'Combo' ngập đường, kẹt xe

Miên Thảo 08/06/2020 14:10

Bao giờ “combo” ngập đường, kẹt xe ở TP HCM mới chấm dứt?

'Combo' ngập đường, kẹt xe

Sau mưa, nhiều điểm ngập úng cục bộ. Ảnh minh họa.

Tuy mới vào mùa mưa nhưng nhiều khu vực tại TP Hồ Chí Minh đã mấy phen ngập lụt. Tính sơ sơ, trận mưa chiều 25/5, chiều 1 và 3/6 đã khiến nhiều người khốn khổ vì mặt đường nước phủ lênh láng, xe cộ kẹt cứng. Người ta nói vui, đó là “combo” đủ cả “hai món” là ngập lụt và kẹt xe. Đáng tiếc, đây lại là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của thành phố này và nhìn về phía trước thì cũng không thấy sáng sủa gì. Người dân thành phố thao thức, vì sao lại như vậy?

Còn nhớ, cuối năm 2019, dân tình hốt hoảng trước thông tin TP HCM sẽ “biến mất” vào năm 2050 do triều cường, ngập lụt. Tin dữ này đến từ Climate Central (một tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, Mỹ) trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications. Theo đó, nước biển dâng do biến đổi khí hậu có thể xóa sổ một số thành phố ven biển, trong đó có TP HCM của Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TNMT) cho rằng, đây là thông tin chưa đủ cơ sở khoa học do chỉ dựa trên các giả định cực đoan.

Thôi thì cũng yên tâm phần nào. Nhưng trên thực tế, không đợi đến triều cường mà chỉ cần mưa lớn thôi thành phố này cũng đã lúng túng. Các điểm đen ngập úng gần như song hành với những điểm đen ùn tắc. Riêng với ngập úng, nhắm mắt lại cũng có thể kể ra một loạt điểm, đó là nhiều tuyến đường các quận 2, 4, 7, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức. Trong đó nặng nhất là các tuyến thuộc khu vực vùng trũng, như đường Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) ngập kéo dài từ bến Phú Định ra đến khu vực giao cắt với đường Võ Văn Kiệt. Đường Huỳnh Tấn Phát ngập nặng đoạn qua huyện Nhà Bè, tuyến đường Bình Quới ở phường 28, quận Bình Thạnh; hay như khu vực bến Phú Định, khu vực bến Mễ Cốc (quận 8), Khu dân cư Nam Long (quận 9)… Còn các khu vực như Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, QL13 (quận Bình Thạnh), An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến bến Phú Định), Gò Dầu, Mai Hắc Đế, Lương Văn Can, Cao Văn Lầu, Mai Xuân Thưởng... cũng được “gọi tên”. Riêng với “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) thì tình hình còn nan giải hơn rất nhiều, cho dù những đơn vị liên quan lại mới hứa rằng đến tháng 4/2021 sẽ hết ngập.

Từ trước tới nay TP HCM đã triển khai các giải pháp chống ngập do triều cường nói riêng và chống ngập úng nói chung, đã và đang đầu tư hàng loạt dự án khủng với con số vài chục nghìn tỷ đồng. Nhưng dòng nước vẫn cứ cuồn cuộn, người và xe cộ vẫn cứ bì bõm. Nói ngay như trận mưa chiều vắt vào đêm 1/6 vừa qua, tại khu vực chợ Thủ Đức, nước ồ ạt chảy từ đường Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân về các đường quanh chợ, cô lập khu vực. Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận, hệ thống thoát nước các tuyến đường khu vực này nhỏ và đã xuống cấp nên không đáp ứng được việc thoát nước khi mưa lớn. Vậy chẳng lẽ bó tay?

Nói đến đây, chợt nhớ chuyện một “bà Hội đồng” đề xuất người dân chống ngập… bằng lu chứa nước. “Ý tưởng” này bị chê cười dữ quá nên ngay lập tức đã mất tăm. Nhiều người thông cảm thì cho rằng, cũng là do bí quá nên nghĩ quẩn một chút cũng không sao. Vậy thì làm gì để có cách xử lý đúng đây?

Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo; đã có rất nhiều dự án triển khai nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Sốt ruột lắm rồi. Nhân đây nhắc lại ý kiến của TS.KTS Nguyễn Văn Châu (Hội Kiến trúc sư TP HCM) khi ông cho rằng chống ngập không đơn thuần là nâng đường và bơm thoát nước. Cũng không thể tham khảo, học hỏi cách quy hoạch đô thị và xử lý nước thải ở các nước phát triển theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, tốn tiền vô ích. Ông Châu cũng muốn cơ quan quản lý nên bỏ thói quen hô hào, làm việc theo phong trào mà phải tập trung vào xử lý, điều chỉnh xuyên suốt, liên tục. Xây dựng bờ bao và kè, quan trọng nhưng chưa đủ mà phải giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan mới hiệu quả.

Vị kiến trúc sư này cũng cho rằng số tiền bỏ ra càng lớn thì càng cho thấy sự quyết tâm giải quyết vấn đề của chính quyền. Tuy nhiên ở một góc nhìn khác thì lại cho thấy sự bất lực của các cơ quan quản lý với căn bệnh trầm kha này.

Trở lại vấn đề: Vậy thì bao giờ “combo” ngập đường, kẹt xe ở TP HCM mới chấm dứt?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Combo' ngập đường, kẹt xe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO