Có tiền nhưng vẫn khó xài

Nam Việt 03/11/2019 07:44

Đó là chuyện giải ngân vốn đầu tư công quá chậm.

Có tiền nhưng vẫn khó xài

Tác giả là Trưởng ban Thư ký tòa soạn Báo Đại Đoàn Kết.

Chuyện này có cũ không? Cũ rồi! Vậy thì nói làm gì nữa? Trả lời: Vì nó vẫn khó nhúc nhích mà như thế sẽ tác động xấu tới nhiều lĩnh vực. Nên thiết nghĩ vẫn cứ phải nói.

Còn nhớ, tại hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công ngày 26/9, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2019 Quốc hội phân giao 429.300 tỷ vốn đầu tư công. Số vốn giao kế hoạch chi tiết đã đạt hơn 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán Quốc hội giao. Nhưng ông Dũng cũng thừa nhận vốn giải ngân rất chậm, hết tháng 9 mới đạt hơn 192.130 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch Quốc hội giao. Nên nhớ, đầu tư công hiện chiếm gần 11% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019. Vì thế, nếu nguồn vốn quý báu và khổng lồ đó cứ “nằm yên trong két” thì xã hội sẽ không được gì.

Điều đó dễ hiểu. Nhưng khó hiểu chính là vì sao giải ngân đầu tư công lại chậm?

Nước ta còn nghèo, vốn đầu tư công cho phát triển ít, Chính phủ phải lo toan đủ bề, kể cả đi vay mượn nước ngoài. Chỉ đôi ba năm trước thôi, Bộ nào ngành nào, địa phương nào cũng kêu thiếu tiền. Do đó mới có chuyện “chạy”: Chạy dự án, chạy kinh phí… làm nảy sinh biết bao hệ lụy. Nay có tiền Chính phủ cấp cho đấy nhưng lại không đưa được nó vào xây dựng, sản xuất, kinh doanh. Nghĩ cũng lạ đời! Nguồn tiền để phục vụ đầu tư công kiếm được phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, nhưng không giải ngân được thì đó chính là sự lãng phí, lãng phí khủng khiếp do số tiền rất lớn.

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Vậy thì thôi, xin được chuyển sang một ý khác: Vì sao giải ngân vốn đầu tư công chậm? Con số cho thấy đến hết tháng 9 năm nay có đến 29 Bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%. Có Bộ lại còn chưa giải ngân được đồng vốn nào. Một thực tế đầy lo lắng, lo lắng vì đó là nghịch lý. Ai cũng nêu ra lý do cả chủ quan lẫn khách quan để biện hộ cho việc giải ngân chậm. Ai cũng nghĩ là lỗi ở đâu đó chứ không phải lỗi của mình. Nhà quản lý, giới chuyên gia “xông vào” lý giải, nghe ra cũng bùi tai nhưng thực tế vẫn là thực tế. Lãng phí vẫn là lãng phí khi đồng tiền của nước của dân đóng băng trong tài khoản.

Có điều, trên các diễn đàn chính thức ít ai nói ra nhưng vẫn nói rì rầm bên bàn trà chén nước, ấy là những người được giao tiền sợ trách nhiệm, sợ sai nên nhìn trước ngó sau, không dám làm. Không làm thì chỉ bị phê bình nhắc nhở, làm ngộ nhỡ sai thì… đi tù. Lại cũng có người cho rằng ngày xưa xài vốn đầu tư công như xài… “tiền chùa”, chấm mút được không ít. Nay, kiểm soát chặt chẽ, hở ra… chết liền, nên khó xà xẻo, thế thì làm để làm gì (?).

Không rõ điều đó đúng hay sai nhưng suy cho cùng cứ “gõ” vào mấy vị đứng đầu được giao vốn đầu tư công là ra hết, là công việc phải chạy. Nếu không giải ngân được thì chuyển vốn sang cho nơi khác, mạnh hơn là thay người, có lẽ nào việc lại không chạy. Tìm ra tiền mới khó chứ có tiền rủng rỉnh rồi thì khó mấy cũng làm được. Vấn đề là có dám chịu trách nhiệm, có trong sáng hay không mà thôi.

Nói đến đây lại nghĩ: Sao có nhiều nơi khổ thế, xin mãi xin hoài cũng không được cho ít vốn mà làm ăn. Rồi thì những người nghèo, nhóm yếu thế trong xã hội tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng khó như lên giời. Đằng này, có tiền để yên đấy. Nghĩ sao cho đành?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có tiền nhưng vẫn khó xài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO