Công bố chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI): Tham nhũng vặt vẫn phổ biến

Lục Bình 12/04/2016 22:45

Sáng 12/4, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam (VFF-CRT), và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015.

Công bố chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI): Tham nhũng vặt vẫn phổ biến

Ảnh minh họa.

Nhiều chỉ số giảm điểm

TS Đặng Hoàng Giang- đại diện UNDP cho biết: “Các điểm chỉ số nội dung: công khai, minh bạch và kiểm soát tham nhũng đều giảm mạnh. Các điểm chỉ số: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân cũng giảm đáng kể. Chỉ có chỉ số cung ứng dịch vụ công là tăng nhẹ”. Cụ thể, chỉ số “công khai, minh bạch” đã giảm hơn 7% số điểm so với PAPI 2014.

Ở nội dung này, tỉ lệ người dân được biết đến danh sách hộ nghèo giảm đáng kể và trong số ít những người biết đến danh sách hộ nghèo, chỉ có một số nhỏ tin tưởng và độ xác thực của danh sách hộ nghèo. Số người dân được biết thông tin về thu, chi ngân sách cấp xã/phường cũng thấp hơn trước và trong số người được biết thì độ tin cậy của họ vào tính xác thực của thông tin cũng giảm xuống. Mức độ công khai, minh bạch về kế hoạch sử dụng đất, khung giá đất ở địa phương tiếp tục giảm sút và người dân ít có cơ hội đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất địa phương như trước.

Đáng chú ý, theo TS Đặng Hoàng Giang, vể kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, kết quả khảo sát PAPI 2015 cho thấy mức độ “kinh niên” khi chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” tiếp tục giảm 3% điểm so với năm 2014. Các chỉ tiêu đo mức độ hối lộ trong các trường tiểu học công lập và khu vực hành chính công, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thấy tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, chung chi, đòi bồi dưỡng thêm để nhận dịch vụ tốt hơn có xu hướng gia tăng.

Đa số ý kiến trả lời của người dân cho thấy tình trạng vị thân và tham nhũng trong chính quyền địa phương đang rất phổ biến. Kết quả phân tích cũng cho thấy, động lực và quyết tâm chống tham nhũng trong giới chức nhà nước và người dân giảm dần. Qua khảo sát, chỉ khoảng 3% số người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác hành vi tham nhũng của cán bộ chính quyền.

Vẫn còn một số lĩnh vực người dân không “lót tay” dường như việc không được giải quyết. Chẳng hạn trong lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ước tính có khoảng 44% số người làm thủ tục cấp Sổ đỏ phải đưa hối lộ mới làm xong thủ tục trong năm 2015, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ ước tính là 24% trong năm 2014. Trong khi tỷ lệ người dân phải lót tay cho cán bộ ở cấp bệnh viện tuyến huyện, quận vẫn ổn định ở mức 12% trong 2 năm qua.

“Tiếng lòng” của người dân

Bên lề Lễ công bố chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), trao đổi với Đại Đoàn Kết, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, PAPI là “tiếng lòng” của người dân giúp cho cơ quan công quyền ban hành cũng như điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Theo ông Phúc, PAPI được thực hiện với mong muốn sẽ cung cấp thêm những số liệu chính xác, một bức tranh về sự cảm nhận của người dân với những chính sách được các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Có thể nói, đánh giá của người dân là cực kỳ quan trọng giúp cho cơ quan nhà nước có điều kiện nhìn nhận lại mình, đánh giá lại chính sách và điều chỉnh, bổ sung chính sách pháp luật đáp ứng yêu cầu của người dân, yêu cầu của phát triển bền vững, ổn định.

Diễn tiến 5 năm thông qua chỉ số này, thông qua con mắt đánh giá của người dân, những chỉ số được công bố đã nói hộ “tiếng lòng” dân với cơ quan công quyền. Tuy nhiên, có vẻ sự thay đổi của cơ quan công quyền chưa nhiều. Báo cáo khảo sát chỉ rõ, trong số 6 trục thì có tới 5 trục giảm điểm, đặc biệt là trục công khai minh bạch giảm điểm nhiều nhất (giảm 7% điểm so với năm 2014).

Về việc PAPI 2015 có nhiều chỉ số có điểm sụt giảm so với 2014, ông Phúc cho rằng, trong mọi trường hợp, công khai minh bạch là vấn đề rất lớn, là mục tiêu của cải cách nền hành chính nhà nước. Minh bạch liên quan mật thiết đến vấn đề tham nhũng, đấu tranh chống tham nhũng hai điều này như là hệ quả của nhau.

Thông qua công khai minh bạch, giúp cơ quan nhà nước kiểm soát được tham nhũng. Tuy nhiên, điểm trũng này chưa được giải quyết rốt ráo. Chừng nào minh bạch trách nhiệm giải trình còn mang tính hình thức, giải trình vẫn không đúng bản chất của sự việc thì vấn nạn tham nhũng vẫn còn nhức nhối và đó là lý do khiến chỉ số này sụt giảm.

“Khi chỉ số PAPI được công bố, cần nghiêm chỉnh nhìn nhận nó một cách khách quan, coi nó như sự phản hồi của người dân mình xem xét lại những sự chỉ đạo, quản lý phải nghiêm túc. Bao giờ chỉ số này trở thành chỉ báo pháp lý, như sự chỉ báo thống nhất của nhà nước lúc đó nền hành chính mới chuyển động. Giờ nó chỉ là sự phản ánh, khuyến cáo của người dân thôi. Tôi cho rằng, nhiều địa phương thấy được tính thiết thực của các chỉ số này họ đã có nghiên cứu, thảo luận bàn bạc ở các chương trình để có giải pháp tích cực cho địa phương đó là điều chúng ta hướng tới.

Tuy nhiên, “bệnh” hành chính vẫn còn hơi nặng. Điều hành một địa phương mà phải có lệnh gì đó mới vào thực tiễn thì nền hành chính khó chuyển động. Đấy là một trong những nguyên nhân của nhiều hạn chế đã được chỉ rõ nhưng mãi vẫn chưa thấy giải pháp khắc phục”- ông Phúc nói.

Công bố chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI): Tham nhũng vặt vẫn phổ biến - 1

Ông Thang Văn Phúc: Chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là “tiếng lòng” của người dân giúp cho cơ quan công quyền ban hành cũng như điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Đánh giá của người dân là cực kỳ quan trọng giúp cho cơ quan nhà nước có điều kiện nhìn nhận lại mình, đánh giá lại chính sách và điều chỉnh, bổ sung chính sách pháp luật đáp ứng yêu cầu của người dân, yêu cầu của phát triển bền vững, ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công bố chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI): Tham nhũng vặt vẫn phổ biến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO