Coi chừng ‘tiền mất, tật mang’

Minh Phương 17/07/2020 07:55

Kể từ khi thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ cho tới nay, việc mua thực phẩm trực tuyến tăng lên. Tuy nhiên, việc mua thực phẩm trên các trang mạng lại tiềm ẩn những rủi ro vì người mua không trực tiếp đến xem sản phẩm. Theo khảo sát của PV Đại Đoàn Kết, có không ít khách hàng mua phải thực phẩm rởm, kém chất lượng... mà không biết kêu ai.

Cảnh giác với mua hàng thực phẩm online/Doanhnhantre.

Chỉ cần một cú click chuột

Chỉ một cú click chuột, thế giới đồ ăn, các loại thực phẩm vô cùng phong phú và bắt mắt sẽ được bày hàng loạt trên các trang mạng xã hội. Tại thế giới tưởng như ảo mà rất thật này, người tiêu dùng có thể mua bất cứ sản phẩm gì mình cần. Đơn cử, tại một chợ thực phẩm online ở Hà Nội, qua các trang mạng xã hội, có thể dễ dàng tìm thấy bất cứ loại thực phẩm nào mình đang có nhu cầu. Từ thịt lợn, thịt bò, xương ống, sườn…. cho đến các loại hoa quả trái cây, chè, kem được rao bán rất sôi động.

Chị Trương Thanh Trà (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, kể từ đợt phải giãn cách xã hội, trong gia đình chị đã hình thành thói quen đặt hàng ăn qua mạng. “Điểm đặc biệt của việc mua đồ ăn online này là người tiêu dùng không phải đến tận nơi để nhận đồ như cách bán hàng truyền thống, mà chỉ việc ngồi ở nhà nhấp chuột và chuyển tiền, chỉ vài phút sau là người mua sẽ nhận được hàng, rất thuận lợi và giảm nhiều loại chi phí” – chị Trà nói.

Còn chị Bùi Thị Hồng (Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ, từ sau khi hết giãn cách xã hội, cộng việc bận rộn hơn nên chị thường phải mua đồ ăn, hàng thực phẩm online trên các mạng xã hội để giảm bớt chi phí di chuyển và thời gian. “Bất kể thứ gì mạng xã hội cũng có để bán, không thiếu một loại gì, từ gà, vịt cho đến hải sản tươi sống… đều dễ dàng đặt hàng và được giao hàng tận nơi. Thuận tiện đủ đường nên gần đây, tôi chọn hình thức mua hàng trực tuyến và các ứng dụng Thương mại điện tử thay vì phải đến tận nơi như trước kia” – chị Hồng nói.

Không phủ nhận, càng ngày công nghệ càng phát triển kéo theo việc người tiêu dùng cũng sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ. Các cửa hàng truyền thống dần dần cũng phải chuyển mình để thích nghi với thời kỳ mới. Tuy nhiên, việc mua bán online có đặc điểm là người mua không gặp trực tiếp người bán, nên tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, nguy cơ đối với người tiêu dùng.

…nhưng phải cảnh giác “tiền mất, tật mang”

Bên cạnh việc tiện lợi, nhanh chóng, việc mua thực phẩm online cũng mang đến cho khách hàng nhiều tình huống phiền toái. Rủi ro thường gặp phải kể đến tình trạng “treo đầu dê bán thị chó” của một số cửa hàng online. Có nghĩa là hình ảnh chụp lên quảng bá trên trang mạng lại hoàn toàn khác xa với thực tế.

Đơn cử, theo chị Nguyễn Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội), khi thấy trên một trang mạng xã hội có tên “Cộng đồng dân cư” chuyên bán sỉ, lẻ… có bày bán mực khô với giá chỉ 100.000 đồng/con, nhìn hình thấy con mực to và bắt mắt, chị Liên đặt luôn 5 con. Thế nhưng khi nhận được sản phẩm lại khác xa so với hình ảnh. Do số tiền không nhiều nên chị đành cho qua.

“Mà có phản ánh hay thắc mắc thì cũng chẳng giải quyết được gì vì mình đâu có biết địa chỉ thật của họ”, chị Liên phàn nàn.

Không ít trường hợp, người mua mất niềm tin vì mua phải những thực phẩm có chứa chất phụ gia, hoặc những thực phẩm trên quảng cáo là tươi ngon nhưng khi đến tay khách hàng thì lại hư hỏng, hàng hết date, hàng không được bảo quản trong khi quy định là phải có bảo quản… gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Thêm vào đó, phần lớn mặt hàng được rao trên mạng xã hội không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể hoặc không có hóa đơn, chứng từ... Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng chịu thiệt mà còn ảnh hưởng đến những cơ sở kinh doanh chân chính khác.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, thương mại điện tử phát triển mang lại nhiều lợi ích cho xã hội tuy nhiên, gần đây tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng tràn lan hơn trên sàn thương mại điện tử. Không chỉ bày bán các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm làm giả, nhái thương hiệu, nhiều trang mạng xã hội còn bày bán thực phẩm chất lượng kém, độc hại… có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Trước nhu cầu mua sắm thực phẩm online của người tiêu dùng tăng cao, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) khuyến cáo, việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, để bảo vệ quyền lợi, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Các website phải cung cấp đầy đủ những thông tin liên quan về chủ sở hữu website, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng…

Theo lời khuyên của giới chuyên gia, nếu mua hàng qua mạng xã hội, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng đã được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, theo khuyến cáo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua thực phẩm ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng để tránh những rủi ro đáng tiếc có thê xảy ra, nhất là đối với những mặt hàng thực phẩm liên quan trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Coi chừng ‘tiền mất, tật mang’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO