Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường

Tuệ Phương 30/10/2017 09:15

Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, trong đó 95% lượng rác thải sinh hoạt đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tốn kém, nhưng hiệu quả lại không cao. Chưa kể không khí, nguồn nước ngầm có thể bị ô nhiễm trong quá trình rác phân hủy nếu không được xử lý tốt…

Ý thức người dân trong bảo vệ môi trường đã được nâng cao.

Hiện mỗi ngày Hà Nội phát sinh gần 5.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó tại khu vực các quận, thị xã là 3.200 tấn. Tuy nhiên, năng lực thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến các khu xử lý tập trung chỉ đạt 72%.

Trong số gần 3.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý mỗi ngày, có tới 3.670 tấn, xấp xỉ 95% được chôn lấp.

Chưa kể mỗi ngày, khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn còn tiếp nhận hàng chục tấn rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại như: Vải vụn, nhựa, dầu thải, chất thải y tế…, phải sử dụng lò đốt loại nhỏ để hóa rắn trước khi chôn lấp.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tồn tại lớn nhất của công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta chưa áp dụng được phương thức tổng hợp, chưa chú trọng đến các giải pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm hướng tới giảm khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp.

Bên cạnh đó, đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại chưa tương xứng; nhiều công trình xử lý chất thải rắn đã được xây dựng và vận hành nhưng cơ sở vật chất, năng lực và hiệu suất xử lý không đạt yêu cầu.

Trước yêu cầu bức thiết về bảo vệ môi trường nông thôn, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030 và giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch triển khai Đề án nhằm sớm khắc phục những tồn tại kéo dài trong ô nhiễm môi trường làng nghề.

Để phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, MTTQ thành phố Hà Nội cũng chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; tuyên truyền và tôn vinh những mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư; xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường… Nhờ đó, đến nay toàn thành phố có 5128/5128 KDC đăng ký “KDC tự quản bảo vệ môi trường”.

Theo ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội, với phương châm mỗi chức sắc, nhà tu hành là một sứ giả bảo vệ môi trường, trong những năm qua tôn giáo thủ đô ngoài việc tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động nhân đạo từ thiện thì còn có những đóng góp thiết thực trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Trong thời gian tới, MTTQ thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, vì đây là việc làm lâu dài với những căn bản của giá trị giáo lý yêu thương và phục vụ giáo lý sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc” của các tôn giáo”, ông Vũ Hồng Khanh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO