Công khai đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động biết

Đức Toàn - Khanh Lê 01/06/2019 08:00

Đây là đề xuất của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung tại buổi thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV xung quanh về vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội mới đây.

Công khai đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động biết

Cần có giải pháp mạnh để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo báo cáo mới đây của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, năm 2018, công tác thu và phát triển đối tượng BHXH Việt Nam đã thực hiện là: Tổng số thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp là 332.006 tỷ đồng, vượt 2.032 tỷ đồng, đạt 100,62% so với kế hoạch được Chính phủ giao. Số nợ phải tính lãi 5.715 tỷ đồng, bằng 1,7% tổng số phải thu, giảm 1,2% so với năm 2017… Bên cạnh những con số tăng trưởng tích cực, báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn vướng mắc về tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, đơn vị. Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT kéo dài đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.

Tại Hà Nội, dù đã có nhiều giải pháp để hạn chế nợ đọng BHXH, tuy nhiên theo báo cáo đến hết tháng 4/2019, Hà Nội có 37.557 đơn vị nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền nợ phải tính lãi lên đến hơn 2.084 tỷ đồng, tăng mạnh so với tháng 12/2018.

Theo bà Đàm Thị Hòa- Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, nguyên nhân số tiền nợ tăng cao là do nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng. Số tiền nợ ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động… chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật. Công tác đôn đốc, thanh kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp ở một số nơi chưa sâu sát… Trong số các đơn vị nợ đọng, Công ty Cổ phần Lilama 3 có số nợ lớn nhất, lên tới 33 tỷ đồng, nợ kéo dài gần 6 năm. Đứng thứ hai về nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment, với số nợ hơn 21 tỷ đồng, kéo dài 18 tháng; trong số nợ bảo hiểm, có đến một nửa là tiền lãi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cách đây hơn một tháng, ông đã có cuộc làm việc với tập thể lãnh đạo BHXH Việt Nam và đã đề nghị BHXH Việt Nam cung cấp con số nợ chính thức và số người nợ BHXH, hoặc trốn đóng BHXH do các doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn gây ra. Thế nhưng để có số liệu cụ thể, phía BHXH Việt Nam thừa nhận là khó, không thể làm được.

Theo ước tính, hiện số nợ khoảng 3.000 tỷ, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vốn liên kết bị phá sản và bỏ trốn. Tuy nhiên, việc truy thu nợ BHXH đối với các doanh nghiệp này vẫn chưa có biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 2 vấn đề vướng mắc là: Thứ nhất, Luật BHXH không cho phép lấy ngân sách từ kết dư BHXH để chi cho việc này. Luật Ngân sách nhà nước cũng không cho phép lấy ngân sách nhà nước bù. Như vậy, cả 2 luật đều quy định không được. Theo thông lệ quốc tế cũng không có nước nào làm thế cả, vì doanh nghiệp phá sản thì thực hiện theo Luật Phá sản. Về điều này, Giám đốc ILO tại Việt Nam Chang Hee Lee cũng khẳng định, không có quốc gia nào làm thế được.

Trên thực tế, nếu giải quyết được một doanh nghiệp thì sau này các doanh nghiệp khác phát sinh sẽ xử lý thế nào? Vì doanh nghiệp phá sản, giải thể, trốn đóng là chuyện thường ngày trong cơ chế thị trường, vì thế phải quản lý tốt.

Thứ hai, do không có số liệu chính thức: Số nợ chính thức và số người nợ BHXH, hoặc trốn đóng BHXH do các doanh nghiệp gây ra. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có con số cụ thể như: Số BHXH bao nhiêu, số nợ bao nhiêu, nợ bao nhiêu tháng, nợ đến tháng nào…

“Hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm, phải làm tốt công tác quản lý, cập nhật thông tin cho người lao động biết. Xử lý theo hướng tập trung cao cho việc ứng dụng công nghệ thông tin. Công khai, minh bạch hóa đóng BHXH cho người lao động biết”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

TP Hồ Chí Minh chuyển 10 hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng BHXH sang cơ quan công an

BHXH Việt Nam cho biết, nhằm khắc phục tình trạng nợ BHXH, BHYT của người lao động kéo dài, trong tháng 4/2019 BHXH TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ 10 doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT qua Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh để điều tra, xử lý theo quy định. 10 doanh nghiệp bị chuyển hồ sơ gồm: Công ty Cổ phần Tư vấn -Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (quận Phú Nhuận), Công ty Cổ phần Sản xuất giày Thượng Thăng (huyện Bình Chánh), Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Quận 1), Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí Hùng Dũng (huyện Hóc Môn), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đỉnh Phong (quận Bình Tân), Công ty TNHH Đầu tư - Sản xuất Hà Nam (quận Bình Thạnh), Công ty TNHH Xây dựng -Thương mại Lục Giác (quận Bình Thạnh), Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Kinh doanh nhà Thái Sơn (quận 10), Công ty Cổ phần BYS (quận Tân Bình) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Công trình Miền Đông (quận Thủ Đức). Đây là các doanh nghiệp đã từng bị BHXH TP Hồ Chí Minh thanh tra trong năm 2018, có quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công khai đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động biết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO