Công bố danh sách 870 người ứng cử ĐBQH khóa 14

V. Thắng 26/04/2016 16:52

Chiều ngày 26/4, Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức buổi họp báo công bố danh sách 870  người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước.

Công bố danh sách 870 người ứng cử ĐBQH khóa 14

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, Phó Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; Trần Văn Túy, Trưởng ban công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.

Trong tổng số 870 người chính thức ứng cử ĐBQH khóa 14 theo từng đơn vị bầu cử. Số người ứng cử ĐBQH khóa 14 do Trung ương giới thiệu là 197 người; địa phương giới thiệu là 673 người, đạt tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu; trong đó có 11 người tự ứng cử.

Về cơ cấu kết hợp chung của cả nước: Người ứng cử là phụ nữ có 339 người (chiếm tỷ lệ 38,97%); người ứng cử là người dân tộc thiểu số có 204 người (chiếm tỷ lệ 23,45%); người ứng cử là người ngoài Đảng có 97 người (chiếm tỷ lệ 11,15%); người ứng cử ĐBQH tái cử có 168 người (chiếm tỷ lệ 19,31%); người ứng cử là người trẻ tuổi có 268 người (chiếm tỷ lệ 30,80%).

Trong số 197 người ứng cử ĐBQH khóa 14 ở Trung ương khối cơ quan Đảng có 12 người (chiếm tỷ lệ 6,09%; khối cơ quan Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp có 5 người (chiếm tỷ lệ 2,54%); khối các cơ quan của Quốc hội có 113 người (chiếm tỷ lệ 57,36%); khối Chính phủ cơ quan thuộc Chính phủ có 17 người (chiếm tỷ lệ 8,63%); Bộ Quốc phòng gồm cả Bộ trưởng và các quân khu, quân chủng là 15 người (chiếm tỷ lệ 7,61%); Bộ Công an gồm cả Bộ trưởng Công an có 3 người (chiếm tỷ lệ 1,52%); Kiểm toán Nhà nước có 1 người (chiếm tỷ lệ 0,51%); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có 31 người (chiếm tỷ lệ 15,74%).

Về cơ cấu kết hợp trong tổng số 197 người được giới thiệu ứng cử: Phụ nữ có 29 người (chiếm tỷ lệ 14,72%); Dân tộc thiểu số có 17 người (chiếm tỷ lệ 8,63); Tôn giáo có 2 người (chiếm tỷ lệ 1,02%); Người ngoài Đảng có 7 người (chiếm tỷ lệ 3,55%); Tái cử có 101 người (chiếm tỷ lệ 51,27%); Trẻ tuổi có 6 người (chiếm tỷ lệ 3,05%).

Trong số 673 người ứng cử ĐBQH khóa 14 ở địa phương, người ứng cử là phụ nữ có 310 người (chiếm tỷ lệ 46,06); người ứng cử là người dân tộc thiểu số có 187 người (chiếm tỷ lệ 27,79%); người ứng cử là người ngoài Đảng có 90 người (chiếm tỷ lệ 13,37%); người ứng cử là người trẻ tuổi có 262 người (chiếm tỷ lệ 38,93%); người ứng cử là ĐBQH khóa 13 tái cử có 67 người (chiếm tỷ lệ 9,96%).

Trả lời báo chí về việc có trường hợp người tự ứng cử được tín nhiệm 100% tại cử cư tri nơi cư trú nhưng đến hiệp thương vòng 3 lại bị trượt, vậy quy trình lựa chọn như thế nào? sao không bỏ phiếu kín mà giơ tay biểu quyết?, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhiều người dân có đơn xin tự ứng cử ĐBQH, tuy nhiên bất cứ ai cũng phải đối chiếu tiêu chuẩn. Qua các vòng như nơi công tác, nơi cư trú sau đó lấy phiếu tín nhiệm đến vòng 3 để chốt danh sách. Theo ông Phúc, người được nơi cư trú và nơi công tác tín nhiệm cao nhưng đến vòng 3 bị loại là bình thường.

Trả lời về việc tỷ lệ người ứng cử được lọt vào danh sách qua vòng 3 rất thấp, đơn cử như ông Trần Đăng Tuấn được tín nhiệm tại nơi cư trú, và nơi công tác đều đạt 100% tín nhiệm nhưng đến vòng 3 lại bị loại. Kết quả cho thấy đánh giá của cử tri nơi cư trú và nơi công tác không có nhiều ý nghĩa, vậy có nên sửa luật bỏ lấy ý kiến nơi công tác và nơi cư trú làm tốn kém tiền của của người dân hay không?, ông Phúc cho rằng, hiệp thương vòng 3 là quan trọng, không phải là hình thức, vì từ vòng 3 mới bắt đầu lập danh sách. Tại vòng 3, khi bỏ phiếu, ông Trần Đăng Tuấn chỉ được 13/83 đồng ý, đây là tỷ lệ thấp cho nên bị loại.

Trả lời về việc phân bổ người ứng cử như thế nào để tránh việc chọn nơi thuận lợi còn đẩy nơi khó khăn?, ông Phúc cho biết, các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước hay còn gọi là “tứ trụ” được phân bố tại các vùng miền Bắc- Trung- Nam, còn các đồng chí là Bộ chính trị thì rải đều. “Các địa phương rất mong muốn lãnh đạo cấp cao ở Trung ương về địa phương mình, có người có 4-5 địa phương muốn về ứng cử tại địa phương như Chủ tịch Quốc hội chẳng hạn. Nhưng phải do phân công củaTrung ương để đồng đều nhất là tính vùng miền” - ông Phúc cho hay.

Xem danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH khóa XIV theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước tại đây (Nguồn: quochoi.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công bố danh sách 870 người ứng cử ĐBQH khóa 14

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO