Cội bồ đề

Cẩm Thúy 12/11/2019 17:17

Mọi nhân duyên ở đời có lẽ không phải đều bỗng nhiên vô cớ. Nó là một quá trình đi và sống, tích lũy đủ thì thành duyên!

Cội bồ đề

1. Hoàng hôn ở Lâm Tỳ ni buông xuống rất nhanh. Một hoàng hôn với những quầng sáng rực rỡ, cùng màu với những bóng cà sa tư thế ngồi thiền tĩnh lặng, từng góc, từng góc. Thời gian như ngưng lại ở nơi này. Khi đứng ở Lâm Tỳ ni – nơi mà vào năm 624 trước Công nguyên là một địa danh cách kinh thành Ca Tỳ La Vệ khoảng 25 km (nay là một địa danh thuộc Nepal), nơi Hoàng hậu Maya hạ sinh Thái tử Siddhattha Gotama – nghe kể về cuộc đời Đức Phật, về những ngàn năm bãi bể nương dâu lại khiến cho người ta bỗng nhiên có cảm giác rất bùi ngùi.

Này đây là phiến đá in dấu bàn chân nhỏ, nơi mà Ngài bước đi bảy bước mỗi bước nở một đoá sen. Những phiến đá đã có nhiều thế kỷ vùi sâu dưới lòng đất qua những cuộc hưng vong dâu bể. Tôn giáo nào cũng hướng thiện nhưng cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng trên thế giới thì chưa bao giờ bình lặng.

2. Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) là một thành phố ở quận Gaya, Bihar (Ấn Độ). Dòng thông tin ít ỏi ấy không lý giải được hết lý do vì sao thái tử Tất đạt đa Cổ đàm lại chọn bờ sông Falgu này để ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề - sau 49 ngày đêm - Ngài đã đạt tới giác ngộ và thấu hiểu. Bây giờ ở nơi này bóng bồ đề vẫn quanh năm râm mát. Một đồng nghiệp thì thào khi chúng tôi cùng đi nhiễu xung quanh tháp Đại Giác: Chạm vào Đức Phật em như thấy có luồng điện toả ra.

Chắc chắn không phải mình cô nhà báo có cảm giác ấy, những dòng người quanh năm suốt tháng không bao giờ dứt vẫn tìm về đây, chọn một chỗ ngồi thiền hay đi nhiễu quanh tháp và cội bồ đề, vẫn tìm thấy cho mình năng lượng toả ra từ trí tuệ và từ bi của Đức Phật. Hành trình tới giác ngộ và giải thoát cho dù đã được Đức Phật bằng cuộc đời mình chỉ ra, thì sống để đạt tới an lạc vẫn là sự vật lộn chưa bao giờ dễ dàng đối với mỗi con người trong thế giới bao la đầy rẫy khó khăn, cám dỗ và phù hoa này... Chỉ có điều, cái cảm giác ngồi dưới tán bồ đề là rất thật, rằng trước Phật, mọi người đều bình đẳng, dù đến đây trong tâm thế nào, thực hành nghi lễ bằng hình thức nào thì ở trên cao, Phật vẫn mỉm cười, bao dung. Cũng rất thật, ở bên ngoài cổng, chỗ bắt đầu bước vào khu thánh tích này, những người bán hàng rong và những đứa trẻ Ấn Độ đã học để nói được câu niệm chú bằng tiếng Việt: Nam mô bổn sư Thích ca Mâu ni Phật, chỉ cốt để khách người Việt mềm lòng mà mua hàng hay cho tiền. Không phong phú, bộn bề phức tạp không phải là cuộc đời. Mà đa phần chúng ta, tìm đến gốc bồ đề, chiêm nghiệm để tiếp thêm năng lượng, là để tiếp tục cuộc đời mỗi người, theo mỗi cách.

3. Thành phố Varanasi (thành Ba La Nại) nơi có vườn Lộc Uyển nằm bên sông Hằng huyền thoại. Chúng tôi ngồi ở vườn Lộc Uyển (Sarnath), đọc theo thầy bài kinh Chuyển Pháp Luân – bài pháp đầu tiên Đức Phật giảng ở đây. Nắng vàng rực rỡ trên đỉnh tháp Chuyển Pháp Luân, trên những nền móng di tích được trưng bày nguyên trạng. Ở đây, trong khu vườn này còn có tháp mang tên Hạnh Ngộ. Quả là hạnh ngộ trong cuộc đời không dễ giải thích, đành phải nương vào chữ duyên. Mỗi chuyến đi là một nhân duyên đẹp đẽ.

Và đôi khi bài học nhận được trong cuộc đời lại không phải chỉ ở bài giảng kinh pháp. Ví dụ như tôi học được bài học tự xoay xở không phiền nhiễu đến ai và bao giờ cũng có mặt đúng giờ từ Thượng tọa Thích Giác Hiệp trong suốt cả hành trình. Ở sân bay, thầy bao giờ cũng đi trước, và luôn có ý chờ để hướng dẫn cho người phía sau. Cũng ở sân bay, thầy khuyến khích tôi nên ăn thử một cốc mì tôm, để biết gia vị masala đặc trưng Ấn Độ...

Ví dụ như tôi học được ở bà – chúng tôi nhất loạt gọi bà như thế chứ không gọi tên, bà cụ 84 tuổi trong đoàn – một bài học tinh thần vô giá. Không có điều gì được mang tên là ưu tiên đối với bà. Bà bình đẳng với thanh niên, không chịu cho ai nhường chỗ. Bà đi nhiễu ở các thánh tích đủ 3 vòng, bền bỉ, không mỏi mệt. Bà tươi cười và ân cần chu đáo hỏi han mọi người… Đôi khi, trong lúc đi bộ, tôi định ngồi xuống nghỉ, nhìn thấy bà đang kiêu hãnh bước đi, bèn bỏ ngay ý định đấy.

Sẽ còn đọng lại rất lâu hình ảnh ngài Đại sứ cúi xuống cầm dép của mình và của người thân đi bộ một quãng rồi xếp lên chỗ giá để dép theo đúng qui định khi chúng tôi bước vào Lâm Tỳ ni vào một buổi xế chiều. Ở bên kia biên giới là đất nước Ấn Độ rộng lớn – nơi Đức Phật thành đạo, hành đạo và nhập Niết bàn, bước qua bên này là Nepal – nơi có thánh tích Đức Phật đản sinh. Nhưng dù bên kia hay bên này thì Đại sứ Việt Nam vẫn chỉ là một người – Đại sứ Phạm Sanh Châu là Đại sứ Việt Nam ở cả 3 nước Ấn Độ, Nepal và Butan. Thế cho nên cái hình ảnh giản dị của Đại sứ gây ấn tượng khá mạnh, như lúc nhập cảnh vào Nepal, ông trực tiếp trình bày câu chuyện với bộ phận xuất nhập cảnh, hay ông tận tình hướng dẫn mọi người như một tourguide sành điệu, chả nề hà gì...

Mọi nhân duyên ở đời có lẽ không phải đều bỗng nhiên vô cớ. Nó là một quá trình đi và sống, tích lũy đủ thì thành duyên!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cội bồ đề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO