Công khai bản án

Kiên Long 27/05/2017 08:15

Toà án nhân dân Tối cao vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham gia của toàn bộ đội ngũ thẩm phán và cán bộ tư pháp của Toà các cấp. Tại Hội nghị, vấn đề công khai bản án theo Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP TAND Tối cao có hiệu lực từ 1/7/2017 đã được Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình tiếp tục nhấn mạnh. Dư luận đánh giá cao tinh thần quyết liệt, quyết tâm cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước ta, cụ thể trong việc sẽ công khai các bản án trên Cổng

Vấn đề cải cách tư pháp, công khai, minh bạch hoạt động của ngành tư pháp nói chung, của Toà án nói riêng, trong đó có việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là chủ trương đã được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm. Nghị quyết 49-NQ/TƯ ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã yêu cầu ngành Toà án có trách nhiệm “từng bước thực hiện việc công khai các bản án”. Và rồi, cùng với quy định về việc công khai, minh bạch trong hoạt động Toà án tại các văn bản pháp luật liên quan trước đó, ngày 16/3/2017, Hội đồng thẩm phán đã có Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố công khai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án. Như Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình khẳng định, Nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình cải cách tư pháp. Việc công khai bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án sẽ tạo điều kiện cho toàn xã hội tiếp cận thông tin để thực hiện giám sát hoạt động của Toà án cũng như công tác xét xử…

Thực tế thời gian qua, công tác điều tra, xét xử còn nhiều bất cập, từng bỏ lọt không ít tội phạm cũng như làm oan sai, gây hệ luỵ không tốt. Không ít những vụ án tham nhũng, tham ô nghiêm trọng, nhưng kẻ phạm tội chỉ bị kết án treo. Lại không ít vụ án oan như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận)… đã để lại những dư luận tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, cuộc sống người bị oan và người thân của họ, đồng thời là gánh nặng của xã hội trong việc bồi thường, ảnh hưởng niềm tin chính đến ngành tư pháp. Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc có nhiều, song chủ yếu bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm, độc đoán, chủ quan, yếu trình độ…và trong đó có việc chưa công khai, minh bạch ngay từ khâu điều tra, xét xử, không ít bản án cần công khai, phải công khai nhưng không được công khai.

Vấn đề minh bạch trong quá trình tố tụng là rất quan trọng. Chưa nói đến quá trình khởi tố, điều tra để tránh ép cung, nhục hình... còn như với nội dung những bản án được công khai, cũng như những tiếng kêu oan được công khai, thì dưới sự giám sát, phán xét, thẩm định của cả xã hội, vụ việc, vụ án sẽ được xét xử công minh hơn, chính xác hơn, nếu có vi phạm, sai phạm sẽ không bị đẩy đi xa, nghiêm trọng như đã từng diễn ra.

Với việc công khai các bản án, mọi vấn đề của vụ việc, sự phán xét của các thẩm phán, của Hội đồng xét xử với tư cách được trao quyền sẽ được mọi người dân, nhất là các nhà chuyên môn trong ngành giám sát, xem xét, thẩm định. Mọi vi phạm, thiếu sót, yếu kém sẽ bị phơi bầy. Người ta có thể kịp thời chỉnh sửa, thậm chí sửa sai nếu có thiếu sót, vi phạm.

Pháp luật là tối thượng và cần phải đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng, khách quan. Tính minh bạch thể hiện ngay từ việc quy định những gì được công khai, những gì không công khai, vì sao.v.v... Những bản án, quyết định xử kín, có chứa nội dung danh mục bí mật Nhà nước, bí mật gia đình, bí mật cá nhân, người tham gia tố tụng yêu cầu giữ bí mật hay bản án chưa có hiệu lực pháp luật, có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi…theo quy định của Nghị quyết 03/2007 không được công khai, nhưng nếu lại đem ra công khai cũng lại là vi phạm. Hay Chủ toạ phiên toà sẽ phải chịu trách nhiệm với việc mã hoá, số hoá và công bố bản án… cũng như phải có trách nhiệm giải thích với những người tham gia tố tụng. Và như vậy, yêu cầu thêm trách nhiệm của người đứng đầu mỗi vụ việc, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân được quy định rõ hơn.

Công khai các bản án cũng chính là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức, cá nhân. Công khai bản án, minh bạch thông tin, giúp mọi tổ chức, cá nhân vừa giám sát, vừa tham gia bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân mình cũng như của cả xã hội, giúp cho pháp luật được nghiêm minh. Đây cũng là một kênh thông tin giúp cho việc tuyên truyền pháp luật hiệu quả hơn, thoả mãn nhu cầu tiếp cận công lý của người dân. Những ý kiến phản hồi, đóng góp của người dân, ý kiến các đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ càng giúp các bản án, quyết định của tòa án chưa chính xác, hoàn thiện hơn. Đến ngay cả việc công bố chưa chính xác như Nghị quyết đã nêu “thì Toà án đã ra bản án, quyết định đó có trách nhiệm đính chính” ngay.

Thời gian qua, người dân từng rất quan tâm về vấn đề xét xử các vụ án tham nhũng, các vụ đại án, quá trình vi phạm của các quan tham, sự xét xử của các cấp Tòa; những con số, những mức án các đối tượng phải gánh chịu. Đặc biệt, người ta rất băn khoăn về việc thu hồi tài sản tham nhũng. Thực tế việc thu hồi tài sản tham nhũng đã rất khó khăn. Với việc công khai các bản án, người dân sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình giám sát, phát hiện, nhất là sẽ giám sát việc thi hành án, giúp cho việc thu hồi các tài sản tham nhũng hiệu quả hơn.

Minh bạch trong thủ tục, từ đó sẽ minh bạch trong yêu cầu, trách nhiệm. Rõ ràng, đây là một bước tiến trong cải cách tư pháp ở ta hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công khai bản án

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO