưu tại đền thờ Đỗ Khắc Chung ở làng không ghi rõ tên tuổi của những người đỗ đạt mà chỉ ghi tên chữ.

Đền thờ Đỗ (Trần) Khắc Chung.

Khi dựng văn bia tại văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc, những cán bộ của Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc đã nghiên cứu và thống kê được các vị đỗ đạt tiến sĩ ở làng Quan Tử như sau: Lê Thúc Chẩn (1435-?). Năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đô ngự sự. Ông là thúc bá của Hoàng giáp Lê Đức Toản, chú của Tiến sĩ Lê Khiết;

Nguyễn Tộ (1440-?). Năm 33 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hiến sát sứ; Nguyễn Trinh (1447-?). Năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư. Ông là anh của Tiến sĩ Nguyễn Tư Phúc, là em của Hoàng Giáp Nguyễn Tộ;

Nguyễn Tư Phúc (1450-?). Năm 28 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), đời Vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Tham chính. Ông cùng Nguyễn Tộ, Nguyễn Trinh là ba anh em trong cùng một nhà, đều đỗ tiến sĩ;

Trần Doãn Hựu (1452-?). Năm 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Lại Bộ Thượng thư;

Lê Đức Toản (1452-?). Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đô ngự sự. Khi nhà Mạc lấy ngôi nhà Lê, ông không chịu làm quan với nhà Mạc. Triều Lê Trung Hưng phong ông là Tiết Nghĩa. Ông là chú của Tiến Sĩ Lê Khiết;

Đặng Thận (1459-?). Năm 26 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), đời vua Lê Thánh Tông. Ông là em của tiến sĩ Đặng Điềm;

Đặng Điềm (1459-?). Năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Hiến sát sứ. Ông là anh của Tiến sĩ Đặng Thận;

Lê Khiết (1464-?). Năm 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Tri huyện. Ông là cháu của Tiến sĩ Lê Thúc Chẩn và Hoàng giáp Lê Đức Toản;

Nguyễn Phu Hựu (1478-?). Năm 28 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505), đời vua Lê Uy Mục. Làm quan đến chức Thượng thư…

Trong lịch sử khoa cử, nếu thống kê số làng có từ 10 người đỗ tiến sĩ trở lên thì danh sách chỉ có 21 làng. Trong đó có Quan Tử. Tuy nhiên đặc điểm khác của Quan Tử là số tiến sĩ đỗ đạt và ra làm quan thời vua Lê Thánh Tông là 10 người.

Làng có 3 di tích Quốc gia

Chùa Am được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1993. Chùa Am thờ Phật theo phái Đại Thừa, được xây dựng vào năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (năm 1696), đến năm 1710 mới hoàn thành. Sau đó, chùa được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn. Chùa Am hiện còn lưu giữ được bộ chuông và khánh bằng đồng, tạo năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (năm 1800).

Theo lời kể của ông Hoàng Trường Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thì vào những năm 70 của thế kỷ 20, chùa bị mất pho tượng đồng đen. Lần gần đây nhất tượng gỗ của chùa bị mất là vào năm 2018. Trải qua thời gian, ngôi chùa đã bị hư hỏng, xuống cấp. Năm 2005, nhà chùa, nhân dân và các phật tử đã đóng góp nhân lực, vật lực để xây dựng, trùng tu, tôn tạo chùa. Đến năm 2015, mới cơ bản hoàn thành quần thể khu di tích lịch sử.

Cổng đền thờ Đỗ (Trần) Khắc Chung.

Đền thờ thành hoàng Đỗ Khắc Chung (1247-1330) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1993. Quan Tử tuy không phải là nơi sinh ra Đỗ Khắc Chung nhưng lại là nơi nhân vật lịch sử này để lại dấu ấn trong cuộc đời của mình lúc chưa nắm giữ những trọng trách trong triều đình nhà Trần.

Bản khai “thần tích - thần sắc” làng Quan Tử, tổng Đông Mật, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên đề ngày 2/4/1938 có ghi: “Ông Đỗ Khắc Chung nguyên là người Giáp Sơn tỉnh Hải Dương, lúc ít tuổi có tài văn võ, học hành rất thông minh, lúc chưa hiển đạt, có đi chơi đến làng chúng tôi… thấy nhân dân phong tục thuần hậu mà ít học hành, Ngài mới lập trường dạy học, nhờ đó nhân dân học tập thông thái, thành ra một làng có ý nghĩa…”.

Cũng nội dung bản khai này cho biết, khi hiển đạt dân làng đã lập miếu thờ (sinh từ). Sau khi mất, nhờ được linh ứng, nên càng được các triều ban sắc phong. Mỗi kì thi Hương, trước đây sĩ tử thường hay làm lễ “cầu khoa” ở ngôi miếu này. Từ thôn Quan Tử, Đỗ Khắc Chung đã vào triều làm quan.

Ông có công trong cuộc đàm phán với tướng giặc Ô Mã Nhi. Ông cũng là người được giao trọng trách vào Chiêm Thành cứu Huyền trân công chúa tránh bị thiêu theo vua Chiêm Thành. Vì lập nhiều công lớn, ông được vua Trần Nhân Tông ban quốc tính thành Trần Khắc Chung.

Cổng đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn

Đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn (1390-1429) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1984.

Bức đại tự Khai quốc nguyên huân trong đền Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn.

Theo ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông: Hiện di tích còn lưu giữ hòn đá cổ, tương truyền được Trần Nguyên Hãn dùng làm mài gươm khi xưa. Hiện hòn đá lớn này được đặt bên phải cổng đền, dưới tán cây đa to lớn do đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng năm 1993.

Hòn đá mài gươm của Trần Nguyên Hãn.

Trần Nguyên Hãn nổi tiếng là nhà quân sự tài ba với trận đánh hạ thành Xương Giang. Nhà sử học Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử đánh giá chiến thắng này chỉ có thể xếp sau trận đánh hạ thành Ung châu của Thái úy Lý Thường Kiệt thời Lý.

Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Phòng văn hóa huyện Lập Thạch, Lãnh đạo xã Sơn Đông và tác giả.

Ngày 7/4/2021, khi làm việc với thiếu tướng Đào Quang Cát (hậu duệ của Trần Nguyên Hãn – Trưởng Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn) và một số thành viên trong Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành và Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc Dương Quang Ứng cho biết tỉnh đã có kế hoạch giao Sở VHTTDL tỉnh xây dựng hồ sơ tôn tạo và quy hoạch để quần thể di tích Đền thờ Trần Nguyên Hãn và các di tích xung quanh thành Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (phải) cùng Thiếu tướng Đào Quang Cát.

Thiếu tướng Đào Quang Cát cũng thông tin tới Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành về việc kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh khẩn trương tôn tạo và trả lại bức tượng Trần Nguyên Hãn bị tháo gỡ năm 2013 tại vòng xoay Quách Thị Trang ở TP Hồ Chí Minh vì thực hiện dự án ga metro Bến Thành. Nay dự án đã hoàn thành nên sớm trả lại.

Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo xã Sơn Đông và tác giả dưới gốc cây lộc vừng vài trăm tuổi trước cổng đền Trần Nguyên Hãn.

Với những giá trị lịch sử văn hóa sâu đậm, nên làng Quan Tử đã được lấy tên để đặt cho một đường phố ở khu vực Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có một làng Quan Tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO