Có nên bỏ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng?

Từ Khôi 27/08/2015 09:25

Trong khi nghiên cứu để sửa đổi Bộ luật Hình sự, Điều 165 “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” đã gây khá nhiều tranh luận tại Quốc hội cũng như giới luật sư.

Với hậu quả gây ra ở độ “khủng”: Thất thoát hơn 80 ngàn tỷ đồng của Vinashin, nhưng ông Phạm Thanh Bình - nguyên Chủ tịch Vinashin chỉ nhận án tù vì một tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền khi góp ý hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (chiều 25/8) đã phát biểu: “Tôi thấy bỏ Điều 165 là không ổn. Nếu bỏ tội này thì nhân dân có đồng ý tha những người vi phạm như Phạm Thanh Bình không?”.

Thực tế, để chứng minh việc quản lý làm thất thoát, gây hậu quả đã khó, chứng minh hành vi tham nhũng lại càng khó hơn. Với tội danh tham nhũng, mức án có thể là tử hình, nhưng nếu chuyển đổi sang tội danh theo Điều 165 có thể chỉ mức án tù chung thân. Vì vậy, nguy cơ mà một số đại biểu Quốc hội cũng như giới luật sư lo ngại là việc tồn tại Điều 165 sẽ là cớ để định tội danh sai. Và ngay bản thân bị can, lẽ ra phải định danh tội theo Điều 165 khi thực hiện tố tụng cũng chuyển thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285).

Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng không nên lấy Vinashin làm ví dụ mà thay đổi một chính sách. Bởi lỗi của Vinashin liên quan đến toàn bộ thể chế quản lý kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, mới đây, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để ngăn ngừa hành vi này. Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Phan Trung Hoài cũng cho rằng: Không nên quy định tội cố ý làm trái mà nên chia ra các hành vi cụ thể.

Về quan điểm nên giữ Điều 165, Thiếu tướng Sùng A Hồng - Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho rằng: Không có Điều 165 “sẽ bỏ lọt tội phạm” vì sẽ không thể xử lý những người thực hiện hành vi có động cơ, mục đích hành vi khác chuyển thể cấu thành tội cố ý làm trái.

Về quan điểm nên bỏ Điều 165, Luật sư Duy Hữu – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Cần thiết phải cụ thể hóa các tội liên quan đến kinh tế, chứ không thể dùng Điều 165 để làm cái túi gom các tội lại khi không xác định rõ hành vi phạm tội cụ thể”.

Luật sư Hoàng Văn Dũng - Văn phòng luật sư Bross và các cộng sự phân tích: “Xét dưới góc độ khoa học luật hình sự, một người chỉ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự khi họ vi phạm một hoặc một số tội đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, nhìn vào Điều 165 Bộ luật Hình sự hiện hành chúng ta thấy chủ thể của tội phạm rất rộng và khách thể thì rất chung chung. Thực tiễn đã cho thấy, rất nhiều tội phạm về chức vụ cũng được “mang” sang áp dụng ở nhóm tội phạm xâm phạm trật tự, trong đó có tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” vì khó hoặc không thể chứng minh được dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm (động cơ, mục đích)”.

Theo Luật sư Dũng, điều này tạo ra một tiền lệ xấu là cơ quan áp dụng pháp luật, đặc biệt là Tòa án có thể đã quá linh động, sáng tạo dẫn đến vi phạm quyền con người của người bị nghi là tội phạm, thậm chí làm oan cho họ. Bên cạnh đó, vì là điều luật có phạm vi điều chỉnh rộng nên nó có thể được suy diễn một cách tùy tiện theo hướng bất lợi để làm phương hại cho bị can, bị cáo – trái với nguyên tắc suy đoán vô tội đã và đang được cả thế giới văn minh áp dụng.

Xuất phát từ mục đích nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề xuất bỏ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165) mà thay thế tội danh này bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, khi mà việc xây dựng luật chưa thể cụ thể hóa hết các hành vi thì cũng không nên phi hình sự hóa những nguy hiểm cho xã hội, nhất là vấn nạn tham nhũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên bỏ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO