Có nên quy định thời hiệu tố cáo?

H.Vũ 27/01/2018 02:48

Thời hiệu tố cáo trong dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Làm sao vừa đảm bảo quyền công dân nhưng lại đảm bảo tính khả thi?

Cơ quan soạn thảo đã đưa ra hai phương án. Một, có quy định về thời hiệu tố cáo. Theo đó, đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì thời hiệu tố cáo là 5 năm, kể từ ngày có hành vi vi phạm; thời hiệu tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước là 3 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm. Còn phương án hai là không quy định về thời hiệu tố cáo.

Hiện đa số thành viên của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành phương án 2 khi cho rằng, thời hiệu xử lý đối với mỗi loại hành vi vi phạm trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước đã được quy định trong các luật khác, không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm nhằm tạo điều kiện cho người dân đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm. Do đó, luật không nên quy định về thời hiệu tố cáo mà chỉ nên quy định nguyên tắc không thụ lý đối với tố cáo về hành vi vi phạm đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm. Còn nếu quy định về thời hiệu tố cáo thì Chính phủ cần giải trình rõ hơn cơ sở của việc lựa chọn thời hiệu là 5 năm hay 3 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm pháp luật.

Thực tiễn cho thấy, có những trường hợp dù hành vi vi phạm pháp luật xảy ra đã lâu, nhưng hậu quả của hành vi đó vẫn chưa được khắc phục, hoặc vẫn đang gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ví dụ như việc sử dụng bằng cấp giả để bảo đảm tiêu chuẩn trong bổ nhiệm cán bộ, công chức, việc cấp giấy tờ, chứng nhận sai cho tổ chức, cá nhân, thì việc quy định thời hiệu cứng như vậy là chưa phù hợp. Theo nhiều chuyên gia, có những hành vi bị tố cáo không liên quan trực tiếp đến người tố cáo, thậm chí có những trường hợp họ chỉ biết hành vi đó một cách vô tình rồi thông báo với cơ quan nhà nước để xử lý. Vì vậy, để tạo điều kiện cho người dân phát hiện, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, tránh tình trạng bỏ sót, bỏ lọt thì luật không nên đặt vấn đề thời hiệu đối với tố cáo. Điều này cũng phù hợp với Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định hiện hành đều không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm hay các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cho rằng, hiện nay những thời hiệu liên quan đều được quy định tại các luật chuyên ngành, ông Ngô Trung Thành, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phân tích: Nếu quy định về thời hiệu tố cáo trong luật sẽ mâu thuẫn ngay với hệ thống pháp luật. Nếu hành vi tố cáo thì chúng ta áp dụng theo quy định của luật này, nhưng hành vi vi phạm pháp luật không tố cáo thì lại áp dụng theo thời hiệu thông thường. Một hành vi mà chúng ta áp dụng thời hiệu khác nhau sẽ dẫn đến rối loạn hệ thống khi triển khai thực hiện.

Theo ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai), thời hiệu xử lý đối với mỗi loại hành vi vi phạm trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước đã được quy định trong các luật khác, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tố cáo. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm nhằm tạo điều kiện cho người dân đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm. Do đó, luật không nên quy định về thời hiệu tố cáo mà chỉ nên quy định nguyên tắc không thụ lý đối với tố cáo về hành vi vi phạm đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm như quan điểm của cơ quan thẩm tra. Phải hiểu đúng bản chất của thời hiệu là để xem xét hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo có còn thời hiệu để truy tố, xử lý trách nhiệm nữa hay không chứ bản chất tố cáo không có thời hiệu. Nếu quy định thời hiệu tố cáo tức là hạn chế quyền tố cáo của công dân.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, cần quy định thời hiệu tố cáo, bởi quy định như vậy sẽ tránh tình trạng nhiều hành vi vi phạm đã xảy ra từ rất lâu, không còn nguy hiểm, hoặc không còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, xã hội, công dân, nhưng cơ quan nhà nước vẫn phải xem xét, thụ lý, gây lãng phí thời gian, công sức. Tuy nhiên cũng nên quy định thời hiệu cho phù hợp, chứ không nên quy định “cứng” là vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ là 5 năm.

Luật gia Đặng Quang Thắng, Hội Luật gia Việt Nam cũng cho rằng, quy định thời hiệu tố cáo là cần thiết vì không cẩn thận có người lợi dụng để tố cáo những việc làm cách đây từ lâu, mỗi khi có tố cáo phải thành lập tổ xác minh và xác minh rất mất thời gian, nhất là tố cáo việc làm của một người cách đây đã 30 năm thì khó có thể làm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên quy định thời hiệu tố cáo?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO