Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân?

T.Dương 23/06/2015 13:36

Chiều nay (23-6), Quốc hội sẽ thảo luận về Luật trưng cầu ý dân. Song qua Báo cáo của Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật trưng cầu ý dân cho biết: "Có ý kiến đề nghị làm rõ ngoài Quốc hội thì cơ quan nào có thẩm quyền quyết định vấn đề trưng cầu ý dân".

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đọc báo cáo thẩm tra
về dự án luật tại kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII ngày 28-5

Làm rõ sự khác nhau giữa trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân

Trước đó vào chiều ngày 3-6-2015, các vị ĐBQH đã thảo luận ở tổ về dự án Luật này. Theo Báo cáo của Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật trưng cầu ý dân thì một số ý kiến đề nghị Luật cần làm rõ sự khác nhau giữa trưng cầu dân ý và lấy ý kiến nhân dân. Khi có Luật trưng cầu ý dân thì có còn hình thức lấy ý kiến nhân dân không? Đề nghị làm rõ phạm vi và hiệu lực của việc trưng cầu (thăm dò) ý kiến nhân dân có thể chia thành 3 loại: hiệu lực trên toàn quốc; hiệu lực của cộng đồng, của địa phương; không có hiệu lực bắt buộc mà chỉ mang tính tham khảo.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật còn nặng về quy định trình tự, thủ tục mà thiếu các quy định mang tính quy phạm. Đề nghị chỉnh lý lại theo hướng quy định mang tính nguyên tắc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm, còn trình tự, thủ tục nên quy định tại văn bản hướng dẫn. Vấn đề quan trọng là tuyên truyền để người dân hiểu về trưng cầu ý dân, còn quy trình, thủ tục nên viện dẫn thực hiện theo Luật bầu cử. Ý kiến khác cho rằng, Luật chỉ nên quy định về quy trình, thủ tục trưng cầu ý dân, còn nội dung trưng cầu ý dân là do Quốc hội quyết định.

Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần có 1 Chương về phúc quyết Hiến pháp để giải quyết một cách trọn vẹn vấn đề Quốc hội làm Hiến pháp, đưa ra dân phúc quyết toàn bộ Hiến pháp, không nên trưng cầu từng điều khoản của Hiến pháp mà phúc quyết toàn bộ. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định. Đề nghị bổ sung quy định về trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Qua thảo luận ở tổ cũng cho thấy, một số ý kiến cho rằng, quy trình trưng cầu ý dân còn nặng nề như quy trình tổ chức bầu cử, rất khó thực hiện, nội dung quy định chưa rõ ràng; dự thảo chưa đáp ứng được mong muốn của người dân; nhiều quy định chưa bảo đảm theo tinh thần Hiến pháp, cần bám vào quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội.

Mặt khác, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về các hình thức trưng cầu ý dân bằng 2 loại: bằng phiếu và bằng hình thức khác như xin chữ ký; làm rõ hình thức bỏ phiếu kín trong trưng cầu ý dân, đề nghị cân nhắc việc bỏ phiếu điện tử trong trưng cầu ý dân.

Đề nghị quy định cụ thể những trường hợp cần trưng cầu ý dân

Liên quan đến những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Báo cáo của Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ cho biết: Đa số ý kiến tán thành với quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật nhưng cho rằng, những nội dung đề nghị trưng cầu ý dân còn chung chung, chưa có tiêu chí xác định cụ thể; khó khả thi khi thực hiện. Một số ý kiến đề nghị làm rõ tiêu chí xác định “những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội” là những vấn đề nào?. Đề nghị sửa lại theo hướng Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về những vấn đề quan trọng khác để bao quát hơn. Một số ý kiến đề nghị quy định trưng cầu ý dân những vấn đề lớn liên quan đến quốc dân đồng bào, còn những vấn đề mang tính chất địa phương, cục bộ nên giao cho chính quyền địa phương quyết định. Theo đó, cần quy định rõ vấn đề nào trưng cầu dân ý trên cả nước?, vấn đề nào trưng cầu dân ý ở địa phương?

Một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể các vấn đề Quốc hội trưng cầu ý dân?, vấn đề nào không tổ chức trưng cầu ý dân? và các tiêu chí để xác định những vấn đề quan trọng của đất nước. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn những trường hợp cần trưng cầu ý dân, ví dụ như những vấn đề liên quan đến dân sinh, vấn đề quan trọng của đất nước, các chế định pháp luật quan trọng, dự án kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; những vấn đề phù hợp với Hiến pháp nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhân dân và nên ở tầm vĩ mô.

Đặc biệt, có ý kiến đề nghị làm rõ ngoài Quốc hội thì cơ quan nào có thẩm quyền quyết định vấn đề trưng cầu ý dân. Có ý kiến đề nghị quy định những vấn đề gì đã được trưng cầu ý dân thì không được tự ý sửa đổi mà phải tổ chức trưng cầu ý dân lại về vấn đề đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO