Cơ quan nhân quyền Philippines nhận ngân sách... 20 USD

Linh Chi 14/09/2017 09:00

Các nhà lập pháp đồng minh với Tổng thống Philippines Rodrigo Dutertes trong hôm 13/9 đã bỏ phiếu để thông qua khoản ngân sách thấp kỷ lục chỉ 1.000 peso (20 USD) cho Ủy ban Nhân quyền (CHR) của nước này, một cơ quan liên tiếp lên án cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte thời gian qua.

Có khoảng 3.800 nghi phạm ma túy bị chết trong vòng 13 tháng kể từ khi Tổng thống Duterte nắm quyền. (Nguồn: AOL).

Ngân sách gần như không

Khoảng 4/5 tổng số thành viên của Hạ viện Philippines đều ủng hộ việc cắt giảm ngân sách đối với CHR xuống mức gần như... không có, điều mà giới phê bình chiến dịch chống ma túy của ông Duterte gọi là "đòn trả đũa" đối với các nỗ lực của cơ quan này trong việc điều tra hàng nghìn vụ án mạng trong vòng 15 tháng qua.

Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình, Chủ tịch Hạ viện Philippines Pantaleon Alvarez, một đồng minh thân cận của Tổng thống Duterte, đã nói rằng CHR xứng đáng nhận được nguồn ngân sách thấp vì là một cơ quan "vô dụng" và bảo vệ quyền của những kẻ tội phạm.

"Nếu các bạn muốn bảo vệ quyền lợi của những kẻ tội phạm, hãy tự chi ngân sách của bạn cho những kẻ tội phạm" - ông Alvarez nói - "Điều đó rất đơn giản. Tại sao các bạn lại nhận được ngân sách từ chính phủ trong khi không làm tốt công việc của mình?".

Nghị sỹ Edcel Lagman cho hay có 32 nhà lập pháp trong Quốc hội Philippines đã phản đối động thái trên trong một cuộc tranh luận. Ông cho hay những người ủng hộ Tổng thống Duterte "rõ ràng đang tuyên án tử đối với một văn phòng được ủy thác độc lập và được thành lập theo đúng Hiến pháp".

Trước đó, CHR đề nghị nguồn ngân sách 1,72 tỷ peso trong năm tài khóa 2018, nhưng chính phủ Philippines chỉ đề xuất mức 678 triệu peso. Sau đó, Quốc hội nước này đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu và nhất trí cắt giảm ngân sách cho CHR xuống chỉ còn 1.000 peso, một khoản cắt giảm kỷ lục từ mức ngân sách 749 triệu peso mà cơ quan này nhận được năm 2017.

Nguồn ngân sách cho CHR vẫn cần phải có thêm một cuộc bỏ phiếu nữa mới có thể được thông qua, tức sự phê chuẩn từ Thượng viện Philippines trước khi nó được thực thi. Các nhà quan sát nhân quyền nói rằng CHR là một thể chế quan trọng nhưng không thể có nổi một cơ hội sống sót nếu như không có một nguồn ngân sách đầy đủ.

"Bầu không khí sợ hãi"

Phelim Kine, Phó Giám đốc tổ chức Quan sát nhân quyền khu vực châu Á, cho rằng sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc cắt giảm ngân sách dành cho CHR một cách thậm tệ như vật là "một phần trong nỗ lực của chính quyền của ông Duterte trong việc ngăn chặn các thể chế độc lập điều tra".

Agnes Callamard, đặc phái viên chuyên báo cáo về các vụ giết người không qua xét xử của LHQ, nói rằng người dân Philippines xứng đáng có được một tổ chức nhân quyền độc lập có khả năng điều tra ngay cả chính phủ.

"Cuộc chiến chống ma túy này không chỉ thấy bại trong việc giảm bớt tỷ lệ nghiện mà còn tạo ra một bầu không khí sợ hãi và mất an ninh, gây tổn hại tới thể chế đất nước" - bà Callamard viết trên tài khoản Facebook.

"Nếu như Quốc hội Philippines đang muốn để cho đồng tiền công bị lãng phí, tổn hại tới xã hội Philippines, thì đây chính là điều đó" - bà Callamard nói thêm.

CHR từ lâu đã phàn nàn, họ thiếu thốn nhân lực và các nguồn lực khác để tổ chức các cuộc điều tra về hàng loạt vụ giết người, phần lớn trong số này được các nhà hoạt động cho là con nghiện và những kẻ bán lẻ thuốc phiện, trong khi có rất ít các vụ bắt giữ các ông trùm buôn ma túy.

Tuy nhiên, hiện người dân Philippines phần lớn ủng hộ chiến dịch chống ma túy này và cho rằng nó là một giải pháp để giảm tỷ lệ tội phạm.

Trong khi đó, giới phê bình cho rằng, cảnh sát Philippines đang lợi dụng chiến dịch này để hành quyết các nghi phạm ma túy, và nói rằng chính sách này là sai lầm. Tổng thống Duterte đã cực lực bác bỏ luận điệu trên và cho rằng các vụ việc cảnh sát giết nghi phạm là buộc phải nổ súng để tự vệ khi những kẻ tội phạm chống trả.

Người đứng đầu CHR, ông Chito Gascon, nói rằng nguồn ngân sách chỉ vỏn vẹn 20 USD mà Hạ viện thông qua là một âm mưu để buộc ông phải từ chức. Ông nói rằng ông sẽ đưa vấn đề này ra trước Tòa Hiến pháp nếu cần.

"Nguyên nhân chính mà tôi không thể từ chức chính là do từ chức sẽ chỉ làm tổ chức của chúng tôi suy yếu thêm" - ông Gascon nói - "Yêu cầu tôi từ chức sẽ chỉ dẫn tới việc khiến cho CHR luôn phải chịu sức ép từ chính trị".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ quan nhân quyền Philippines nhận ngân sách... 20 USD

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO