Coi chừng chuẩn hình thức

Vi Cầm 05/04/2019 08:00

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện. Một trong những điều đáng chú ý mà dự thảo đưa ra là về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên, được quy định tại Điều 72 của  dự thảo Luật về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: Có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm đối với giáo viên Tiểu học, THCS, THPT.

Đồng tình với yêu cầu phải nâng chuẩn giáo viên, nhiều ý kiến đóng góp vẫn không khỏi băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn giáo viên. Vì cả nước hiện còn đến 40% (khoảng 160.000) số giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ CĐ trở xuống, trong đó chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất, sau khi Luật sửa đổi ban hành cũng cần có lộ trình thực hiện cụ thể với những địa bàn, khu vực khó khăn chưa đáp ứng được ngay các chuẩn đặt ra để giúp các địa phương này thực hiện theo chuẩn mới. Việc đi học nâng cao trình độ đối với các giáo viên trẻ có thể khả thi, song với những giáo viên đã lớn tuổi thì việc nâng chuẩn mới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả vì không phải ai cũng có thể đi học nâng cao trình độ được.

Nhưng cũng có không ít những ý kiến cho rằng: Việc nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp lên CĐ có thực sự cần thiết hay không? Nếu làm không đến nơi đến chốn, rất có thể sẽ tạo ra phong trào “chạy” bằng cấp”... kiểu đối phó.

Tại cuộc họp sáng 4/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lấy ý kiến đại biểu chuyên trách góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, cũng có không ít ý kiến bày tỏ về yêu cầu quy định giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ ngoại ngữ khiến nhiều giáo viên phải khổ sở để “chạy” lo việc này.

Những lo lắng ấy hoàn toàn có cơ sở, bởi hiện tại ở một số địa phương giáo viên cho hay, họ đã bắt đầu phải đi học lớp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên để nâng “chuẩn”. Theo đó, mỗi giáo viên phải đóng 2,5 triệu đồng. Theo như giải thích, là do những giáo viên này đang giảng dạy đã đạt chuẩn ở thời điểm họ được tuyển vào ngành giáo dục, nhưng hiện chưa đáp ứng được yêu cầu mới thì các địa phương, trường học cho phép/tạo điều kiện để họ nâng cao trình độ bằng hình thức khác như tham gia vào khóa học ngắn hạn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

Số tiền hơn 2 triệu bỏ ra không phải là quá lớn, nhưng rõ ràng việc giám sát quá trình đào tạo nâng chuẩn nhà giáo rất cần thiết- để ngành giáo dục đạt được “chuẩn” thực chất. Do đó, Bộ GDĐT chỉ cho phép những cơ sở đào tạo nào đủ năng lực, uy tín, có trách nhiệm mới được cấp bằng chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm. Điều này nhằm tránh trường hợp mua bán chứng chỉ sư phạm diễn ra ở nhiều nơi, người học thì không học thực sự, chỉ cần có tiền, đăng ký ghi tên là có thể “mua” được chứng chỉ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Coi chừng chuẩn hình thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO